Chủ dự án khu Ngoại giao đoàn “gian dối” với cư dân?

Cập nhật 17/10/2017 09:49

Những lùm xùm khiếu kiện tại dự án khu Ngoại giao đoàn dường như vẫn chưa có hồi kết khi chủ đầu tư và cư dân ở đây vẫn chưa tìm được tiếng nói chung sau một cuộc đối thoại khá căng thẳng diễn ra cuối tuần qua.

Một góc dự án khu Ngoại giao đoàn - Ảnh: Bảo Anh.

Điều đáng nói ở đây, những phản ứng của hàng trăm cư dân tại dự án không phải là không có cơ sở khi việc điều chỉnh quy hoạch dự án được chủ đầu tư tiến hành “đúng quy trình” nhưng lại sai thực tế.

Điều chỉnh tăng gấp 3-4 lần số tầng

Tại buổi đối thoại giữa các hộ dân với đại diện chủ đầu tư diễn ra hôm 14/10 vừa qua, khá đông người dân và báo giới đã không thể vào trong tham dự do chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) bố trí địa điểm tại phòng họp chỉ đủ cho khoảng dăm chục người ngay tại ban quản lý dự án.

Buổi đối thoại cũng có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội và đại diện một số nhà đầu tư thứ cấp tại dự án.

Tại cuộc đối thoại, Phó tổng giám đốc Hancorp Nguyễn Đỗ Quý - đại diện cho chủ đầu tư cho hay, vừa qua công ty nhận được nhiều ý kiến của cư dân khu Ngoại giao đoàn về một số vấn đề giao thông, an ninh trật tự, chiếu sáng trong khu đô thị, đặc biệt là những phản đối xung quanh việc thành phố Hà Nội có quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 một số ô đất tại dự án.

Theo đó, trên cơ sở đề xuất của Hancorp, ngày 22/5/ 2017 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 khu Ngoại giao đoàn tại các ô đất có ký hiệu CC2, CC3-4, CC5 và ĐMKT1.

Cả 4 khu đất trên đều được điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng gấp đôi mật độ xây dựng, tăng số tầng nhà chung cư, trong đó có tòa nhà tăng từ 7 tầng lên 27 tầng, có tòa từ 5 tầng lên 15 tầng, có khu đất vốn là đất đấu nối kỹ thuật nay được xây bệnh viện ung bướu…

Theo đại diện các hộ dân, việc điều chỉnh quy hoạch nêu trên chắc chắn dẫn đến sự quá tải về dân số, từ đó tạo áp lực lên hạ tầng giao thông đô thị, hạ tầng xã hội và có nguy cơ phát sinh nhiều hệ lụy khác trong tương lai gần.

Ông Cao Xuân Tùng, chủ căn hộ tại tầng 21 tòa chung cư N03-T2 đề nghị cơ quan chức năng làm rõ sai phạm của chủ đầu tư khi cuối tháng 5 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội mới có quyết định điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/500 các ô đất nêu trên nhưng từ tháng 3 đã khởi công công trình Bệnh viện Ung bướu trên khu đất có mục đích đất kỹ thuật.

“Lấy ý kiến dân bên cạnh”

Giải đáp ý kiến trên, Chủ tịch Hancorp Bùi Xuân Dũng, cho biết bệnh viện khởi công là do thành phố chứ không phải Tổng công ty xây dựng. Đây là khu đất trước đây được quy hoạch làm trạm biến áp nhưng sau này, Hancorp phải trả lại thành phố Hà Nội.

Đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc xây công trình Bệnh viện Ung bướu là theo quy hoạch ngành y tế thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, khi một số cư dân chất vấn, quy hoạch này theo quyết định, văn bản nào thì vị đại diện cho Hancorp lại không trả lời được.

Bên cạnh đó, theo ông Tùng, một động thái khác của chủ đầu tư vừa vi phạm quy định pháp luật vừa mang tính lừa dối cư dân là việc lấy ý kiến các hộ dân khi điều chỉnh quy hoạch.

Cụ thể, theo điều 16, Luật Xây dựng 2014 quy định “Cơ quan, chủ đầu tư tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng”.

Tuy nhiên, chủ đầu tư trước khi trình hồ sơ điều chỉnh quy hoạch đã không lấy ý kiến bất kỳ một hộ dân nào trong phạm vị dự án khu Ngoại giao đoàn.

Theo ông Tùng, mặc dù chủ đầu tư lập luận rằng việc điều chỉnh quy hoạch đã lấy ý kiến cư dân vào cuối năm 2016 và đã được người dân chấp thuận nhưng trong cuộc họp nội bộ của cư dân khu đô thị, 100% cư dân đều khẳng định không được biết trước thông tin về việc chủ đầu tư xin ý kiến cư dân điều chỉnh quy hoạch.

Có mặt tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) bà Đỗ Thị Hương Chà cho hay, theo địa giới hành chính tất cả khu Ngoại giao đoàn là thuộc tổ dân phố số 1 của phường. Tại thời điểm đó chưa có tòa nhà nào thành lập Ban quản trị theo quy định.

Do đó, khi chủ đầu tư tiến hành lấy ý kiến cư dân để xin điều chỉnh quy hoạch thì toàn bộ các đối tượng trong cư dân được lấy ý kiến là thuộc tổ dân phố 1, nhưng không sinh sống tại các tòa nhà của dự án. Các hộ dân này chỉ sống ngay sát dự án.

Ngay sau thừa nhận của vị Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo, các cư dân đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội thu hồi quyết định điều chỉnh quy hoạch và lấy lại ý kiến của cư dân về việc điều chỉnh quy hoạch khu Ngoại giao đoàn. Đồng thời, kiến nghị Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện đối với dự án này.

Trao đổi với VnEconomy ngay sau cuộc đối thoại, đại diện lãnh đạo Hancorp cho hay, doanh nghiệp này sẽ tiến hành một buổi trao đổi với báo chí vào tuần tới để làm rõ hơn những tranh luận quanh dự án này.

Được biết, dự án khu đô thị Ngoại giao đoàn do Hancorp làm chủ đầu tư với quy mô 62,8ha. Mục tiêu ban đầu của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển khu đoàn ngoại giao cho đại sứ quán các nước tại Việt Nam, văn phòng của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, khu ở cho người nước ngoài tại Hà Nội.

Dự án này cũng từng được quảng bá là một trong những “dự án đáng sống nhất tại Hà Nội” với một bản quy hoạch đầy đủ các hạ tầng, tiện ích cao cấp đi kèm.

Tuy nhiên sau đó, dự án này đã được điều chỉnh công năng và mục đích phát triển, trong đó chủ đầu tư cấp 1 là Hancorp đã có chuyển nhượng một phần dự án cho một số nhà đầu tư thứ cấp khác như Công ty Lạc Hồng, Tasco…để chia nhỏ dự án và gây ra những tranh chấp về tính pháp lý, hồ sơ sổ đỏ giữa các chủ đầu tư và khách hàng trong nhiều năm qua.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy