Chủ ép tăng tiền nhà, khách bực bỏ đi: Đôi bên cắn răng chịu thiệt trăm triệu

Cập nhật 11/11/2021 11:22

Lấy lý do phòng khám vẫn có khách nên chủ nhà đã từ chối giảm giá thuê mặt bằng. Cực chẳng đã, nhiều đơn vị đã rời bỏ. Lấy lý do phòng khám vẫn có khách nên chủ nhà đã từ chối giảm giá thuê mặt bằng. Cực chẳng đã, nhiều đơn vị đã rời bỏ.

Nhiều mặt bằng cho thuê vị trí đắc địa bỏ không (Ảnh:D.A)

Đã chuyển sang địa điểm mới nhưng mấy ngày nay, bà Lan, nhân viên tại một phòng khám đa khoa ở Linh Đàm, vẫn có mặt tại địa chỉ cũ để chờ đón và hướng dẫn khách sang chỗ mới. Kinh doanh phòng khám tại đây gần 5 năm, cơ sở y tế này được nhiều người dân biết tới.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19, phòng khám cũng gặp khó khăn. Theo đại diện của cơ sở này, khi Hà Nội giãn cách xã hội, lượng khách tới khám cũng giảm mạnh. Các cơ sở y tế cũng phải nghiêm ngặt phòng chống dịch nên để đảm bảo an toàn, phòng khám đã dừng hoạt động. Nguồn thu không có, nhưng chủ phòng khám vẫn phải trả tiền thuê nhà, điện nước, lương bảo vệ.

Cuối tháng 10, hợp đồng thuê nhà hết hạn, phòng khám đề nghị chủ nhà giảm 30% giá thuê nhưng bị từ chối vì lý do vẫn đông khách, không bị ảnh hưởng của dịch. Sau khi đàm phán không thành công, đơn vị này đã thu dọn trang thiết bị và nội thất, hoàn trả mặt bằng để chuyển sang địa điểm kinh doanh mới gần đó.

“Mở phòng khám tại chung cư, chúng tôi gặp nhiều khó khăn do thiếu chỗ để xe và khi có dịch cũng bị ban quản lý yêu cầu ra vào rất chặt. Chủ nhà lại không giảm giá thuê mặt bằng nên chúng tôi quyết định chuyển sang địa điểm mới. Biệt thự 5 tầng ở mặt đường đang có giá thuê rất rẻ, chúng tôi cũng tiện hoạt động hơn", đại diện phòng khám cho hay.

Nếu giá thuê mặt bằng tại khối đế chung cư khoảng 50 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm phí dịch vụ, thì giá thuê tại biệt thự chỉ 45 triệu đồng/tháng, vị này chia sẻ.

Tương tự, chị Hồng Minh, chủ một phòng khám nha khoa ở Hà Đông, cũng bức xúc vì không được giảm giá thuê mặt bằng. Chị Minh cho hay, ảnh hưởng của dịch, phòng khám đóng cửa khi Hà Nội giãn cách xã hội. Lượng khách tới khám răng cũng giảm mạnh nên nguồn thu của phòng khám bị ảnh hưởng rất nhiều.

Chị Minh đề xuất chủ nhà chuyện giảm giá thuê thì bị từ chối. “Họ nói rằng kinh doanh phòng khám hái ra tiền dù dịch bệnh nên họ không giảm giá. Nếu không muốn kinh doanh nữa thì có thể chuyển đi nơi khác”, chị Minh bức xúc.

Chị đang thuê mặt bằng tầng 1-2, diện tích khoảng 100m2 với giá 35 triệu đồng/tháng, chưa kể chi phí khác. Theo chị, trong khi các ngành nghề kinh doanh đều được chủ nhà chỗ trợ giảm giá mặt bằng, ngoại trừ phòng khám, là điều không công bằng.

“Mình đầu tư trang thiết bị, nội thất lên tới cả tỷ đồng, hoạt động chưa được bao lâu giờ chuyển đi cũng tốn kém. Nhưng với cách cư xử của chủ nhà, mình đang tính tìm một địa điểm kinh doanh mới có mức giá thuê hợp lý hơn”, chị cho hay.

