Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng cần xem đất đối với condotel là đất thương mại dịch vụ với thời hạn không quá 50 năm.
Ngày 7-4, tại Đà Nẵng, Tổng hội xây dựng Việt Nam đã tổ chức hội thảo Phát triển và quản lý Condotel cơ sở pháp lý và thực tiễn.
Theo ông Đặng Việt Dũng (Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng), các dự án condotel phát triển bùng nỗ thời gian qua tuy nhiên, ai kiểm soát, quản lý loại hình này và những tiềm ẩn rủi ro cho người mua lại chưa được quy định chặt chẽ.
Nhiều rủi ro, chưa rõ ràng
“Tính pháp lý của loại hình này chưa được quy định rõ ràng để dẫn đến việc nhiều chủ đầu tư nhập nhằng, lách luật để làm liều gây khó khăn cho công tác quản lý và nhiều rủi ro cho người mua. Trong khi đó, về quyền sở hữu condotel thì các cơ quan quản lý nhà nước và các bộ cũng đang có nhiều ý kiến khác nhau", ông Dũng cho hay.
Loại hình căn hộ condotel phát triển mạnh trong thời gian qua tại Đà Nẵng và các tỉnh thành khác. Ảnh: LÊ PHI |
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Hùng (Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam) thì băn khoăn về các bất cập như: người mua căn hộ condotel có được nhà nước cấp sổ đỏ hay không? Và có những dự án chủ nhà không được tự do vào căn hộ condotel của mình ngoài số ngày quy định do hợp đồng với chủ đầu tư nên gây ra những tranh cãi trong thời gian qua.
Ông Vũ Văn Phấn (Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng) cho biết vừa rồi đoàn kiểm tra của Bộ TN&MT đã vào Nha Trang kiểm tra các căn hộ condotel để có những sửa đổi, bổ sung trong luật về loại hình này.
“Pháp luật Việt Nam hiện tại không có từ nào gọi là condotel, tuy nhiên ta có thể hiểu đây là loại hình căn hộ du lịch. Đã là căn hộ du lịch thì phải quản lý theo luật du lịch và căn hộ du lịch thì chỉ phục vụ du lịch”, ông Phấn nói.
Theo ông Phấn, condotel là loại hình đầu tư pháp luật không cấm nên có thể làm nhưng cần làm đúng luật. Thực tế loại hình này không có vướng luật gì cả. Khi đầu tư thì theo luật đầu tư, khi xây dựng thì theo luật xây dựng rồi luật đất đai, bất động sản và khi đưa vào quản lý, sử dụng theo quy định của luật du lịch.
“Về quyền sở hữu đất condotel là đất thương mại-dịch với thời hạn cho thuê là 50-70 năm, sau khi hết hạn thì có thể gia hạn”, ông Phấn nói.
Ông Phấn cho rằng cái đáng băn khoăn là người nước ngoài hiện tại đã được quyền mua nhà ở vậy loại hình condotel thì có được phép mua hay không?
Ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM) cũng cho rằng, thực tế việc rủi ro khi nhà đầu tư mua căn hộ condotel xuất hiện ngay cả giai đoạn mua bán tới khai thác.
Ví dụ, nhà đầu tư có thể rủi ro ngay cả khi mua phải căn hộ condotel mà chủ đầu tư tính luôn tỉ lệ lợi nhuận hàng năm vào giá trị căn hộ condotel khi bán. Như vậy, thực tế số tiền lợi nhuận hàng năm là do nhà đầu tư tự bỏ ra để trả cho chính mình chứ không phải lợi nhuận từ kinh doanh do chủ đầu tư chi trả.
“Giá cả đã được chủ đầu tư tính toán nên thu hồi vốn rất nhanh đẩy rủi ro về phía nhà đầu tư khi mua căn hộ condotel”, ông Châu nói.
Chủ đầu tư phải giữ lại 30% số căn hộ
Ông Châu cho biết Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị sửa đổi luật đất đai 2013 để thực hiện chế độ sử dụng đất ổn định lâu dài đối với đất thương mại, dịch vụ, du lịch và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
Chủ đầu tư các dự án thì muốn căn hộ condotel phải là đất ở lâu dài tuy nhiên các cơ quan quản lý nhà nước cho rằng đây là đất thương mại-dịch vụ thời hạn 50 năm. Ảnh: LÊ PHI |
Như vậy, chủ đầu tư các dự án có sử dụng đất nói sẽ có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất phù hợp giá đất thị trường vào ngân sách nhà nước, tương tự như chính sách thu tiền sử dụng đất ở. Điều này tăng tính minh bạch của thị trường bất động sản, tạo thêm nguồn thu và tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
“Trên cơ sở đó, người mua sản phẩm condotel trong các dự án du lịch nghỉ dưỡng sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu và quyền sử dụng đất ổn định lâu dài. Bên cạnh đó hiệp hội kiến nghị cho cá nhân nước ngoài được mua căn hộ condotel để đầu tư, tuy nhiên liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng thì cần phải có cân nhắc”, ông Châu nói.
Trong khi đó, ông Trần Đình Khanh (Phó trưởng Phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng) cho hay hiện nay luật kinh doanh bất động sản 2014 chưa có quy định cụ thể về mua bán, chuyển nhượng condotel, nhất là điều kiện bán condotel hình thành trong tương lai.
“Trường hợp căn hộ condotel được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu lâu dài thì sẽ không khác gì căn hộ chung cư, khó có thể yêu cầu chủ sở hữu không được ở tại căn hộ đã được cấp giấy chứng nhận. Điều này phát sinh nguy cơ hình thành đơn vị cư trú, gây quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại khu vực triển khai dự án. Có thể nói đây chính là khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý nhà nước đối với loại hình condotel”, ông Khanh nói.
Ông Khanh kiến nghị phải xác định condotel là loại hình căn hộ cho thuê lưu trú ngắn hạn, không hình thành đơn vị ở và đề nghị áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hạ tầng chung của condotel tương tự như đối với công trình khách sạn.
“Đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu condotel cho khách hàng với mục đích sử dụng đất là đất thương mại dịch vụ với thời hạn không quá 50 năm”, Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết.
Về quản lý, vận hành, khai thác condotel, ông Khanh đề nghị khi quyết định chủ trương đầu tư dự án cần xác định rõ mục tiêu và các ràng buộc ngay từ đầu đối với chủ đầu tư và chủ sở hữu condotel theo hướng: chủ đầu tư chỉ được bán không quá 70% số lượng căn hộ condotel tại dự án, tức là chủ đầu tư phải sở hữu ít nhất 30% số lượng căn hộ condotel để đảm bảo trách nhiệm của chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án cũng như các cam kết với khách hàng.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác và phân chia lợi nhuận với các chủ sở hữu căn hộ condotel theo thoả thuận giữa các bên với hình thức có hợp đồng khung.
Trường hợp chủ sở hữu căn hộ condotel muốn kết thúc hợp đồng cho thuê lại với chủ đầu tư thì phải chuyển nhượng căn hộ condotel cho chủ đầu tư hoặc khách hàng khác, không được tự quản lý hay tự cho thuê và ở tại căn hộ.
DiaOcOnline.vn - Theo PLO