Chủ đầu tư bất động sản và đơn vị phân phối “cộng sinh” trong cảnh giác

Cập nhật 16/07/2014 08:22

Trở thành một đồng chủ đầu tư dự án bất động sản, câu chuyện tưởng khó xảy ra đối với đơn vị môi giới. Thế nhưng, xu hướng này đang trở nên phổ biến trên thị trường địa ốc hiện nay.


Thế giới của nhà môi giới, phân phối bất động sản trước kia vốn chỉ tồn tại khái niệm bán sản phẩm ăn hoa hồng hoặc chênh lệch giá. Chính bởi thế, mỗi khi nhắc đến nghề môi giới đất cát hoặc những ngành nghề khác, nhiều người nghĩ ngay đến đội ngũ “cò” chuyên sống bằng nghề bán nước bọt, ăn hoa hồng.

Thế nhưng, sự phát triển và cạnh tranh của thị trường địa ốc khiến các đơn vị phân phối muốn tồn tại, muốn bán được sản phẩm phải tự đổi mới, phải đưa ra được những cam kết và có trách nhiệm cao hơn đối với sản phẩm bán ra thị trường. Trách nhiệm này không phải chấm hết sau khi bán hàng, mà có thể còn kéo dài cho đến tận khi bàn giao nhà và thời gian bảo hành đi kèm.

Trong bối cảnh nguồn hàng hạn chế, nhu cầu thị trường tăng cao, việc phải làm thế nào để có nguồn hàng tốt và độc quyền khiến các đơn vị môi giới đau đầu.

Đây chính là lý do khiến nhiều đơn vị phân phối hiện nay không đơn thuần chỉ là một đơn vị bán hàng thuần túy, mà đã tham gia sâu hơn vào việc triển khai dự án, có trách nhiệm, nghĩa vụ như một chủ đầu tư dự án đối với khách hàng.

Đối với chủ đầu tư, việc để đơn vị phân phối “cộng sinh” góp vốn, vừa không phải lo lắng đầu ra cho sản phẩm, lại có vốn triển khai dự án, nên không ít chủ đầu tư đã “gật đầu” trước lời đề nghị hợp tác.

Còn nhớ cuối năm 2013, khi Dự án Phúc Thịnh Tower của CTCP Đầu tư Hải Phát gặp bế tắc trong bán hàng, việc triển khai lại càng khó vì thiếu vốn, chủ đầu tư đã bán rẻ toàn bộ hơn 200 căn hộ còn lại cho Siêu thị Dự án (STDA).

Với việc mua lại số căn hộ còn lại, STDA không chỉ là đơn vị bán hàng đơn thuần, mà đã trở thành đồng chủ đầu tư của Dự án Phúc Thịnh Tower.

Trên thực tế, STDA không phải là đơn vị phân phối duy nhất trở thành đồng chủ đầu tư của một dự án bất động sản, mà thời gian qua, cũng có nhiều đơn vị phân phối sẵn sàng “đặt cọc” hàng tỷ cho đến cả chục tỷ đồng tiền vốn cho chủ đầu tư thực hiện dự án để được độc quyền bán phân phối sản phẩm.

Đơn cử, CTCP Dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc trở thành “đồng chủ đầu tư” tại Dự án Golden West trên đường Lê Văn Thiêm (quận Thanh Xuân, Hà Nội), khi cùng đầu tư hàng tỷ đồng để cùng chủ đầu tư thi công, triển khai dự án. Đổi lại, Đất Xanh Miền Bắc trở thành đơn vị phân phối, bán phần lớn sản phẩm tại dự án này. Hoặc như Sàn Giao dịch Hoàng Vương, cũng đã đầu tư vào Dự án Hòa Bình Green City để được quyền bán cả trăm căn hộ tại dự án trên.

Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, thị trường bất động sản khó khăn kéo dài, khiến nhiều dự án bất động sản phải đắp chiếu. Để tái khởi động dự án, rất nhiều chủ đầu tư phải nhờ vào dòng vốn của các đơn vị thứ cấp. Thế nhưng, các chủ đầu tư cũng nhận ra rằng, dòng vốn của đơn vị phân phối chỉ có hạn, nên xác định, dòng vốn từ đơn vị “cộng sinh” chỉ có ý nghĩa như mồi nhử. Việc triển khai, hoàn thiện dự án sau này vẫn phụ thuộc vào dòng tiền của khách mua nhà. Vì vậy, tại một số dự án, ngoài dòng vốn, để lựa chọn đơn vị phân phối “cộng sinh” với mình, chủ đầu tư cũng rất chú trọng đến khả năng bán hàng của đơn vị phân phối và có những chế tài hết sức cụ thể trong việc phân phối bán hàng. Bởi trên thực thế, cũng đã có không ít chuyện "cơm không lành, canh không ngọt" giữa chủ đầu tư - nhà môi giới đã xảy ra, khi thì do chủ đầu tư hạ giá thấp hơn môi giới để thoát hàng, lúc lại do môi giới kết hợp với khách đặt điều kiện ép chủ đầu tư.

Rất cảnh giác, nhưng vẫn phải liên kết cùng tồn tại, đó là bản chất mối liên hệ giữa hai thành viên thị trường bất động sản này trong giai đoạn mới.

Theo Đầu tư Bất động sản