Chủ đầu tư dự án tỷ đô bị thu hồi kêu oan

Cập nhật 06/12/2011 09:35

Không đồng ý với quyết định rút giấy phép dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm của UBND TP HCM, chủ đầu tư dự án 1,2 tỷ USD này đã gửi văn bản lên Bộ Tư pháp đề nghị Bộ xem xét và trả lời.

Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Công ty TNHH TA Associates Việt Nam thực hiện dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm được UBND TP HCM ban hành ngày 4/11. Ngay sau đó, đại diện TA Associates Việt Nam nhiều lần cho rằng quyết định này chưa hợp tình hợp lý và chưa phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Chủ đầu tư dự án là liên doanh giữa SaigonTel (thuộc Tập đoàn đầu tư Sài Gòn) với Công ty TA Associates của Singapore (thuộc thành viên của Tập đoàn Teco Đài Loan), mang pháp nhân Công ty TA Associates Việt Nam. Dự án bị thu hồi vì sau 3 năm khởi công vẫn chỉ là khu đất trống, chủ đầu tư chưa đóng tiền thuê đất và nợ tiền phạt do chậm đóng tiền thuê đất lên đến một triệu USD.

Mới đây, Tổng giám đốc Công ty cổ phần viễn thông Sài Gòn (SaigonTel), Hoàng Sĩ Hóa đã gửi văn bản lên Bộ Tư Pháp và đề nghị Bộ xem xét tính pháp lý của quyết định rút giấy phép dự án.

Trong văn bản này ông Hóa đặt nghi vấn: "Việc Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm khăng khăng bắt doanh nghiệp nộp tiền phạt có đúng pháp luật không? Trong khi chủ đầu tư vẫn đang đề nghị miễn tiền phạt thì UBND TP HCM và Ban quản lý Thủ Thiêm yêu cầu làm việc để bàn giá thuê mới có hợp pháp hay không?".

Theo ông Hóa, Bộ Tư pháp cần xem xét lại việc Công ty TA Associates Việt Nam không đồng tình về việc thảo luận giá thuê mới dẫn đến bị thu hồi giấy phép đầu tư là phù hợp với pháp luật hay chưa.

Phối cảnh dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm, quận 2, TP HCM.

Quan điểm của ông Hóa, quá trình xảy ra vụ việc từ lúc khởi công công viên phần mềm Thủ Thiêm 1,2 tỷ USD đến lúc dự án bị thu hồi, SaigonTel không có lỗi và chịu nhiều tổn thất. Cụ thể, lúc đầu đối tác nước ngoài chưa muốn khởi công vì chưa được ký hợp đồng thuê đất, chưa được bàn giao đất, chưa có giấy phép xây dựng... Tuy nhiên, vì Ban quản lý Thủ Thiêm đề xuất nên làm lễ khởi công để quảng bá dự án nên SaigonTel đã ứng trước toàn bộ chi phí 2 tỷ đồng cho hoạt động này. Sau đó, năm 2009-2010, liên doanh xin miễn tiền phạt do chậm đóng tiền thuê đất vì khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng lại không được UBND TP HCM chấp thuận.

Ông Hóa cho rằng, dự án bị rút giấy phép vì liên doanh không chịu nộp phạt, chậm đóng tiền thuê đất, Ban quản lý dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm lại tính chuyện bàn giá thuê đất mới. "Từ đầu đến cuối SaigonTel không có lỗi và đã bị tổn thất lớn. Do đó, tôi đề xuất trường hợp Ban quản lý quyết tâm rút giấy phép đầu tư thì cũng nên ưu tiên cho SaigonTel được mời gọi đối tác khác", ông Hóa giải thích.

Trao đổi với VnExpress.net về vụ việc này, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, Luật sư Nguyễn Văn Hậu phân tích: "Về mặt pháp lý, cơ quan nhà nước hoàn toàn có quyền xử lý rút giấy phép đầu tư dự án khu phần mềm Thủ Thiêm do chậm triển khai và chậm nộp tiền thuê đất cũng như không nộp tiền phạt".

Theo ông Hậu, sự thay đổi của tình hình kinh tế thế giới không phải là sự kiện bất khả kháng theo pháp luật Việt Nam. Mặt khác sự kiện bất khả kháng chỉ áp dụng đối với hợp đồng dân sự, còn trong lĩnh vực hành chính, đây không phải là yếu tố để quyết định có xử phạt hay không. Chính vì vậy, nếu đã có cam kết trả tiền thuê đất trước khi ký hợp đồng thuê đất thì chủ đầu tư phải thực hiện cam kết trả tiền thuê đất.

Do đó, nếu chủ đầu tư không đóng tiền thuê đất, không nộp phạt tiền chậm thuê đất, không triển khai dự án trong 3 năm qua thì việc rút giấy phép đầu tư cũng không có gì sai. "Tuy nhiên, để giải nút thắt này nhằm mục đích thu hút đầu tư, nhà nước cũng cần ban hành một số chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian sắp tới", ông Hậu nói.

Dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm được UBND TP HCM cấp phép ngày 11/6/2008, khởi công vào tháng 7/2008, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Ngày 4/11/2011, dự án bị UBND TP HCM ra quyết định rút giấy phép. Chủ đầu tư dự án là liên doanh giữa SaigonTel (thuộc Tập đoàn đầu tư Sài Gòn) với Công ty TA Associates của Singapore (thuộc thành viên của Tập đoàn Teco Đài Loan), mang pháp nhân Công ty TA Associates Việt Nam. Dự án từng được xem là lớn nhất khu vực Asean và dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2012.



DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress