Trong khi Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) chưa trở thành đặc khu kinh tế thì nạn đầu cơ mua bán, "thổi giá" đất ở những nơi này diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro
Chỉ khoảng hơn 2 tháng trở lại đây, trước thông tin huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh sắp trở thành 1 trong 3 đặc khu kinh tế của cả nước (cùng với Bắc Vân Phong - Khánh Hòa và Phú Quốc - Kiên Giang) giá đất tại địa phương này "nhảy múa" hằng ngày.
Thổi giá
Có mặt tại Vân Đồn vào những ngày này, từ đầu đến cuối huyện, biển hiệu mua bán nhà đất giăng lên khắp nơi, từ gốc cây cho đến bờ tường, vách núi… Người rao bán đất, người dọ mua tấp nập. Dọc từ trung tâm huyện xuống đến gần hết đảo Cái Bầu, đâu đâu cũng bắt gặp hơn chục đoàn khách dừng xe ngắm nghía…
Văn phòng giới thiệu nhà đất mọc lên ngày càng nhiều ở Vân Đồn Ảnh: TRỌNG ĐỨC
|
Trong vai một "đại gia" ở Hải Phòng tìm mua đất, chúng tôi được chị H., một "cò đất", dẫn đi xem 3 mảnh dưới chân núi, mặt hướng ra biển. Theo chị H., toàn bộ diện tích đất này được các đại gia từ nơi khác đến gom lại của người dân thành những mảnh vuông vắn, bán giá 12-15 triệu đồng/m2. Chị H. nói chỉ vài ba năm trước, 1 triệu đồng/m2 không ai ngó tới. "Vị trí đất đắc địa nhất Vân Đồn là khu dân cư trung tâm, đầu đường vào sân bay Vân Đồn. Mỗi mét vuông đất ở đây hiện có giá trên 30 triệu đồng và rất khó để có thể mua được khi cơn sốt vẫn chưa hạ nhiệt" - chị H. nhanh nhảu.
Dẫn chúng tôi đến khu đất tại mặt bằng thuộc dự án Ao Tiên (thôn 6, xã Hạ Long), chị T., công chức một cơ quan hành chính của huyện Vân Đồn, nói cách đây vài tháng, một lô đất 108 m2 tại đây có giá 200 triệu đồng thì nay đã tăng lên 3 tỉ đồng (gấp 15 lần).
Cũng theo chị T., nơi đây đang bị hút vào vòng xoáy của "bão giá" do chính những người đầu cơ tạo ra. Vì lý do này mà nhiều người dân địa phương như chị kiêm thêm nghề môi giới.
Trong khi đó, khoảng hơn 1 tháng gần đây, sau khi có thông tin cả huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) được chuyển lên thành Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, tình trạng mua bán đất rộ lên với giá mỗi ngày mỗi tăng cao.
Một nữ "cò đất" tên H.A dẫn chúng tôi xem khu đất rừng rộng 11,7 ha, nằm sát biển ở thôn Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Chị này nói giá của khu đất khoảng 22 tỉ đồng và khuyên chúng tôi mua để bán lại vì đây là đất dự án du lịch dễ sinh lợi.
Không chỉ đất rừng bị hét giá trên trời mà ngay trong thôn Điệp Sơn cũng thế. Ông Nguyễn Ngọc Mẫn, trưởng thôn, cho biết thôn gồm 3 hòn đảo nhỏ, nằm trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong. Xưa nay chẳng ai nói đến chuyện mua bán đất đai cả nhưng gần đây có nhiều người dân trong thôn bán đất cho người ở TP HCM, Hà Nội với giá rất cao. Bình quân mảnh đất vườn từ 1.000- 2.000 m2 giá bán từ 1-2 tỉ đồng, cao gấp 5-7 lần trước đây.
Liên lạc một "cò đất" khác tên T., "cò" này dẫn chúng tôi ra khu vực Tuần Lễ (xã Vạn Thọ). "Cò" T. liến thoắng khoe trong nay mai, đây sẽ là khu vực du lịch trọng điểm vì 2 mặt giáp biển. "Cò" T. giới thiệu mảnh đất rộng 2.800 m2 ở xã Vạn Thọ, giá 4,5 tỉ đồng. Theo "cò" T., chỉ vài tháng trước, mảnh đất này có giá chừng 2 tỉ đồng, còn trước đó nữa chỉ vài trăm triệu đồng.
Dễ "vỡ trận"
Một cán bộ Đội Quản lý thị trường huyện Vân Đồn cho biết kể từ ngày có thông tin Vân Đồn trở thành đặc khu kinh tế, cũng là lúc hàng trăm "con buôn", "cò mồi" thổi giá đất lên, gây ra nhiều xáo trộn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
"Cơn sốt là do giới buôn bán đất ở các tỉnh khác về, cấu kết với hệ thống "cò mồi" để cùng nhau ôm đất rồi thổi giá ảo để bán kiếm lời. Cứ đà này nguy cơ vỡ trận của thị trường bất động sản Vân Đồn sẽ trong một sớm một chiều" - vị cán bộ này nói.
Theo báo cáo của UBND huyện Vân Đồn, trong 10 tháng qua, trên địa bàn có gần 1.100 trường hợp làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Số lượng hồ sơ giao dịch nhiều nhất tập trung tại thị trấn Cái Rồng và các xã Hạ Long, Đông Xá. Vì đây được xác định sẽ là trung tâm hành chính kinh tế Vân Đồn nên các đối tượng đầu tư, có nhu cầu mua đất để sử dụng với số lượng lớn.
Đánh giá của UBND huyện Vân Đồn cho biết giá đất trên địa bàn huyện tăng cao hơn rất nhiều so với quy định của UBND tỉnh. Cụ thể giá đất các trường hợp đã giao dịch thành công trong tháng 10 vừa qua tăng ít nhất 2 lần. Đơn cử như giá đất ở mặt đường Tỉnh lộ 334 thuộc xã Hạ Long, từ 5 đến 6 triệu tăng lên 12 đến 15 triệu đồng/m2. Còn giá đất tại khu đô thị Thủy sản Thống Nhất, từ 9 triệu tăng lên 16 triệu đồng/m2. Kể cả đất rừng tại vị trí thuận lợi lúc trước chỉ có 150 triệu đồng/ha nhưng nay là 250 triệu đồng. Giá đất nông nghiệp đang giao dịch trung bình từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/m2, cũng tăng gấp 2-3 lần.
Trước diễn biến bất thường, giá đất tăng không có điểm dừng, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản yêu cầu UBND huyện Vân Đồn và cả Công an tỉnh thường xuyên theo dõi nắm bắt thông tin của địa phương về tình hình an ninh trật tự, thu thập xác minh thông tin về việc tổ chức cá nhân nhận chuyển nhượng đất trái quy định trên địa bàn; tạm dừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp, đất rừng, đất canh tác và đất nuôi trồng thủy sản cho đến khi quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung kinh tế Vân Đồn theo định hướng là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Không để trở thành điểm nóng
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng vừa có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, UBND huyện Vạn Ninh chấn chỉnh tình trạng lợi dụng đầu cơ, thu gom đất ở huyện Vạn Ninh. UBND tỉnh Khánh Hòa còn yêu cầu không cho phép thêm các doanh nghiệp thuê đất làm du lịch ở Điệp Sơn, không để Điệp Sơn trở thành điểm nóng về đất đai như báo chí phản ánh.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động