Chưa có đột phá nhà giá thấp

Cập nhật 21/03/2009 08:45

Người nghèo đô thị, công chức, sinh viên mới ra trường..., có lẽ tới hàng triệu người đã và còn tiếp tục “mơ” được sở hữu một nơi ở phù hợp.

“Vô gia cư” diện rộng

Một kết quả điều tra mới đây về thu nhập của cán bộ, công chức tại các cơ quan nhà nước cho thấy khả năng tích lũy để chi cho nhà ở tối đa chỉ đạt khoảng 11,5% tổng thu nhập. Trong số đó, có khoảng 600.000 người (chủ yếu ở các đô thị lớn) chưa có chỗ ở ổn định (ở ghép hộ, ở nhờ, ở tạm). Tại các khu công nghiệp, chỉ có khoảng 20% trong tổng số công nhân có chỗ ở ổn định (nghĩa là còn 80% công nhân cùng gia đình họ ở trong điều kiện không ra gì). Trên 1,2 triệu sinh viên, nhưng các khu ký túc xá chỉ mới đáp ứng chỗ trọ cho hơn 10%. Chưa kể còn hàng trăm ngàn người dân ở các đô thị lớn hiện vẫn phải sống trong những căn hộ cũ kỹ, thiếu tiện nghi.

Kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, trên 30% gia đình đô thị có diện tích nhà ở dưới 36 m2, chỉ có 25% hộ có nhà ở kiên cố và 19% sống trong những căn nhà tạm bợ. Tức là ước tính của Bộ Xây dựng có từ 15-20% gia đình sinh sống ở các đô thị đang gặp khó khăn về nhà ở có thể chưa phản ánh đúng “sự khủng hoảng thiếu nhà ở”.

Rõ ràng với mức thu nhập và khả năng tích lũy, đại bộ phận người lao động đều rất khó có điều kiện tạo lập chỗ ở, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc cộng đồng. Do vậy, chính sách nhà ở xã hội vừa mới manh nha (“Chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp dành cho đối tượng gặp khó khăn về chỗ ở” - Số 06/BC-BXD trình Chính phủ ngày 5-2-2009) đã đón nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Nhưng chương trình này sẽ triển khai, thực thi cụ thể thế nào còn cần thời gian để kiểm nghiệm.

45m2 vẫn xa xỉ

Dù căn hộ 45m2 có giá dưới 400 triệu đồng, nhưng người nghèo đô thị vẫn rất khó với tới trong tình hình phải trả lãi vay vốn mua nhà như hiện nay. Thêm nữa, đất đô thị khan hiếm, để có quỹ đất “sạch” (như dự kiến của Bộ Xây dựng) thì địa điểm xây dựng chỉ có thể là các vùng ngoại thành xa xôi, chưa kết nối được hạ tầng kỹ thuật, xã hội... Vậy thì liệu người dân có đến ở trong những điều kiện hạ tầng còn thiếu thốn như vậy? Hoặc liệu có doanh nghiệp nào dám đối mặt với các rủi ro khi kinh doanh nhà ở trong khu vực ấy?

Luật Nhà ở có đề cập đến nhà ở xã hội cho thuê và thuê mua, trong đó Nhà nước chủ động đầu tư phát triển quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê và thuê mua. Tuy nhiên, nếu đối tượng nhắm đến (của chương trình nêu trên) lại chỉ bao gồm cán bộ, công chức, quân nhân và công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp thì còn rất đông lao động thu nhập thấp thuộc các thành phần kinh tế khác (như công nhân ngoài khu công nghiệp) sẽ vẫn không được thụ hưởng gì từ chính sách này.

Khởi động nhà giá thấp

TP Hà Nội có ba dự án xây dựng thí điểm nhà ở xã hội với tổng mức đầu tư khoảng 700 tỉ đồng (bằng nguồn vốn ngân sách). Hiện nay đã hoàn thành được 1/3 tổng số diện tích sàn nhà ở cho công nhân thuê, giải quyết được chỗ ở cho khoảng 3.000 người. Tỉnh Bình Dương và TPHCM cũng đang chuẩn bị quỹ đất và danh mục các dự án nhà ở xã hội để triển khai thực hiện.
 

 

Ba đề xuất hỗ trợ

- Một là, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp về tài chính thông qua việc cấp vốn, cho vay ưu đãi hoặc bão lãnh về vốn đối với người mua hoặc thuê nhà ở.

- Hai là, Nhà nước hỗ trợ gián tiếp thông qua việc ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở đi đôi với việc khống chế các tiêu chuẩn về căn hộ, về giá cho thuê, giá bán.

- Ba là, Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho các đối tượng chính sách xã hội theo hình thức bán trả dần hoặc cho thuê, thuê mua.

(Nguồn: Báo cáo tổng hợp số 06/BC-BXD về cơ chế, chính sách và chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp dành cho các đối tượng gặp khó khăn về chỗ ở)
 

 

Người Đô Thị