Chủ dự án 'non tay', người mua chung cư lãnh đủ

Cập nhật 19/12/2019 13:15

Các chủ đầu tư “non tay” nhưng được quy định cho phép nhiều quyền tự quyết khiến các dự án chung cư vướng mắc kéo dài, gây thiệt hại cho người mua nhà.

Người dân đã sống 8 năm trong chung cư Trương Đình Hội (P.16, Q.8) nhưng vẫn chưa được cấp sổ hồng - Ảnh: NGỌC HÀ

Gần đây, không ít người dân tại chung cư Đại Thành (đường Trịnh Đình Trọng, P.Phú Trung, Q.Tân Phú, TP.HCM) phản ảnh việc dự án còn dang dở nhưng đã phải dọn về ở. Điều này khiến nhiều người lo lắng cho sự an toàn tính mạng và tài sản của mình.

Dự án dang dở 13 năm

Hiện trạng của chung cư Đại Thành (do Công ty TNHH TM DV SX Đại Thành làm chủ đầu tư - Công ty Đại Thành) nhìn giống một công trường xây dựng hơn là một chung cư đã có dân cư trú.

Nhìn bên ngoài, toàn bộ tường tầng trệt và tầng lửng của chung cư còn nguyên màu xám xịt của vữa trát tường, nhiều ô cửa sổ chưa lắp kính. Trong khuôn viên chung cư, nhà bảo vệ lợp tôn tạm bợ, các bảo vệ ngồi làm việc ở một cái bàn giữa sân.

Phía trong sảnh chung cư, những mảng tường, cột sơn loang lổ, trần nhà chưa hoàn thiện, còn nhìn thấy cả những đường ống kỹ thuật ngang dọc khắp nơi, giàn giáo, vật liệu xây dựng còn ngổn ngang...

Bà Trần Ngọc Thanh Thảo, cư dân ở tầng 8 chung cư Đại Thành, cho biết tuy chung cư có các thiết bị phòng cháy chữa cháy nhưng ở trong tình trạng không hoạt động: chuông báo cháy không reo, đầu báo cháy không cảm ứng. Trước tình trạng đó, nhiều gia đình phải mua bình chữa cháy để tự đề phòng.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, dự án chung cư Đại Thành được phê duyệt dự án và triển khai đầu tư từ năm 2006 theo thủ tục tại nghị định 71 hướng dẫn Luật nhà ở 2005. Theo chủ đầu tư, ban đầu chung cư chỉ được phê duyệt 15 tầng. Đến năm 2009, chủ đầu tư nộp đơn xin điều chỉnh tăng thành 18 tầng và đến năm 2012 mới được cơ quan chức năng chấp thuận.

"Trong khi chờ được điều chỉnh dự án thì chung cư ngưng thi công, khách hàng không đóng tiếp tiền mua căn hộ khiến công ty lâm vào cảnh khó khăn về tài chính và vướng nợ ngân hàng. Sau khi dự án được điều chỉnh thì công ty không còn tiền để xây dựng nên kéo dài đến hôm nay" - ông Ngô Triều Vân, giám đốc Công ty Đại Thành, giải thích.

Tháng 4-2019, trước đòi hỏi giao nhà của khách hàng, chủ đầu tư hứa sẽ hoàn thành các hạng mục công trình cơ bản, đấu nối điện, nghiệm thu công trình để giao nhà cho người dân trong tháng 7.

Đến hạn, tuy chủ đầu tư chưa hoàn thành các hạng mục nhưng quá sốt ruột nên các khách hàng đã mua căn hộ vẫn nhận nhà và đến sinh sống ở chung cư.

UBND TP cũng đã xử phạt chủ đầu tư 200 triệu đồng vì đưa người dân vào ở khi công trình chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Mới đây, UBND Q.Tân Phú cũng yêu cầu chủ đầu tư phải di dời người dân ra khỏi chung cư, sắp xếp chỗ ở khác để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của cư dân.

Theo UBND Q.Tân Phú, chủ đầu tư phải làm thủ tục nghiệm thu đưa chung cư vào sử dụng mới được bàn giao nhà cho người dân. Với tình trạng hiện giờ của chung cư, nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra nên không bảo đảm cho dân cư trú.

Hiện tại, do chủ đầu tư xây dựng sai một số hạng mục so với thiết kế nên Sở Xây dựng đã có hướng dẫn yêu cầu chủ đầu tư phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp.

