Chủ đầu tư lại làm kiêu khi thị trường bất động sản ấm lên

Cập nhật 08/05/2014 08:58

31-31,5 triệu đồng/m2, đóng 60% giá trị căn hộ ngay khi ký hợp đồng… Đã lâu lắm rồi thị trường mới lại chứng kiến cách bán hàng “chắc đằng chuôi” của chủ đầu tư dự án bất động sản như vậy. Thị trường có dấu hiệu ấm trở lại một chút, các DN lại có dịp làm kiêu với những dự án có vị trí đẹp tại Hà Nội.

Sự chuyển hướng của thị trường chung cư Hà Nội, khiến các chủ đầu tư có thể “làm kiêu”

Bảng giá trên mới được HĐQT CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco) phê duyệt áp dụng cho Tòa nhà N04B1, khu đô thị Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội). Dự án có vị trí khá đẹp, nằm đối diện công viên Yên Hòa, có quy mô 17 tầng,  mỗi sàn có 8 căn hộ, diện tích dao động từ 58,5-98,8 m2/căn.

Nói về giá bán và tiến độ đóng tiền ngất ngưởng này, ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch Lideco cho biết, do thực hiện cách tính diện tích căn hộ theo quy định mới của Bộ Xây dựng nên diện tích mỗi căn hộ thu hẹp lại đáng kể. Giá bán dự kiến ban đầu từ 28-28,5 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT) nay được điều chỉnh thành 31 -31,5 triệu đồng/m2.

Mức giá trên theo nhận xét của dân môi giới không phải quá cao so với mặt bằng căn hộ cao cấp hiện nay, nhưng “chát” nhất là cách đóng tiền 60% giá trị ngay khi ký hợp đồng. Lâu nay, Lideco vốn có tiếng là “rắn tay” trong các giao dịch bán hàng, đơn cử như biệt thự hoặc nhà liền kề Dự án Khu đô thị Bắc 32, Công ty cũng áp dụng phương thức khách đóng 100% tiền đất ngay khi ký hợp đồng. Với phương thức giao dịch như vậy, sản phẩm chủ yếu bán đến tay khách hàng mua nhà đất có nhu cầu thực, ít chỗ cho dân đầu cơ.

Ở thời điểm này, ông Kha tự tin với giá bán như trên, dự án vẫn đắt hàng. Thông tin từ Sàn giao dịch bất động sản Lideco cho thấy, số lượng đơn đăng ký hiện gấp 4 lần so với nguồn cung. Tuy nhiên, một lãnh đạo của sàn này cũng chia sẻ rằng, khi Công ty chưa mở bán chính thức và thông báo cho khách hàng đến ký hợp đồng, thì chưa thể đánh giá được rằng, nhà có bán được hay không, bởi không hiếm trong số đơn đăng ký là nhằm có suất để bán lại hưởng chênh lệch giá. Nếu thị trường không đón nhận nhiệt tình, nhiều khách hàng đã đăng ký chắc chắn “một đi không trở lại”.

Sự chuyển hướng trên thị trường bất động sản Hà Nội khiến các chủ đầu tư có thể làm kiêu với sản phẩm của mình. CTCP Tập đoàn Hà Đô dự kiến khởi công 1-2 tòa nhà tại Khu đô thị mới Dịch Vọng để có hàng ra thị trường vào cuối năm nay, giá bán theo lãnh đạo Tập đoàn này có thể tới 30 triệu đồng/m2.

Trước đó, Dự án Thăng Long Number One của Viglacera cũng đã tăng giá 10%, lên 30 triệu đồng/m2 (chưa hoàn thiện). Hiện Dự án này cũng chỉ còn những căn hộ có diện tích lớn. Theo một lãnh đạo của Viglacera Land, tiến độ tiêu thụ hàng vượt ngoài dự kiến, khoảng quý III năm nay chủ đầu tư sẽ đưa Dự án vào hoạt động. Thị trường cũng ghi nhận những lời rao bán căn hộ của Dự án Madarin Garden, No4 Trung Hòa Nhân Chính giá 34 triệu đồng/m2, trong khi giá gốc là 27-29 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, với người mua nhà thời điểm này, lựa chọn được sản phẩm tốt, giá phải chăng không phải quá khó. Ở nhiều dự án chủ đầu tư đã bàn giao nhà, mặc dù ban đầu môi giới đưa ra giá cao song bởi chỉ cần mặc cả thêm một vài câu, giá sẵn sàng được giảm xuống. Đơn cử, căn hộ N04 Khu Dịch Vọng, đối diện công viên Cầu Giấy, chủ nhà đã dọn về ở, rao giá 32 triệu đồng/m2, sau vài lời trả giá đã sẵn sàng hạ xuống 30 triệu đồng/m2.

Siêu lợi nhuận từ Bất động sản?

Theo một nguồn tin, khu đất của Lideco, Hà Đô đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ trước nên giá thành chỉ vào khoảng 17 triệu đồng/m2. Như vậy, với diện tích trên 700 m2 một sàn, lợi nhuận từ tòa nhà 17 tầng có thể đem lại cho Lideco tới cả trăm tỷ đồng.

Trong khi đất sạch, giá vốn thấp để triển khai dự án trong nội đô Hà Nội đang cạn dần, doanh nghiệp có tiềm lực tài chính cũng khó mua được những khu đất đẹp. Theo lời ông Kha, Lideco đã tìm kiếm suốt vài năm, nhưng chỉ mua thành công được một dự án quy mô 32 -35 tầng tại 22 Hồ Tùng Mậu. “Các dự án khác, chủ đầu tư đòi giá rất cao, mua lại để triển khai chưa chắc đã có lời”, ông Kha nói.

Tương tự, CTCP Tập đoàn Hà Đô cũng đang tìm kiếm các doanh nghiệp có khu đất tốt như các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng để hợp tác, xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, song theo lời ông Nguyễn Văn Tô, Phó tổng giám đốc Công ty, việc này không dễ. Chính bởi cuộc săn tìm những vị trí đất đẹp để triển khai dự án ngày một khó khăn nên những doanh nghiệp nằm trong diện cổ phần hóa, những DN thuộc diện bán vốn của Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước có quyền sử dụng đất tại các vị trí đẹp đang trở nên rất có giá trong mắt các nhà đầu tư sẵn tiền.      

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán