Nếu làm Đại lộ ven sông, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất TP.HCM đối ứng cho DN quỹ đất khoảng 12.400 ha, tương đương 5% tổng diện tích đất của thành phố.
Trong văn bản cho ý kiến về dự án "đổi đất lấy hạ tầng" (BT) đại lộ ven sông Sài Gòn, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cho rằng TP.HCM cần yêu cầu Tập đoàn Tuần Châu bổ sung các nội dung còn thiếu, như chứng minh năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự cho phù hợp quy định.
Một vấn đề đáng chú ý là Bộ KH-ĐT bày tỏ quan ngại về tính khả thi của dự án này.
Muốn đổi 5% diện tích và ứng 10.000 tỷ đồng vốn ngân sách
Theo Bộ KH-ĐT, dự án BT đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn có tổng mức đầu tư khoảng 63.500 tỷ đồng. Đổi lại, Tuần Châu đề xuất TP.HCM đối ứng cho doanh nghiệp (DN) quỹ đất khoảng 12.400 ha, tương đương 5% tổng diện tích đất của thành phố.
Bộ KH-ĐT cũng bày tỏ lo ngại trong việc thu xếp đủ quỹ đất 12.938 ha để thực hiện công trình BT và đất thanh toán cho nhà đầu tư.
Quỹ đất thanh toán cho dự án dự kiến được lấy từ các khu vực ven sông thuộc các quận Bình Thạnh, 12 và các huyện Hóc Môn, Cần Giờ và Củ Chi. Những tính toán của Bộ này chỉ ra rằng quỹ đất thu xếp cho dự án tương đương 5% tổng diện tích đất toàn TP.HCM, hiện khoảng 209.600 ha. Do vậy, cần được xem xét tính khả thi việc bố trí quỹ đất trong bối cảnh nguồn lực đất đai rất hạn chế.
Để làm đại lộ ven sông Sài Gòn, Tập đoàn Tuần Châu muốn đổi 5% diện tích TP.HCM. Ảnh: Lê Quân. |
Ngoài việc muốn đổi quỹ đất lớn, đề xuất dự án gửi đến các cơ quan chức năng liên quan, Tuần Châu còn kiến nghị sử dụng 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư công để thực hiện dự án.
Cụ thể, nguồn vốn này sẽ được sử dụng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chi phí tư vấn, xây lắp và chi phí dự phòng dự án. Ước tính, tổng các chi phí này lên tới 57.568 tỷ đồng, riêng chi phí lãi vay của dự án ước tính 5.932 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ KH-ĐT, vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án dưới dạng vốn hỗ trợ xây dựng công trình chỉ được sử dụng cho các dự án có hoạt động kinh doanh, thu phí từ người sử dụng, khi khoản thu không đủ để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận của nhà đầu tư. Hơn nữa, dự án đó phải do bộ, ngành, địa phương đề xuất.
Vì vậy, Bộ KH-ĐT cho rằng đề xuất sử dụng ngân sách hỗ trợ thực hiện dự án BT xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn là không đúng quy định. Mặt khác, việc sử dụng ngân sách đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, dự án phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công.
Lo ngại về khả năng tài chính của Tuần Châu
Với vốn đầu tư lớn và chi phí giải phóng mặt bằng rất cao, Bộ KH-ĐT cũng bày tỏ quan ngại về phương án tài chính của chủ đầu tư.
Quan điểm của Bộ KH-ĐT cho rằng một dự án có quy mô vốn hàng chục nghìn tỷ đồng cần bảo đảm sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển, dự kiến phương án tổng thể bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, phân tích phương án tài chính dự án… Tuy nhiên, trong hồ sơ đề xuất dự án, Tuần Châu chưa làm rõ những nội dung này theo quy định.
Một điểm lưu ý nữa được Bộ KH-ĐT đưa ra, là dự án có quy mô đầu tư lớn, chiều dài toàn tuyến 63 km, trong đó 9,5 km ở khu vực nội đô quy mô 4 làn xe, 54 km ngoài khu vực nội đô quy mô 6 làn xe, nên cần làm rõ sự phù hợp của dự án với quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông của TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau 2020, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Ngoài ra, dự án xây dựng đại lộ dọc sông Sài Gòn có quy mô lớn, phức tạp, cần đánh giá kỹ tác động kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, tác động môi trường của dự án đối với người dân khu vực dự án.
Trường hợp cần thiết, để tránh ý kiến trái chiều, việc thực hiện dự án cần lấy ý kiến rộng rãi cư dân khu vực dự án chạy qua, lấy ý kiến HĐND TP.HCM để đảm bảo sự đồng thuận trước khi quyết định đầu tư.