Sau khi điều chỉnh thiết kế xong, chủ đầu tư sẽ gửi hồ sơ đến Bộ Xây dựng để nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng. Phía chủ đầu tư cho biết đã nhận được hướng dẫn của Sở Xây dựng, tuy nhiên công ty... không còn tiền để thực hiện theo hướng dẫn trên (!?).

Tương tự, dự án chung cư Trương Đình Hội (P.16, Q.8) đã giao nhà cho dân được 8 năm nhưng vẫn chưa ra được sổ hồng căn hộ. Thời gian gần đây, người dân chung cư bức xúc căng băngrôn đòi giấy chủ quyền thì chủ đầu tư cũng không ra mặt.

Ông Đỗ Ngọc Thanh, trưởng ban quản trị chung cư, cho biết qua tìm hiểu, chủ đầu tư chung cư chưa làm thủ tục nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng. Chính vì vậy, thực tế người dân đã vào ở chung cư 8 năm rồi nhưng vì chưa được nghiệm thu nên chủ đầu tư chưa làm biên bản bàn giao nhà.

Tương tự, cơ quan chức năng cũng chưa thể cấp giấy chủ quyền căn hộ cho người dân ở chung cư Khang Gia Tân Hương (Q.Tân Phú) vì còn nhiều vướng mắc.

Tháo vướng mắc, cấp chủ quyền cho dân

Điểm chung của các chung cư đang có vướng mắc về pháp lý trên là những chung cư khởi công xây dựng và làm thủ tục dự án trước năm 2010. Thời điểm này, các dự án làm thủ tục đầu tư theo nghị định 90 năm 2005 hướng dẫn Luật nhà ở, cơ quan chức năng chỉ quản lý về mặt quy hoạch như phê duyệt quy hoạch 1/500, phê duyệt dự án.

Còn những nội dung khác do chủ đầu tư tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm. Khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng thì chủ đầu tư tự nghiệm thu công trình, các cơ quan nhà nước chỉ quản lý về mặt quy hoạch và kiểm tra dự án theo quy định.

Với các quy định sau năm 2010 đến nay, các công trình phải được cấp giấy phép xây dựng sau khi qua các bước thẩm định của Sở Xây dựng nên hạn chế được những lỏng lẻo về mặt pháp lý.

Một chuyên gia về dự án phát triển nhà ở cho rằng nghị định 90 đã giao quá nhiều quyền chủ động cho các chủ đầu tư khi thực hiện các dự án nhà ở. Thậm chí quy định trong giai đoạn này còn không buộc chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất trước khi xây nhà...

Theo Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT), thời gian qua sở đã làm việc với nhiều chủ đầu tư để tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy chủ quyền căn hộ cho các dự án. Với những chung cư xây dựng không đúng quy hoạch thì giải quyết cấp giấy chủ quyền cho những căn hộ thuộc diện tích xây dựng đúng quy hoạch. Những dự án chưa nghiệm thu hoàn thành công trình thì Sở TN-MT mời các đơn vị cùng bàn bạc để hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung các hạng mục, thủ tục để nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, bàn giao nhà để cấp giấy chủ quyền cho dân.

Riêng với những dự án mà chủ đầu tư chưa đóng tiền sử dụng đất, Sở TN-MT sẽ nhanh chóng trình Hội đồng thẩm định giá đất TP để nhanh có đơn giá đất cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính. Có dự án chủ đầu tư chưa đóng tiền sử dụng đất cho phần khuôn viên xung quanh dự án, Sở TN-MT cũng đề xuất cấp giấy chủ quyền căn hộ cho dân, không chờ giải quyết xong nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư.

"Tuy nhiên, đối với những dự án mà chủ đầu tư đang thế chấp ngân hàng thì các bên phải thỏa thuận với nhau về phương án bảo đảm nợ vay và phương án trả nợ. Mục tiêu là giải chấp phần căn hộ đã bán cho người dân để cơ quan nhà nước cấp giấy chủ quyền cho dân" - vị đại diện Sở TN-MT nói thêm.

“Việc Nhà nước giao cho chủ đầu tư nhiều quyền tự chủ đòi hỏi doanh nghiệp phải có kinh nghiệm và năng lực tốt để thực hiện dự án. Tuy nhiên, giai đoạn này có nhiều công ty bất động sản non tay nghề, chưa có kinh nghiệm cộng với năng lực tài chính không mạnh.

Đây là nguyên nhân có nhiều dự án rơi vào vướng mắc kéo dài đến nay chưa thể làm xong các thủ tục” - một chuyên gia về nhà ở nhận định.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