Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh phương án thiết kế cụm nút giao thông 520 tỉ đồng phía Tây cầu Trần Thị Lý.
Ngày 17-7, Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với “Phương án thiết kế tổ chức giao thông nút phía Tây cầu Rồng và cụm nút phía Tây cầu Trần Thị Lý”.
Tại hội nghị, Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng thông tin về nhiều ý kiến góp ý, phản biện của các chuyên gia liên quan cụm nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý.
Phối cảnh phương án cụm nút giao ba tầng phía Tây cầu Trần Thị Lý. Ảnh: BQL
|
Theo tư vấn, cụm nút giao này được thiết kế quy mô ba tầng. Trong đó có hầm chui chạy dọc đường Duy Tân và cầu vượt thép chạy dọc đường 2 Tháng 9. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng dự kiến 520 tỉ đồng.
KTS Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, nhận định đây là trục giao thông quan trọng kết nối sân bay, các khu chức năng mới phía Tây, Tây Nam với toàn bộ các khu dịch vụ ven biển phía Đông của TP.
Tại nút giao thông giao cắt hai trục chính 2 Tháng 9 và Duy Tân với lượng xe ô tô rất lớn vào các giờ cao điểm, nhất là cuối tuần. Do đó, giải pháp tố chức nút giao khác mức ba tầng là phù hợp.
KTS Trần Dân lại kiến nghị chọn phương án nút giao khác mức hai tầng, gồm một hầm + đèn điều khiển kết hợp xây dựng mới đường phía sau khu Hội nghị tiệc cưới (Bạch Đằng nối dài) cho giai đoạn đầu.
Theo ông Dân, cầu vượt thép năm nhịp chạy dọc đường 2 Tháng 9 lúc này không nên làm, chỉ để hở cho giai đoạn hai nếu cần thiết.
Ông Dân cho rằng sau khi có đường mới phía sau dãy nhà hàng tiệc cưới, lưu lượng giao thông qua nút giao này sẽ giảm. Làm như vậy vừa giảm kinh phí đầu tư vừa bảo đảm cảnh quan, tầm nhìn đẹp cho khu vực cầu Trần Thị Lý. Cầu vượt thép là công việc chữa cháy không bền vững, dùng ở đây không phù hợp cho lâu dài.
Hiện trạng chen chúc tại nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý giờ cao điểm. Ảnh: TẤN VIỆT |
KTS Trần Dân cũng kiến nghị cần làm trước đường Bạch Đằng nối dài để phân luồng giao thông khu tiệc cưới qua đây trước khi làm hầm.
Góp ý thêm về cảnh quan, KTS Phan Đức Hải cho hay việc làm cầu vượt ở đây sẽ ảnh hưởng đến tầm nhìn từ Tây sang Đông của cầu Trần Thị Lý, ảnh hưởng mỹ quan đô thị của khu vực đường 2 Tháng 9.
KTS Phan Đức Hải cũng cảnh báo việc tổ chức hầm ngầm đều ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước từ trung tâm ra sông Hàn. Do đó, cần có giải pháp tối ưu nhất.
Như đã thông tin, Sở GTVT TP Đà Nẵng cùng các đơn vị tư vấn đã trình phương án thiết kế cụm nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý và mời các chuyên gia phản biện từ đầu năm 2017.
Theo phương án, nút giao này được thiết kế với quy mô ba tầng. Tầng trên cùng bố trí cầu vượt thép trên đường 2 Tháng 9 (dài 203 m). Tầng mặt đất làm vòng xoay, tầng dưới cùng bố trí hầm chui trên đường Duy Tân kéo dài hầm qua nút Duy Tân-Núi Thành và nút Duy Tân-Bạch Đằng nối dài (750 m).
Với phương án thiết kế này, TP sẽ không phải giải phóng mặt bằng mà chỉ xén vỉa hè.
Hiện công tác lấy ý kiến phản biện vẫn đang được Sở GTVT và các ban, ngành của Đà Nẵng tiến hành để trình lãnh đạo TP phương án tối ưu nhất trước khi triển khai xây dựng.
Đối với nút giao phía Tây cầu Rồng, hầu hết các ý kiến đều nghiêng về phương án hai hầm đơn dài 120 m, rộng 8 m, hầm dẫn dài 130 m.
Theo đó, dòng xe từ đường Nguyễn Văn Linh và Trưng Nữ Vương sang Bạch Đằng phải đi vòng qua đường 2 Tháng 9 - Bạch Đằng nối dài đến đường Bạch Đằng. Tại nút giao Trưng Nữ Vương - Nguyễn Văn Linh cần có đèn tín hiệu để điều khiển giao thông dòng xe từ đường Trưng Nữ Vương đi Nguyễn Văn Linh ra sân bay Đà Nẵng. Làm được như trên thì nút giao luôn thông suốt và không ùn tắc.
Ngoài ra, việc làm hai hầm đơn cũng đảm bảo cảnh quan khu vực, đặc biệt là Cổ Viện Chàm.
DiaOcOnline.vn - Theo PLO