Đánh giá về tổng mức đầu tư dự án, Bộ KH-ĐT nhấn mạnh dự án có tổng mức đầu tư rất lớn và gồm nhiều hạng mục phức tạp, như kết hợp giữa đại lộ với cầu vượt, đề nghị TP.HCM lấy ý kiến Bộ Xây dựng về tính chính xác của tổng mức đầu tư đề xuất. Việc xác định quỹ đất đối ứng để thanh toán cho Tuần Châu cần đảm bảo nguyên tắc ngang giá với chi phí xây dựng công trình BT.
Bên cạnh đó, phương án tài chính dự án, theo như hồ sơ đề xuất được nhà đầu tư gửi đến các cơ quan chức năng liên quan, cơ cấu nguồn vốn và phương án huy động vốn là một trong các nội dung quan trọng. Nhà đầu tư cần chứng minh được khả năng thu xếp vốn cho dự án, nguồn vốn dự kiến huy động vào dự án, tiến độ huy động vốn, và cam kết sẵn sàng cho vay của các bên cho vay nhằm bảo đảm tính khả thi dự án.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, đề xuất thực hiện xây dựng dự án đại lộ ven sông Sài Còn là ý tưởng tốt. Đó cũng là cách duy nhất để bảo vệ hành lang không gian bờ sông mà hiện nay đang bị xâm lấn bởi các dự án cao ốc. Tuy nhiên, để dự án khả thi, điều đầu tiên là phải bổ sung dự án vào quy hoạch giao thông của TP.HCM và của cả vùng.
Dự án của Tuần Châu phải phù hợp với quy hoạch chung của TP.HCM.
Dự án này không chỉ có ý nghĩa đường trục phía Tây Bắc thành phố, mà nó còn làm động lực cho nhiều khu vực có đường bộ kết nói với tuyến đường này. Nhưng ông Châu nói rằng vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là phương án tài chính khả thi cho dự án cần phải làm rõ. Bởi với quy định hiện hành, 90% vốn đầu tư dự án được huy động từ bên ngoài.
Được biết, theo quy định hiện nay (Nghị định 15 về đầu tư PPP), để thực hiện dự án trên theo hình thức BT, Tuần Châu phải đáp ứng tối thiểu số vốn chủ sở hữu huy động cho dự án ở mức không thấp hơn 10% tổng mức đầu tư. Có nghĩa doanh nghiệp này phải đáp ứng vốn chủ sở hữu cung ứng cho dự án không dưới 6.350 tỷ đồng.
Siêu dự án sẽ được tập đoàn Tuần Châu xây dựng nếu được giao quỹ đất tại Củ Chi |
Trước đó ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu, khẳng định dự án này đến nay không có bất kỳ vấn đề gì trục trặc. Tập đoàn Tuần Châu sẽ quyết làm dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nghiên cứu khả thi trình các cấp có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương, sẽ có một số chi tiết không phù hợp với quy định hiện hành. Do vậy, doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.
Về nguồn vốn thực hiện, "Chúa đảo" Tuần Châu cũng cho biết hiện LienvietPostBank đã ký cam kết hỗ trợ vốn 10.000 tỷ đồng. Một ngân hàng thương mại trong nước khác cũng đã cam kết tài trợ 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, 4 tập đoàn hàng đầu của Mỹ cũng đã ký những văn bản hợp tác đầu tư trị giá hàng tỷ USD.
Đến nay đơn vị này đã hợp nhất thiết bị thi công và nhân lực của 8 công ty hàng đầu về xây dựng giao thông, để xây dựng các phương án phát triển dự án trong thời gian tới.
Tháng 1 năm nay, Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh, có đề xuất với TP.HCM đầu tư dự án khu đô thị tại Củ Chi với các dự án lớn, như thành phố mới (New City) tại huyện Củ Chi; Đại lộ ven sông Sài Gòn (nối huyện Củ Chi về đến quận 1); dự án Hồ cảnh quan trung tâm thành phố mới tại Củ Chi; dự án Sài Gòn Marina City và hải cảng hải sản Cần Giờ; dự án di chuyển chợ hóa chất Kim Biên quận 5.
Sau khi được chấp thuận về chủ trương, Tập đoàn Tuần Châu xin TP.HCM một quỹ đất có diện tích 15.000 ha (gấp 15 lần Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và Khu đô thị Thủ Thiêm cộng lại) để hình thành một thành phố mới mang tên New City.
Trong một văn bản gửi đến Thường trực Thành ủy và Thường trực UBND TP.HCM hồi đầu tháng 2, Tuần Châu cho biết tổng vốn đầu tư cho các dự án nói trên lên đến 65.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của doanh nghiệp là 50%.
Ngoài ra, đồng hành với chủ đầu tư sẽ có các tập đoàn, công ty, tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
Cơ sở để thực hiện các phương thức trên là căn cứ theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư dưới hình thức đối tác công tư. Cụ thể, giá trị đầu tư dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn sẽ được TP.HCM hoàn trả đất theo giá trị tương ứng tại 2 dự án Sài Gòn Marina City tại Cần Giờ và Sài Gòn New City tại Củ Chi và một số mặt bằng khác trong thành phố.
DiaOcOnline.vn - Theo Zing