Chống ngập: Đừng chạy theo con nước!

Cập nhật 01/06/2010 13:10

Cứ đến mùa mưa, TPHCM lại ngập. Có nơi, năm sau ngập nặng hơn năm trước, thậm chí còn phát sinh điểm ngập mới. Từ thực tế này, nhiều chuyên gia nhận định: Đã đến lúc TP cần chủ động chống ngập bằng các giải pháp căn cơ thay vì “chạy hụt hơi”... theo con nước.


Đường Hùng Vương, Q.6-TPHCM, một trong những tuyến đường thường xuyên bị ngập. Ảnh: Tấn Thạnh

Làm hồ điều tiết

Đánh giá về các giải pháp chống ngập của TP, các chuyên gia cho rằng TP rất bị động vì loay hoay chạy theo khắc phục các điểm ngập nên thực tế chống được chỗ này thì chỗ khác phát sinh. Các điểm ngập mới liên tục xuất hiện. Một trong các nguyên nhân chính gây ngập là do biến đổi khí hậu khiến nước triều dâng cao.

Vì vậy, việc xây dựng các hồ điều tiết nước là hết sức cần thiết và cũng là biện pháp chống ngập bền vững được các chuyên gia khuyến nghị. Theo các chuyên gia, các hồ này có công dụng tích nước mưa và nước triều từ các hệ thống cống nội thành, giảm ngập cho TP. Lượng nước trữ này sau đó sẽ được sử dụng trong tưới tiêu, thủy lợi và thậm chí cho cả giao thông thủy trong mùa hạn hán.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Bỉnh, nguyên giám đốc Sở Thủy lợi TPHCM, đã khảo sát và đưa ra một số địa điểm có thể tận dụng làm hồ điều tiết tự nhiên. Chẳng hạn tuyến Mương Chuối- Phú Xuân- Rạch Tôm- Rạch Đỉa nên nạo vét tạo thành hồ điều tiết vừa cải tạo môi trường vừa chống sạt lở đất bờ sông.

Tiến sĩ Bỉnh lý giải: “Do cao trình đất tự nhiên của TP xuôi dần về phía Nam nên các kênh rạch và vùng đất trũng ở phía Nam TP nằm ở quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè rất phù hợp để làm hồ điều tiết”.

Theo tiến sĩ Bỉnh, hệ thống kênh Đôi - kênh Tẽ - kênh Tàu Hũ, do tuyến Đông Tây đã bê tông hóa một bên nên rất thích hợp hình thành một hồ điều tiết nước cho khu vực trung tâm và tạo cảnh quan sinh thái hài hòa với kiến trúc toàn tuyến.

“Việc tận dụng các hồ điều tiết tự nhiên còn có tác dụng rất lớn khác về mặt kinh tế, đó là chúng ta có thể tận dụng làm các âu thuyền và tạo cảnh quan sinh thái, phục vụ du lịch. Uống cà phê trên bờ hồ mát rượi và ngắm du thuyền qua lại, ai không thích?” - tiến sĩ Bỉnh dẫn chứng.

Ngoài ra, trong một nghiên cứu gần đây của Tập đoàn Arup - chuyên hoạt động về lĩnh vực môi trường và xây dựng - trong vòng một thập kỷ tới, nhu cầu nước sinh hoạt của TP sẽ tăng lên 20%, trong khi đó nguồn cung cấp nước chính cho TP đang bị ô nhiễm vì các chất thải công nghiệp khiến cho việc xử lý của các nhà máy cung cấp nước sạch khó khăn hơn. Chính vì vậy, hồ dự trữ nước mưa sẽ tạo thêm được một nguồn cung cấp nước sạch cho TP với chất lượng đáng tin cậy.

Còn nằm trên giấy!

Thực ra, việc sử dụng các hồ điều tiết chống ngập đã được các nhà khoa học hiến kế cho TP từ lâu và UBND TP cũng đã chấp thuận chủ trương này nhưng việc triển khai đến nay hầu như vẫn nằm trên giấy.

Ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (gọi tắt là trung tâm), cho biết dự án quy hoạch xây dựng hồ điều tiết đã được UBND TP giao cho trung tâm nhưng do quy hoạch này liên quan đến nhiều vấn đề về đất đai, ngân sách... nên trung tâm rất cẩn trọng, tìm hiểu kinh nghiệm và tham khảo nhiều ý kiến trước khi lập kế hoạch.

Hiện trung tâm đã hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch xây dựng hồ điều tiết và đang chờ Sở Kế hoạch - Đầu tư duyệt phương án vốn để trình TP phê duyệt mới có thể lập đồ án chi tiết.

Tuy thống nhất về tính cần thiết của hồ điều tiết song vấn đề này vẫn còn gây nhiều tranh cãi và băn khoăn đối với các nhà quản lý cũng như các nhà khoa học.

Một chuyên gia trong ngành cấp thoát nước phân tích: Hiện diện tích đất tự nhiên không còn nhiều vì tốc độ đô thị hóa quá nhanh, nếu xây hồ điều tiết sẽ phải giải phóng diện tích mặt bằng lớn, tiền đền bù giải tỏa cao.

Giải quyết bài toán này, nhiều nước trên thế giới đã tận dụng hệ thống kênh rạch, sông ngòi vốn có để làm hồ điều tiết, hạn chế giải phóng mặt bằng.

Đề nghị không cấp phép san lấp kênh rạch

Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước đã kiến nghị TP dừng ngay và không cấp phép các dự án san lấp kênh rạch và thay bằng các đường cống để tiêu thoát nước. Đồng thời, TP cần mở rộng thêm kênh rạch nếu có điều kiện vì đây là nơi dự trữ nước lý tưởng. Ngoài ra, trung tâm cũng hướng đến xây dựng những hồ điều tiết ngầm trong nội thành để tích trữ nước như TP Barcelona của Tây Ban Nha đã làm với dung tích khoảng 100.000 – 150.000 m³.



DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động