Chủ đầu tư “tay không bắt giặc” có dễ?

Cập nhật 22/06/2017 13:43

Lâu nay, trong khi trà dư tửu hậu, nhiều người trong giới bất động sản hay “nói nhỏ” với nhau rằng, chủ đầu tư này, chủ đầu tư kia tay không bắt giặc và phải biết cách tay không bắt giặc mới là giỏi. Tuy nhiên, kết cục của các chủ đầu tư này không giống nhau.


Trong thời kỳ thị trường địa ốc sốt nóng giai đoạn 2006 - 2008, chỉ cần nghe thông tin có một dự án bất động sản nào đó, người mua đã tranh nhau xuống tiền, bất chấp dự án đó vẫn chỉ ở trên giấy.

Chính sự sốt nóng này, nên nhiều doanh nghiệp chỉ cần “xí” được khu đất nào đó là có thể triển khai được dự án bất động sản hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng mà không cần bỏ đồng vốn nào của mình.

Cách thức phổ biến là các doanh nghiệp sử dụng hợp đồng góp vốn, vay tiền có ưu tiên quyền mua căn hộ với khách hàng, sau đó, dùng số tiền này triển khai dự án. Cách làm này đã giúp nhiều doanh nghiệp đổi đời, trở thành đại gia trong làng bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, đó là với những doanh nghiệp làm thật, còn với nhiều doanh nghiệp làm ăn gian dối, thì phải trả giá đắt.

Câu chuyện gây chú ý trong ít năm gần đây chính là vụ án bà Châu Thị Thu Nga, cựu Chủ tịch Housing Group liên quan đến dự án B5 Cầu Diễn, Hà Nội. Hiện bà Nga đang bị điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án lừa đảo, thu hàng trăm tỷ đồng của các khách hàng khi dự án chưa đủ điều kiện mở bán. Tại một phiên tòa khác mà bà Nga có mặt với tư cách nhân chứng đã trình bày rằng “thị trường ai cũng làm vậy”.

Hay mới đây nhất là vụ án liên quan đến Dự án Khu du lịch Đồi 79 Mùa xuân, thuộc địa phận xã Phúc Yên, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Theo cáo trạng, năm 2003, Dự án được UBND tỉnh Vĩnh phúc chấp thuận triển khai gồm 2 khu, trong đó có khu dịch vụ sinh thái, tổng diện tích gần 93 ha, tổng vốn đầu tư 199 tỷ đồng.

Chủ đầu tư là Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Toàn Thắng, vốn điều lệ 2 tỷ đồng. Sau đó, chủ đầu tư được chuyển sang Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch An Phát. Bà Phan Thúy Mai là thành viên góp vốn tại cả 2 doanh nghiệp này.

Tại Công ty Toàn Phát, bà Mai góp 90% vốn và tại Công ty An Phát, bà Mai góp 19,8 tỷ đồng trong tổng vốn điều lệ 30 tỷ đồng, phần vốn còn lại do các cá nhân Vũ Thế Ưu, Trần Thế Tôn và Công ty Alfa góp.

Vào tháng 12/2004, Công ty An Phát ký hợp đồng hợp tác với Công ty Long Việt để đầu tư xây dựng Dự án Khu du lịch Đồi 79 Mùa Xuân. Sau đó, Công ty Long Việt đã chuyển khoản 23 tỷ đồng. Số tiền này được hạch toán vào hạng mục bà Phan Thùy Mai góp vốn cổ phần. Sau đó, bà Mai rút ra chi mua lại cổ phần của các cổ đông đã góp vốn, trong đó 3 cổ đông là ông Tôn, ông Ưu và Công ty Alfa đã rút toàn bộ vốn góp và xác nhận từ bỏ toàn bộ quyền và nghĩa vụ tương ứng.

Nhận thấy dự án triển khai không hiệu quả, Công ty Long Việt đòi rút vốn. Để có tiền trả cho Công ty Long Việt, bà Mai đã tìm Công ty An Thành mời hợp tác đầu tư dự nói trên và nhận được 15,4 tỷ đồng và vay Ngân hàng VIB 9,8 tỷ đồng.

Nhưng rồi Công ty An Thành cũng đòi rút vốn. Lần này, để có nguồn tiền trả cho Công ty An Thành và Ngân hàng VIB, bà Mai chuyển nhượng 33% vốn điều lệ của Công ty An Phát cho bà Trương Kim Bích với giá trị tương ứng 33 tỷ đồng.

Đến năm 2007, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định giao đất cho Công ty An Phát với diện tích 973.839,8 m2 để xây dựng Khu du lịch 79 Mùa Xuân. Tiếp đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Công ty An Phát.

Trong diện tích đất được giao có hai khu đất nền biệt thự (5.045 m2 và 1.520 m2), bà Mai đại diện Công ty An Phát ký hợp đồng chuyển nhượng 2 lô đất này cho chính mình với giá 9,8 tỷ đồng, nhưng không hề trả tiền mua đất. Hai phiếu thu với số tiền 9,8 tỷ đồng có nội dung bà Mai nộp tiền mua đất đều là hóa đơn khống. Hội đồng định giá tài sản huyện Mê Linh thẩm định, 2 nền đất biệt thự có giá trị 30,5 tỷ đồng.

Sau khi đứng tên 2 lô đất nền, bà Mai sử dụng làm tài sản bảo đảm vay Ngân hàng Đông Á và đã được giải ngân 25,5 tỷ đồng, trong đó bà Mai đưa 23,6 tỷ đồng vào vốn góp cá nhân tại Công ty An Phát. Để có tiền đảo nợ, bà Mai tiếp tục dùng nhà đất khác thế chấp ngân hàng vay nhiều lần. Có lần vay tiền xong, bà Mai cho chính Công ty An Phát vay lại.

Với nhiều giao dịch lòng vòng, đến nay, Công ty An Phát còn nợ 89 tỷ đồng tại ngân hàng.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản