Chủ đầu tư muốn vượt rào pháp luật xây dựng, cơ quan quản lý nói gì?

Cập nhật 21/07/2015 09:21

Thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư thực hiện các dự án cải tạo chung cư cũ đưa ra một số kiến nghị trong việc triển khai dự án, trong đó có đề xuất việc nâng số tầng của tòa nhà… Điều này, vượt quá các quy định của Bộ Xây dựng về giới hạn chiều cao đối với các dự án cải tạo chung cư cũ tại nội đô Hà Nội. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội xung quanh vấn đề này.


Ông Vũ Ngọc Đạm

Được biết, tại Dự án Nhà B6 Giảng Võ, chủ đầu tư là Tổng công ty 36 đã đưa ra một số yêu cầu như tăng tầng, lấy thêm diện tích xây dựng (71 m2)… Trước yêu cầu mới của chủ đầu tư, Thành phố sẽ xử lý ra sao?

Về nguyên tắc, vệc cải tạo quy hoạch xây dựng chung cư cũ phải theo quy hoạch đã được duyệt. Phần diện tích 71 m2 của một cá nhân mà Tổng công ty 36 đề nghị lấy thêm vào dự án, trước đây khi còn liên danh với Mefrimex thì phía Mefrimex góp thêm vào dự án. Phần diện tích này, Nhà nước sẽ không thu hồi, hai bên tự giải quyết thỏa thuận với nhau, nếu không được thì các bên đề nghị Tòa án giải quyết, việc thu hồi vào dự án này là không có cơ sở pháp lý.

Về việc xây thêm tầng, chủ đầu tư đề nghị thêm tầng nhằm để dự án không bị lỗ. Tuy nhiên, vấn đề này có nhiều giải pháp không nhất thiết cứ phải thêm tầng. Thành phố sẽ tính toán điểm cân đối, điểm hòa vốn của dự án, từ đó hỗ trợ bằng chính sách khác. Thành phố sẽ không để chủ đầu tư bị lỗ. Lấy ví dụ như dự án ở Nguyễn Công Trứ, Thành phố dành cho chủ đầu tư phần đất đối ứng bên ngoài để nhà đầu tư có thể khai thác.

Dự án Nhà B6 Giảng Võ đã bị chậm nhiều năm nay. Với những kiến nghị mới của chủ đầu tư, người dân e ngại tiến độ dự án sẽ không thể nhanh chóng, khẩn trương như mong muốn, thưa ông?

Ở dự án này, các hộ dân đã đề nghị chủ đầu tư là Tổng công ty 36 và được Thành phố chấp thuận. Tổng công ty 36 trước đây có liên danh, liên kết với Công ty Mefrimex và Mefrimex trả tiền tạm cư. Nhưng do tranh chấp giữa 2 bên nên sau này có việc chuyển nhượng dự án.

Cũng vì tranh chấp này nên dự án bị chậm trễ nhiều năm. Vừa qua, Thành phố đã tập trung chỉ đạo giải quyết những tồn tại của dự án, nhằm mục tiêu làm sao để người dân Nhà B6 sớm quay lại tái định cư. Thành phố đã giao lại Dự án cho chủ đầu tư cũ là Tổng công ty 36 và yêu cầu hoàn thành bàn giao nhà cho các hộ dân chậm nhất vào tháng 12/2017.

Cơ quan quản lý thì muốn dự án triển khai nhanh chóng nhưng chủ đầu tư lại lo ngại yếu tố hiệu quả đầu tư? Thành phố sẽ có những giải pháp gì để nhà đầu tư quan tâm hơn, thưa ông?

Luật Nhà ở 2014 đã có hiệu lực và dành riêng một chương quy định về cải tạo chung cư cũ. Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định riêng về cải tạo chung cư cũ.

Các vấn đề vướng mắc sẽ được đưa vào Nghị định để tháo gỡ, kể cả việc chậm tiến độ, phần nào vướng mắc do Nhà nước thì cơ quan quản lý phải tháo gỡ, chủ đầu tư không tích cực thì Thành phố sẽ thu hồi dự án, chuyển giao cho nhà đầu tư khác.

Ông có thể cho biết tình hình cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội thời gian qua ra sao?

Hà Nội hiện có hơn 23 khu chung cư cũ, tập trung với hơn 1.000 tòa nhà được xây dựng từ những năm 70 -80 của thế kỷ trước. Đó là các khu tập thể được xây dựng để phân cho cán bộ công nhân viên chức trong thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa. Đến nay, hầu như đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp, cần cải tạo, xây dựng lại.

Giai đoạn trước, Thành phố đã tiến hành cải tạo các chung cư này nhưng nhìn chung cũng xác định việc cải tạo chung cư cũ là khó, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, bởi đa phần họ là cán bộ công nhân viên có thu nhập trung bình thấp, nên phải làm từng bước, làm từ từ, không đồng loạt vội vàng được.

Ban đầu, UBND tỉnh thành được điều chỉnh quy hoạch kiến trúc chi tiết để giúp dự án cân đối được thu chi, điều chỉnh quy hoạch lên cao tầng đảm bảo tái định cư và nhà đầu tư có lãi, bởi nguyên tắc cải tạo chung cư cũ là không dùng ngân sách. Hà Nội đã triển khai được một số tòa nhà.

Đến khoảng năm 2009 - 2010, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại quy hoạch Thủ đô với ý tưởng khu vực nội đô (4 quận nội thành cũ) nơi tập trung chủ yếu chung cư cũ là khu vực hạn chế tập trung dân cư và không xây dựng chung cư cao tầng. Việc này dẫn đến vướng mắc về quy hoạch để cân đối các dự án đã duyệt trước đây.

Trong số hơn 1.000 nhà chung cư cũ, có 68 tòa nhà ở mức độ nguy hiểm. Trong xây dựng, có 4 cấp độ nguy hiểm, cấp độ D là phải di dời, không thể ở, không thể sử dụng tiếp. Vừa qua, Hà Nội đã tập trung xử lý nhà nguy hiểm cấp độ D, gần 20 tòa nhà đã được xử lý kể cả những nhà chưa được xây dựng lại theo quy hoạch Thủ đô. Còn lại mức độ A, B, C, tức là nguy hiểm cục bộ một phần, có thể gia cố, đã được sửa chữa, như gia cố mối nối, xây ốp…     

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán