Bà Trần Thị Ánh Nguyệt, Phó trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho hay, lễ khởi công nhà ga trung tâm (deport) của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên tại phường Long Bình, quận 9, đã được UBND TP HCM ấn định vào ngày 21/2.
Theo thiết kế được phê duyệt, tuyến metro số 1 của thành phố dài 19,7 km, bắt đầu từ vòng xoay Quách Thị Trang ở trước cửa chợ Bến Thành, quận 1 và kết thúc tại khu vực bến xe Suối Tiên của quận 9. Sẽ có 14 ga nhỏ trên suốt hành trình để đưa đón khách.
Mô hình thiết kế đoạn metro ngầm dưới đất.
Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị cung cấp
Tuyến sẽ như một con rắn đi theo các đường hiện hữu Lê Lợi chạy sát xưởng đóng tàu Ba Son, men theo rạch Văn Thánh đến cầu Sài Gòn và vượt qua xa lộ Hà Nội.
Là đường xe điện ngầm, nhưng thực chất metro Bến Thành - Suối Tiên chỉ có một đoạn 2,6 km là đi dưới mặt đất (tức từ chợ Bến Thành đến Ba Son). Phần ngầm này chui dưới đường Lê Lợi gồm 2 tuyến đường hầm đơn song song, qua bên hông Nhà hát thành phố, trụ sở Công ty điện lực 2, theo đường Nguyễn Siêu để kết thúc tại ga nhỏ ngay Ba Son. Sau đó “con rắn” sẽ trồi lên mặt đất và chuyển sang đi trên cao.
Đoạn lộ thiên tiếp theo này dài đến 17,1 km, nghĩa là hết cả hành trình còn lại của tuyến metro. Phần này sẽ vượt đường Nguyễn Hữu Cảnh đi theo rạch Văn Thánh ra xa lộ Hà Nội, cuối cùng rẽ phải vào depot Long Bình.
Toàn bộ tuyến Bến Thành - Suối Tiên sẽ đi qua các quận 1, Bình Thạnh, 2, Thủ Đức, 9 và huyện Dĩ An của tỉnh Bình Dương. Tổng mức đầu tư suốt tuyến hơn một tỷ USD, trong đó có khoảng 88 triệu USD kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều người lo ngại là hệ thống thoát nước của thành phố không tốt nên có thể dẫn đến tình trạng nước tràn vào khoang ngầm của metro. Các chuyên gia nhận định, nếu metro ở đoạn đi ngầm có cao độ dưới 2,5 m sẽ dễ bị nước ngập vào đường hầm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các thiết bị điện. Như vậy, tại vị trí hầm (nơi tuyến chuyển từ ngầm sang đi cao tại Ba Son) cần lắp đặt thêm cửa thép hoặc tấm panel để chống ngập.
Đoạn trên cao. Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị cung cấp.
Lãnh đạo TP HCM kỳ vọng, khi đi vào hoạt động năm 2013, tuyến metro này trở thành trục xương sống trong vận tải hành khách công cộng.
Tàu điện ngầm sẽ gồm 6 toa xe, sức chở 942 hành khách mỗi chuyến, trong đó có 312 chỗ ngồi. Dự kiến khả năng vận chuyển từ năm 2014 đến 2020 khoảng 160.000 khách một ngày. Đến năm 2030, số lượng chở này được tăng lên 630.000 và đạt 800.000 khách trong ngày vào năm 2040.
Metro là tàu điện chạy trong đô thị (hình dáng giống tàu lửa nhưng chạy bằng điện), có sức vận chuyển lớn hơn so với xe điện mặt đất (Tramway) hay xe điện chạy 1 bánh (Monorail).
Tùy theo lượng hành khách đi lại vào giờ cao điểm, tàu có từ 3 đến 10 toa và chạy cách nhau từ 3 đến 10 phút. Vận tốc hành trình 40 km/h.
Hệ thống đường sắt đô thị của TP HCM đã được quy hoạch gồm 6 tuyến metro, 3 tuyến xe điện mặt đất. Ngoài tuyến điện ngầm đầu tiên Bến Thành - Suối Tiên chuẩn bị khởi công xây nhà ga, TP HCM đang xúc tiến gọi đầu tư và lên thiết kế cho tuyến số 2, 3, 4.
Theo VnExpress