Sốc vì tăng giá thuê

Đang thuê một căn liền kề với giá 35 triệu tại khu vực Mỹ Đình để kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, chị Nguyễn Thị Hải rất sốc khi chủ nhà thông báo tăng giá thuê từ 1/2022, sau khi hết hạn hợp đồng. Chị Hải cho hay, hiệu thuốc là lĩnh vực kinh doanh thiết yếu, được phép hoạt động khi có dịch. Nhưng, việc kinh doanh cũng bị ảnh hưởng khi số người mua giảm.

Chị Hải đang tính sẽ thương lượng với chủ nhà về mức giá thuê mới. Tuy nhiên, chưa kịp đàm phán, chủ nhà bất ngờ thông báo sẽ tăng giá lên 40 triệu đồng/tháng. Nếu không, họ sẽ lấy lại mặt bằng.

Các cửa hàng mặt phố đều được chủ nhà hỗ trợ giảm giá thuê, còn mình phải chấp nhận trả cao hơn dù kinh doanh cũng không thuận lợi”, chị bức xúc.
Không giảm giá mà một số chủ nhà còn tăng giá thuê (Ảnh minh hoạ: D.A)

Sau khi Hà Nội cho mở bán hàng ăn trở lại, chị Nguyễn Thị Thuý, chủ quán ăn ở quận Hai Bà Trưng, đang chuẩn bị mở lại thì nhận được thông báo từ phía chủ nhà về việc tăng giá. Khi nghỉ dịch, chủ nhà giảm giá thuê 50%, nhưng khi được mở bán trở họ lại tăng giá, thu đủ 100% như hợp đồng.

Chị Thuý cho hay, tình hình kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do quán chưa thể đông khách, lượng bán mang về không nhiều. Doanh thu của quán giảm sút nghiêm trọng so với thời điểm trước dịch. "Nếu chủ nhà không hỗ trợ giá thuê thì mình sẽ chuyển địa điểm", chị nói.

Quay trở lại câu chuyện mặt bằng ở phòng khám Linh Đàm, khi đơn vị thuê rời đi, toàn bộ mặt bằng trống lên tới hàng trăm mét vuông đang để không, cửa khóa then cài, treo biển cho thuê. Với vị trí không thuận tiện, góc khuất một khu chung cư, chưa kể đi lại khó khăn nên việc tìm kiếm khách thuê mới không hề dễ dàng. Trong khi đó, các mặt bằng cho thuê xung quanh lại mời chào với mức giá tốt hơn. Như vậy, chủ nhà này đã mất đi một khoản tiền không nhỏ mỗi tháng sau khi từ chối giảm giá thuê.

Tình cảnh cho thuê không được, để trống trong thời gian dài đang khiến nhiều chủ nhà hối tiếc.

Chủ căn nhà trên phố Cầu Giấy cho biết, căn nhà 4 tầng có tổng diện tích sử dụng 160m2, treo biển cho thuê từ đầu năm đến nay, cũng chưa tìm được khách. Giá cho thuê trước đây là 50 triệu đồng/tháng nay chấp nhận giảm xuống 30 triệu đồng/tháng, thu tiền theo tháng đến khi dịch bệnh ổn hẳn nhưng cũng chưa có khách.

Ông Nguyễn Thế Vinh, môi giới cho thuê bất động sản, cho rằng, cho thuê nhà mặt phố đang cực kỳ khó khăn. Những khó khăn này vẫn còn kéo dài, trên diện rộng và chưa thể đánh giá được thiệt hại. Với những chủ nhà không khéo thương lượng giữ chân khách cũ thì khó có thể tìm được người mới thuê. Nhiều vị trí nhà mặt phố đã bỏ trống hơn 2 năm nay, thậm chí giảm giá 50% trước dịch, vẫn không có ai hỏi.

Tuy nhiên, trong cái rủi có cái may, ông Vinh cho rằng, nhiều ngành nghề như nhà thuốc, cửa hàng tiện lợi, quán cà phê tranh thủ thời điểm này đi tìm mặt bằng mới có mức giá tốt. Nhiều chủ nhà có thể gặp may nếu vị trí đẹp, rơi vào mắt những đại gia này.

Mới đây, trong khi Thế Giới Di Động quyết thanh lý hợp đồng trước hạn đối với một mặt bằng căn góc ở thị xã An Nhơn, Bình Định sau khi không đàm phán được việc miễn giảm tiền thuê thì ngay lập tức, một "ông lớn" bán lẻ khác nhảy vào. Mức giá trả cho bên cho thuê cao hơn 20% so với giá trước đó cho Thế Giới Di Động thuê.

DiaOcOnline.vn – Theo Vietnamnet