Thị trường bất động sản chưa hội tụ đủ các điều kiện để có thể xảy ra hiện tượng “nổ bong bóng” tại thời điểm này, nếu có xảy ra thì ít nhất là 10 năm tới, Tiến Sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia, nhận định.
Ông Nghĩa giải thích, một thị trường bất động sản đứng trước một nguy cơ “nổ bong bóng” khi nó hội tụ đủ các yếu tố về thu nhập của người dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ trên nền tảng bất động sản quá sớm, và bất động sản phải là nền tảng của hệ thống tín dụng.
Về yêu cầu thu nhập, thì thu nhập bình quân đầu người phải đạt ít nhất là 3,000 đến 5,000 đô la Mỹ/năm. Tính đến năm 2010, thu nhập bình quân đầu người ở nước ta đã đạt khoảng 1,170 USD/năm.
Tăng trưởng kinh tế phải tăng cao liên tục trong nhiều năm, khiến cả thế giới phải chú ý và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản thì mới trở thành một điều kiện cho khả năng nổ bong bóng bất động sản.
Trong khi đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam dao động trong những năm gần đây, nhưng luôn ở dưới 10%/năm. Năm 2010, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế 6.78%. Năm 2011, quốc hội Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 7-7.5%.
Về lâu dài, ông Nghĩa cho biết, các chuyên gia nhận định giá đất ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, và tăng cao hơn cả Singapore, vượt cả Hồng Kông do làn sóng nhập cư khủng khiếp vào Hà Nội và Tp.HCM.
Nguyên nhân là vì đặc điểm địa lý hình chữa “S” của Việt Nam nên chỉ có 2 khu vực trung tâm là miền Bắc và Miền Nam, các địa phương còn lại có điều kiện địa lý khó khăn, trừ một số vùng ven biển.
Hiện nay, tín dụng cho bất động sản ở Tp.HCM chiếm tới 50% của cả nước, Hà Nội chỉ chiếm 20%. Do vậy, cung của thị trường bất động sản Tp.HCM tăng nhanh, vượt cả cầu nên giá cả đã chững hơn. Còn ở Hà Nội, cung đang nhỏ hơn cầu nên xu hướng tăng giá là tất yếu. Chính vì vậy, giá bất động sản ở Tp.HCM chỉ bằng 50% ở Hà Nội.
Đến năm 2013, cung của thị trường bất động sản ở Hà Nội có thể cao hơn cầu, và khi đó giá có thể giảm, ông Nghĩa nhận định.
Ở Tp.HCM, cũng do cung cao hơn cầu, thị trường văn phòng cho thuê đang gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ văn phòng bỏ trống tiếp tục gia tăng nhưng vẫn thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư.
Cũng theo ông Nghĩa, một lượng lớn đất trong các dự án bất động sản đã và đang bị bỏ hoang, gây nhiều lãng phí do khó khăn ở khâu quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng hoặc do vướng mắc trong thủ tục, nhất là ở khu vực miền Bắc.
“Trong tháng 5.2011, chính phủ sẽ rà soát toàn bộ các dự án bất động sản ở Hà Nội, từ đó có thể cấp sổ đỏ cho một số dự án để tiến hành xây dựng,” ông Nghĩa cho biết thêm.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí