Chưa lo ngại khủng hoảng bất động sản

Cập nhật 06/12/2017 16:04

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng đầu năm 2017, lĩnh vực kinh doanh bất động sản có tổng vốn đầu tư đạt gần 300.000 tỷ đồng, tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 28% trong tổng vốn đầu tư vào các ngành nghề. Trước việc dư luận e ngại một cuộc khủng hoảng mới đối với thị trường BĐS, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường BĐS vẫn được kiểm soát tốt, chưa có dấu hiệu nào về một cuộc khủng hoảng mới.

Năm 2017, cả nước chứng kiến sự hồi phục của thị trường BĐS. Đó là hàng loạt các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, khu nghỉ dưỡng… được cấp phép và khởi công. Nhiều dự án đủ điều kiện mở bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Trong năm 2017, tại Tp Hồ Chí Minh có 18 dự án khởi công: Dự án Marina Bay Thủ Thiêm; Khu phức hợp Vietnam Financial Tower (quận 10); The Nexus quận 1; Nguyễn Cư Trinh Central của Dự án lớn này của tập đoàn Bitexco; Suối Tiên Complex quận 2…

Ba nhân tố thúc đẩy đầu tư

Tại Hà Nội, 48 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư, trong khi năm 2016 chỉ có 23 dự án. Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết hiện đã có 4 dự án đã đi vào hoạt động, 7 dự án đã khởi công và dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ khởi công thêm 4 dự án. Các dự án còn lại đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục thiết kế xây dựng.

Trong tổng số 48 dự án, các dự án BĐS nhà ở chiếm tỷ trọng lớn. Nhiều dự án quy mô lớn như Green City tại huyện Đan Phượng của Tập đoàn Vingroup với tổng vốn đầu tư 18.441 tỷ đồng; dự án khu đô thị của chủ đầu tư Trung Việt tại Phú Lương, quận Hà Đông; dự án Toà tháp Thiên Niên Kỷ tổng số vốn 1.330 tỷ đồng; khu nhà ở Uy Nỗ, huyện Đông Anh tổng vốn đầu tư 1.178 tỷ đồng; dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân tổng vốn đầu tư hơn 970 tỷ đồng…

Tại các tỉnh du lịch phát triển như Khánh Hoà, Kiên Giang, Quảng Ninh, Thanh Hoá… hàng loạt các khu nghỉ dưỡng có giá trị hàng tỷ USD cũng được đầu tư, đã tạo nên sự sôi động trên thị trường BĐS.

Nói về lý do vốn đầu tư BĐS tăng mạnh, Ts. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích, trong quý III/2017, các nhà đầu tư kỳ vọng được hưởng từ sự tăng trưởng kinh tế nên tiếp tục rót vốn vào lĩnh vực này.

Nhân tố tiếp theo là trong hơn một năm qua, từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo… cải cách thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực và kiên quyết đấu tranh với tham nhũng, với sai phạm, điều này trong chừng mực đã phục hồi niềm tin trong chủ thể nền kinh tế và lĩnh vực BĐS là không ngoại lệ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết đến 27/11, tổng vốn đầu tư cho BĐS là hơn 400.000 tỷ đồng. Ngân hàng rất lưu tâm kiểm soát chặt chẽ các khoản vay cho chứng khoán và lĩnh vực BĐS. Như vậy, thị trường BĐS vẫn ở trong trạng thái kiểm soát được.

Thiếu phân khúc trung cấp

“Một trong các nhân tố rất quan trọng để thúc đẩy, khích lệ các doanh nghiệp thành lập mới, đầu tư vào lĩnh vực BĐS là sức hút của các Hiệp định thương mại tự do và chính sách đầu tư có nhiều ưu đãi của Việt Nam”, Ts. Lê Xuân Sang nhấn mạnh.

Lý giải về việc thị trường BĐS chưa thể gây nên một cuộc khủng hoảng mới mặc dù số vốn đầu tư vào lĩnh vực này tương đối cao, Ts. Lê Xuân Sang đánh giá, nếu bình tĩnh nhìn nhận lại chỉ số thông qua sự phát triển của thị trường BĐS, có thể thấy đến tháng 11/2017, số doanh nghiệp xây dựng thành lập mới tăng 9,1% thấp hơn so với ngành khác. Số vốn của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào BĐS hiện chiếm hơn 7,2% với tổng số vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD.

Một chỉ số nữa là CPI giá nhà ở và vật liệu xây dựng cho thấy 11 tháng đầu năm 2017, mức tăng chỉ 4,25%, thấp hơn nhiều so với ngành khác, riêng tháng 11 lại giảm 0,05%.

Về chỉ số tín dụng của BĐS, phát biểu trong phiên họp Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết đến 27/11, tổng vốn đầu tư cho BĐS là hơn 400.000 tỷ đồng.

Phân tích các chỉ số mức độ tăng trưởng tín dụng vào BĐS so với các ngành nghề khác cho thấy mức độ nguồn vốn ồ ạt chảy vào BĐS là không có.

“Thông qua các chỉ số đã phân tích của vốn đầu tư vào thị trường BĐS, mức độ tăng trưởng không phải phát triển nóng trong ngắn hạn”, Ts. Lê Xuân Sang nói.

Thực tế trên thị trường cho thấy BĐS là lĩnh vực có tác động đến nhiều ngành sản xuất khác. Tuy nhiên, hiện tại giá của vật liệu xây dựng, nhà ở không tăng đáng kể, vốn đầu tư tín dụng trong 11 tháng qua tăng chậm.

Đồng thời, ngân hàng rất lưu tâm kiểm soát chặt chẽ các khoản vay cho chứng khoán và lĩnh vực BĐS. Như vậy, thị trường vẫn ở trong trạng thái kiểm soát được.

Nhận định về vốn đổ vào BĐS tăng cao, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Việt Nam, cho rằng thị trường hiện đang dư thừa phân khúc cao cấp và thiếu sản phẩm trung cấp.

Tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội, gần như không có hàng mức giá thấp để bán. Như vậy, nhu cầu thực về nhà ở trung cấp là có nên chưa thể có cuộc khủng hoảng BĐS.

“Thị trường cần gì thì sản xuất đó, nhu cầu về nhà ở giá thấp rất lớn, Đảng và Chính phủ cần định hướng khuyến khích dòng sản phẩm trung cấp thì sẽ không lo ngại khủng hoảng thừa BĐS”, ông Đính nhấn mạnh. 

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh