Hàng loạt những bất cập trong chính sách về giá bồi thường, giá mua nhà tái định cư cũng như môi trường, điều kiện sinh sống... đã khiến người dân gặp khó khăn sau tái định cư. Tình trạng này đang tạo ra một nghịch lý là người dân vẫn không tìm được nơi an cư, trong khi nhiều khu tái định cư vẫn vắng người sinh sống.
Bất cập giá nhà
Tuy TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương chung là nơi tái định cư phải tốt hơn chỗ cũ nhưng thực tế thì lại khác. Đa phần người dân khá vất vả khi phải di dời đến nơi ở mới vì điều kiện sinh sống, phương kế làm ăn bị thay đổi. Thậm chí, do tiền đền bù không đủ để mua một căn hộ tái định cư nên người dân rất lo lắng. Tình trạng ở chung cư Mỹ Kim - Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức là một điển hình. Khu chung cư tái định cư này là nơi ở mới cho các hộ dân thuộc dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi và các hộ dân bị di dời trong phạm vi hành lang sạt lở đoạn 1.3 kênh Thanh Đa. Đến nay, tình trạng chung của các hộ dân này là sau 7 năm sinh sống, họ vẫn không thể đóng đủ tiền mua nhà do giá bán thực tế quá cao so với mức giá được thông báo khi tiến hành giải tỏa.
Chung cư Mỹ Kim nhìn bên ngoài rất khang trang...
|
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, thành viên Ban Quản trị chung cư này cho chúng tôi biết: Năm 2007, khi bị giải tỏa khỏi khu vực Thanh Đa, chính quyền địa phương quận Bình Thạnh thông báo mức giá đền bù là 4,3 triệu đồng/m2, nhưng bà con khu vực này không đồng ý do giá đền bù như vậy là quá thấp so với giá thị trường. Sau khi thương lượng, quận Bình Thạnh đồng ý đền bù với mức giá 6,1 triệu/m2. Tuy nhiên so với mức giá nhà tái định cư được thông báo vào cùng thời điểm là 7,1 - 7,6 triệu/m2 thì tiền đền bù vẫn chưa đủ để mua một căn hộ tái định cư. Sau đó gia đình chị Thủy đồng ý đóng thêm khoảng hơn 50 triệu đồng nữa để dọn về nơi ở mới. Tuy nhiên, sau khi nhà cũ bị giải tỏa, về nhà mới sống được khoảng 1 tháng thì gia đình chị Thủy nhận được thông báo giá bán chung cư tái định cư là 11,7 triệu/m2 đối với những căn hộ trên tầng cao và 14 triệu/m2với những căn hộ tầng 1. Đây là mức giá tăng từ 5 - 6 triệu đồng/m2 so với mức giá thông báo ban đầu. Với mức giá này, người dân phải bỏ thêm từ 200 - 300 triệu đồng để mua được nhà.
Có cùng cảnh ngộ, trong đơn khiếu nại gửi khắp các cơ quan chức năng, chị Nguyễn Thị Ngọc Mai ở chung cư Mỹ Kim bày tỏ sự bức xúc: Với giá bán chung cư tăng cao như vậy đã khiến số nợ của gia đình tôi tăng lên quá nhiều, cuộc sống của những người dân nghèo lại càng khó khăn hơn. Chị Mai nêu quan điểm, xây dựng nhà tái định cư không nên đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng sớm xem xét cho những hộ tái định cư được hưởng quyền lợi ổn định chỗ ở theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Dù vậy, những bức xúc này đến nay vẫn chưa được các cơ quan xem xét và giải quyết thỏa đáng.
Chưa an cư, lạc nghiệp
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, đời sống người dân tại những dự án tái định cư gặp đang nhiều khó khăn, dẫn đến nhiều người đã bán lại nhà, hoặc cho thuê để tìm nơi ở mới. Kết quả khảo sát đời sống của 1.200 hộ dân sau tái định cư tại 12 quận, huyện cũng cho thấy, có 38% hộ đánh giá nơi ở mới có cải thiện hơn so với trước, trong khi 45,5% cho là vẫn như cũ và 16,5% giảm sút so với trước. Tương tự, về thu nhập, có 36% hộ được hỏi trả lời có cải thiện hơn so với trước, trong khi 37,8% cho rằng vẫn như cũ và 26,2% bị giảm sút. Nguyên nhân khiến cuộc sống người dân sau tái định cư khó khăn còn là do bị mất đất sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Trong khi đó, phần lớn lao động (thuộc nhóm hộ tái định cư) là những người không có trình độ cao, chủ yếu là lao động phổ thông nên khi thay đổi chỗ ở mới thì rất khó tìm việc làm.
Nhưng bên trong, người dân phải chịu cảnh tường bị thấm, bong tróc do chất lượng công trình quá kém.
|
Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh công bố cũng cho thấy, sau tái định cư, trong tổng số người dân TP Hồ Chí Minh bị thu hồi đất chỉ có khoảng 57,1% người trong độ tuổi lao động có việc làm. Bên cạnh đó, cuộc sống sinh hoạt của người dân sau tái định cư cũng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này đã dẫn đến thực tế là hàng nghìn căn hộ tái định cư đang bị bỏ hoang, trong khi người dân vẫn phải tất tả tìm nơi ăn chốn ở.
Tình trạng này thể hiện khá rõ tại Khu tái định cư Vĩnh Lộc B. Đây là khu chung cư có quy mô hơn 30 ha, vốn đầu tư 1.062 tỷ đồng, gồm 45 block chung cư với 2.000 căn hộ và 559 nền đất. Dù đã bàn giao nhà từ năm 2010 nhưng đến nay chỉ có chưa đến 200 căn hộ có người dân đến ở và 65 nền đất được xây dựng. Nhiều hộ dân nhất quyết không chịu về đây do quá xa nơi ở cũ và xa khu vực trung tâm.
Gia đình anh Nghĩa (40 tuổi, quận Tân Phú) là một ví dụ. Được Nhà nước cấp căn hộ nằm trong Khu tái định cư Vĩnh Lộc đã được bốn năm nay, tuy nhiên khác với nhiều hộ dân khác, gia đình anh đã không chuyển về đây ở mà đi thuê trọ ở gần khu nhà cũ (kênh 19/5) để làm ăn sinh sống. Anh chia sẻ: “Nhà nước có chính sách thì phải chấp hành thôi, nhưng nếu chúng tôi được tái định cư ở những nơi trung tâm hơn thì sẽ thuận lợi hơn cho chúng tôi trong việc làm và đi lại. Cũng chính vì lý do đó gia đình tôi đã chọn đi thuê nhà trọ chứ không về ở tại khu tái định cư”.
Không chỉ có Khu tái định cư Vĩnh Lộc B mà nhiều khu tái định cư khác, người dân cũng không đến ở dù phải đi thuê nhà cũng với những lý do như trên. Đơn cử như dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, quận 9. Đây là một tòa nhà năm tầng với hơn 100 căn hộ. Dù bàn giao cách đây gần 5 năm nhưng hiện chỉ có lác đác vài hộ chuyển vào sinh sống. Tương tự, chung cư Tân Hưng (thuộc khu dân cư Him Lam - Kênh Tẻ, đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7) có 72 căn hộ, được đưa vào sử dụng từ năm 2006, nhưng đến đầu năm 2011 mới có vài hộ dân dọn về. Tại lô chung cư tái định cư Phú Mỹ (quận 7) có 300 căn hộ tái định cư nhưng chỉ mới có 50 hộ dân vào ở.
DiaOcOnline.vn - Theo Tin tức