Chủ nhà chung cư vẫn như người ở trọ

Cập nhật 29/04/2011 08:05

“Mua căn hộ chung cư quá lâu chưa được cấp giấy chủ quyền; sống trong chung cư như ở trọ vì bị lệ thuộc chỗ giữ xe, phí dịch vụ…” là những vấn đề được bạn đọc quan tâm trong buổi giao lưu trực tuyến về chủ đề Nhà chung cư do Sở Xây dựng TP cùng Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 28-4.

Dân bị ách giấy chủ quyền

“Chủ đầu tư chây ỳ không chịu khắc phục các sai phạm hạ tầng kỹ thuật khiến cư dân không được cấp chủ quyền, phải làm sao?” - bạn đọc Trần Văn Ba hỏi. Nhiều bạn đọc cũng phản ánh mua căn hộ tại các chung cư Phú Lợi, Gia Phú, Conic… quá lâu nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận. Theo Sở Xây dựng, việc mua bán là quan hệ dân sự, khi một bên vi phạm thỏa thuận thì bên kia có quyền khởi kiện ra tòa. “Năm 2010, Sở đã tổ chức đợt kiểm tra và báo cáo UBND TP. Lãnh đạo TP cũng yêu cầu Sở hướng dẫn, đôn đốc, xử lý những chủ đầu tư vi phạm. Sở ghi nhận những phản ánh trên và sẽ yêu cầu các chủ đầu tư liên quan báo cáo” - ông Bùi Văn Hiếu, Trưởng phòng Quản lý Nhà và Công sở, Sở Xây dựng, cho biết.


Nhiều người dân đã mua và ở các chung cư đã lâu nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận. Ảnh: HTD

Cạnh đó, các cư dân chung cư còn than phiền về chỗ để xe, chi phí quản lý nhà chung cư làm họ không thoải mái. “Giấy chứng nhận căn hộ chung cư HAGL 1 của tôi có ghi chỗ để xe là 12,65 m2. Tôi có quyền gì với diện tích này? Nhiều khi đi làm về trễ, tôi chẳng có chỗ để xe do xe bên ngoài gửi chiếm hết chỗ” - bạn đọc Nguyễn Nam phàn nàn. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng cho biết diện tích thuộc sở hữu chung trong nhà chung cư thuộc quyền sử dụng chung cho các chủ sở hữu. “Trường hợp quyền sử dụng chung bị xâm hại, người dân có quyền yêu cầu bên xâm hại chấm dứt hành vi này hoặc khởi kiện tại tòa án” - ông Hùng nói thêm.

Chưa có quy định “sở hữu có thời hạn”


“Nếu chỉ cho sở hữu nhà chung cư có thời hạn, nhiều người sẽ không bao giờ mua chung cư nữa” - bạn đọc Nguyễn Tiến Thuận bày tỏ. Nhiều bạn đọc cũng cho rằng quy định này đã “tước đoạt” quyền sở hữu của người nghèo do họ chỉ có khả năng mua nhà chung cư, còn người giàu mua nhà phố lại được sở hữu vĩnh viễn. Tuy nhiên, đại diện Sở Xây dựng khẳng định: Tính đến thời điểm này, không có văn bản nào quy định công dân Việt Nam chỉ được sở hữu chung cư có thời hạn.

Trong Hội thảo về Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Bộ Xây dựng tổ chức tại TP.HCM vào ngày 4-3, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cũng giải thích rõ: Quy định sở hữu chung cư có thời hạn nhằm làm đa dạng hóa loại hình nhà chung cư. Trong trường hợp quy định này được ban hành thì cũng không hồi tố đối với những trường hợp đã mua chung cư trước đó.

Bạn đọc Loc Nguyen băn khoăn: “Trong trường hợp khách quan như động đất, cháy nổ hoặc vì lý do chủ quan như chung cư cũ bị xuống cấp phải phá dỡ khiến căn hộ của tôi không còn nữa, tôi còn quyền sở hữu không?”. Chuyên viên Bùi Tường Hưng của Sở Xây dựng trả lời: Khoản 3 Điều 225 Bộ luật Dân sự quy định rõ trường hợp nhà chung cư bị tiêu hủy thì chủ sở hữu các căn hộ có quyền sử dụng với diện tích mặt đất theo quy định. Và theo Điều 252, quyền sở hữu đối với tài sản đó bị chấm dứt do tài sản đã bị tiêu hủy.

Dự kiến trong tháng 5, Sở Xây dựng sẽ tổ chức chuyên đề “gỡ rối” tình hình cấp giấy chứng nhận của nhà chung cư. Sở sẽ mời các quận, huyện cùng các chủ đầu tư tham gia để tìm hiểu còn những rắc rối, khó khăn nào trong thực tế.

Ông Đỗ Phi Hùng, PGĐ Sở Xây dựng, cho hay sau buổi giao lưu trực tuyến
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP