Chủ trương bán biệt thự ở Hà Nội vẫn án binh bất động

Cập nhật 14/04/2009 15:35

Tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội cuối năm 2008, chủ trương bán tiếp 600 biệt thự đã bán dang dở cho người đang thuê đã được quyết định, song theo ông ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, từ đó đến nay, chưa có hồ sơ mua biệt thự nào được giải quyết, bởi thành phố “còn phải đợi Thủ tướng Chính phủ duyệt danh sách”.

Phai nhạt “hồn thu thảo”

Khoảng cuối những năm 1980 đầu 1990, Hà Nội có khoảng hơn 2.000 ngôi biệt thự mang phong cách kiến trúc Pháp, đến cuối năm 2008, chỉ còn chưa đến 1.000 căn. Những ngôi biệt thự này hiện nay được chia làm 3 loại. Một là được sử dụng làm trụ sở các cơ quan, đại sứ quán các nước. Hai là làm tư gia cho các vị lãnh đạo cao cấp. Đối với hai loại này thì kiến trúc Pháp cổ được bảo tồn khá nguyên vẹn về mặt kiến trúc, dù không phải không có ngoại lệ.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, rà soát bước đầu cho thấy tại Hà Nội, trong 802 địa điểm nhà đất do Trung ương quản lý có 172 địa điểm bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích với tổng diện tích 728.000m2. Trong số này có cả những biệt thự có giá trị đang bị bỏ hoang.

Đơn cử như biệt thự số 46 Hàng Bài (49 Trần Hưng Đạo), với vị trí cực đẹp ở ngã tư Trần Hưng Đạo – Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm. Vậy mà, sau hơn một thập kỷ các cơ quan nhà nước của TP không thống nhất nổi phương án cải tạo, phân chia sử dụng, cuối cùng biệt thự này được giao cho một công ty xây dựng nhà ở của TP thực hiện GPMB để cải tạo. Thêm 5 năm nữa trôi qua, đến nay nó vẫn nằm phơi nắng, phơi mưa và được tận dụng làm chỗ... trông xe của một số hộ dân.

Tuy thế, đáng nói hơn cả vẫn là loại thứ 3 - những “biệt thự” đã bị biến thành... nhà tập thể thấp tầng, thấp cấp. Số biệt thự có từ 1-2 hộ sinh sống hiện chỉ chiếm tỷ lệ 5%, số biệt thự có từ 5-10 hộ sống chiếm 50%, có từ 10-15 hộ chiếm khoảng 40%. Một vài biệt thự (như số 8 Tăng Bạt Hổ, 128C Đại La) có tới 35-50 hộ dân đang “chen vai thích cánh”. Trò chuyện với phóng viên, một cụ cán bộ hưu trí ở số 8 Tăng Bạt Hổ tự trào: “Đi thì cũng dở, ở cực thay”!

Hệ quả dĩ nhiên của tình trạng quá tải dân số là cơi nới, trổ cửa, thêm phòng, phá vỡ kết cấu và kiến trúc của tòa nhà. Diện tích sử dụng chung trở thành tâm điểm tranh chấp quyết liệt. Theo điều tra của Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, chỉ khoảng 1/10 số biệt thự giữ được dáng dấp xưa. Nhiều tòa biệt thự tường nhà tróc lở, sàn mái mục nát, trần dột, cửa long ốc... cầu thang ọp ẹp, lối đi sâu hun hút, phải thắp điện suốt ngày đêm. Đó là chưa kể tình trạng khốn khổ vì thiếu... công trình phụ!

Bán hay giữ đều... có lý?!

Sau một vài vụ mua bán biệt thự khá ồn ào, tốn nhiều giấy mực, liên quan cả đến các cựu cán bộ cao cấp của TP, phương án bán hàng trăm biệt thự tại Hà Nội được HĐND nâng lên đặt xuống vài lần. Rút cục, nó cũng đã được thông qua, dù vẫn còn nhiều tranh luận.

Một loại ý kiến cho rằng, hơn 600 biệt thự ấy phải được nhìn nhận như “di sản”, đem bán cho tư nhân, tuy thành phố thu được vài ngàn tỷ đồng song chủ mới rất có thể sẽ đập đi, san phẳng và xây mới thành các cao ốc.

Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng, không phải tất cả các biệt thự đều có giá trị về lịch sử, kiến trúc– như đã nói, chỉ 1/10 còn giữ được tương đối nguyên vẹn kết cấu, kiến trúc. Mặt khác, không cho bán tiếp cũng không ổn bởi trên thực tế, hơn 600 biệt thự đó đang được bán dang dở và đang ở trong cảnh “xôi đỗ” về sở hữu, Nhà nước có muốn quản lý cũng khó. Vấn đề là cần có một số hạn chế nhất định đối với người mua biệt thự về cải tạo, xây dựng lại... để đảm bảo sau khi chuyển sở hữu, không gian biệt thự cổ vẫn phải được bảo tồn.

HĐND TP đã quyết theo hướng thứ hai khi đề xuất với Thủ tướng cho bán tiếp. Tuy nhiên, có lẽ vẫn còn những e dè nào đó nên các doanh nghiệp đang thuê biệt thự bị “gạt” ra khỏi danh sách đối tượng được mua, đành tiếp tục thuê, dù họ không thiếu cả tiền mua lẫn tiền cải tạo.

Biệt thự Pháp cổ - nét văn hóa kiến trúc đặc thù của thủ đô - là một di sản cần gìn giữ, bảo tồn, điều đó không có gì phải tranh luận. Thế nhưng, nếu vấn đề không được giải quyết sớm thì “của tin còn một chút này” liệu có trụ nổi với thời gian, với tốc độ xuống cấp chóng mặt?.

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP 12 Giờ