Theo tinh thần Thông tư số 11/2015/TT-BXD, kể từ ngày 16-2, những người làm môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế cũng như ý kiến từ phía các doanh nghiệp và chuyên gia, con đường để quy định trên đi vào cuộc sống sẽ gian nan.
Thậm chí chưa nghe!
Một nhân viên môi giới bất động sản đang giới thiệu một dự án đất nền với khách hàng trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2 vào chiều 25-2. |
Chiều ngày 25-2, trong vai một khách hàng mua nhà, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị rảo qua một số sàn giao dịch và văn phòng môi giới tại quận 2, quận 9, TPHCM. Thực tế cho thấy, nhiều môi giới bất động sản đang chào bán hàng cho khách chưa có chứng chỉ hành nghề.
Tại một sàn giao dịch trên đường Đồng Văn Cống (quận 2), người viết được ông phó giám đốc sàn tên Hùng giới thiệu một dự án đất nền trên địa bàn quận này. Sau một hồi làm quen, ông Hùng cho biết hiện sàn giao dịch này có 15 nhân viên môi giới chính thức và khoảng 10 cộng tác viên, trong đó chỉ có năm nhân viên chính thức đã được cấp chứng chỉ hành nghề, còn lại chưa có.
Buổi chiều cùng ngày, trên đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn dưới cầu dẫn lên đường cao tốc ở phường Phú Hữu (quận 9), một nhóm khoảng chục nhân viên môi giới căng ba tấm biển quảng cáo ba dự án đất nền ở khu Đông. Mỗi khi có khách hàng dừng chân hỏi dự án, các nhân viên này sốt sắng chào hàng liên tục.
Sau một hồi hỏi han thông tin dự án, một vị khách tìm mua đất tên Trung (ngụ quận Thủ Đức) đã lắc đầu, cho biết anh thấy biển treo 439 triệu đồng/nền nên ghé vào. “Ai ngờ đó chỉ là giá của nửa nền, mà nền cũng có 60 m2 thôi”, anh Trung cho biết. Theo anh, dường như các nhân viên này không rành về đất đai, thủ tục mua bán, pháp lý liên quan mà chỉ tranh thủ quảng cáo đủ thứ “tiện ích, khả năng sinh lời” của dự án.
Lân la hỏi chuyện mới biết, hầu hết các nhân viên môi giới tại nơi này chưa có chứng chỉ hành nghề. Đ., nam nhân viên môi giới của một công ty ở quận 2 còn “hồn nhiên” cho biết anh không biết đến quy định mới của Bộ Xây dựng về chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. “Làm nghề này chỉ cần bán được hàng cho khách thôi, tùy vào khả năng, cái duyên của mỗi người chứ cần gì bằng cấp hay chứng chỉ”, Đ. nói.
Ông Nguyễn Văn Luật, một người làm nghề tư vấn, môi giới bất động sản lâu năm tại quận 2, cho biết hiện rất ít nhân viên môi giới tại các sàn giao dịch, văn phòng nhà đất nhỏ lẻ với quy mô 10-15 nhân viên có chứng chỉ hành nghề. “Có chăng chỉ là giám đốc sàn, trưởng văn phòng, miễn sao đủ điều kiện số lượng người có chứng chỉ tối thiểu để được đăng ký kinh doanh”, ông Luật nhận xét.
Trong khi đó, ngay ở các sàn giao dịch lớn tại TPHCM với số lượng vài trăm, thậm chí cả ngàn nhân viên môi giới, thì không phải ai cũng có chứng chỉ hành nghề. Một giám đốc sàn giao dịch bất động sản có 200 nhân viên tại TPHCM cho biết, chưa tới phân nửa số nhân viên của đơn vị này có chứng chỉ hành nghề, số còn lại… vừa học vừa làm. “Nhân viên môi giới bây giờ đến từ đủ mọi thành phần, ngành nghề, nhiều nhất là sinh viên mới ra trường. Chúng tôi cứ ký hợp đồng cho họ làm trước đã, miễn sao bán được nhà. Còn chuyện chứng chỉ thì ai muốn đi thi thì chúng tôi tạo điều kiện, ai không muốn thì thôi”, vị này cho biết.
Thực tế cho thấy, số người có chứng chỉ hành nghề môi giới ở nhiều sàn chủ yếu rơi vào cấp quản lý, giám đốc sàn, trưởng/phó phòng kinh doanh.
Khó quản lý
Theo quy định, người dự thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản phải thi bắt buộc các nội dung như kiến thức cơ sở, bao gồm pháp luật liên quan đến kinh doanh bất động sản, thị trường bất động sản, đầu tư bất động sản, giải quyết tình huống trên thực tế… Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ là cơ quan tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ. Theo tinh thần của thông tư này, bất cứ cá nhân nào hành nghề môi giới bất động sản cũng phải có chứng chỉ hành nghề.
Tuy nhiên, giới doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng băn khoăn khái niệm “môi giới” được quy định trong thông tư. Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, bà V.A., giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản trực tuyến tại TPHCM, cho biết hiện đơn vị bà có 20 nhân viên kinh doanh nhưng chỉ làm việc qua mạng Internet thông qua việc tiếp nhận nhu cầu từ khách hàng và tra cứu, giới thiệu sản phẩm đến khách. “Vậy các nhân viên của tôi có phải đi học, đi thi để được cấp chứng chỉ hay không?”, bà V.A. đặt câu hỏi. Vị giám đốc này kiến nghị, cơ quan nhà nước đưa ra thông tư phải có những hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc trực tuyến như công ty bà có thể biết để thực hiện.
Trong quá trình xây dựng thông tư, Bộ Xây dựng cho rằng quy định trên sẽ giúp thị trường bất động sản thêm minh bạch với đội ngũ nhân viên môi giới có trình độ, hoạt động quy củ, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi thông tư này ra đời, phía doanh nghiệp lại không kỳ vọng nhiều vào sự minh bạch của thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng muốn thị trường hoạt động quy củ, minh bạch cần phải “trị” từ gốc, tức là phía chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư cố tình đưa ra thông tin sai lệch về dự án, cố tình lừa đảo khách hàng như một căn hộ bán cho nhiều người thì nhân viên môi giới cũng sẽ bị sai lệch theo. Ông Đực cũng nhìn nhận, thời gian qua nhiều nhân viên môi giới và sàn giao dịch đã góp phần không nhỏ làm nóng sốt thị trường với kỹ thuật “bơm”, “thổi phồng” thị trường quá mức. Do đó, cần phải quản lý chặt chẽ thị trường từ hai đầu gồm chủ đầu tư và sàn môi giới, còn nếu chỉ dựa vào Thông tư 11/2015/TT-BXD thì chưa đủ cơ sở để khẳng định sẽ làm cho thị trường lành mạnh.
Ông Đoàn Chí Thanh, Phó tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, kiến nghị cơ quan nhà nước cần có biện pháp chế tài với các cá nhân và các sàn giao dịch không thực hiện đúng quy định của thông tư trên. Song ông Thanh cũng cho rằng, việc quản lý này sẽ gặp nhiều khó khăn bởi hoạt động của môi giới bất động sản hiện nay muôn hình vạn trạng, rải rác khắp nơi.
DiaOcOnline.vn - Theo SGTT