“Chóng mặt” phí chung cư

Cập nhật 02/04/2009 08:25

Về phí chung cư, văn bản pháp quy đã có Luật Nhà ở, thông tư của bộ nhưng lại thiếu văn bản hướng dẫn của cấp TP. Vì vậy mà bây giờ đi tới chung cư nào, dường như câu chuyện thu phí cũng “nóng”. Đụng đâu cũng tiền khiến có cảm giác chung cư chỉ dành cho người giàu!?

Chỗ nào cũng đẻ ra tiền!

Chưa thu tiền nhưng đã “nóng”, vì bị “soi” từng li, đó là chung cư Hoàng Anh Gia Lai 2. Chủ đầu tư giao nhà cho khách hàng được 4 tháng, mới đây công ty “con” của Hoàng Anh Gia Lai “tạm” đưa ra mức phí, nhưng cư dân đã phản đối vì cho rằng quá cao.

Theo đó, mức phí cao nhất là 400.000 đồng cho căn hộ 3 phòng ngủ, gửi xe hơi là 600.000 đồng/tháng… Các hộ dân còn nêu lên những chuyện “mắt thấy” khác: công ty cho quảng cáo trong tòa nhà thu tiền về túi riêng, việc đặt bảng hiệu của công ty cũng phải trả tiền cho cư dân vì họ đã bỏ tiền mua tòa nhà…

Ông Lê Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai cho biết, đó chỉ là dự thảo và đang lấy ý kiến; còn mức thu thế nào, ai quản lý phải được người dân đồng ý. Những khoản thu đó sẽ phục vụ cho tòa nhà chứ không bỏ túi riêng, có kiểm toán thu chi rõ ràng.

Liên quan đến thu tiền quảng cáo, ông Lê Hùng giải thích: “Ở các tầng trên cao, sóng điện thoại di động bị yếu, chúng tôi cho đặt hệ thống khuếch đại, thu về mỗi năm 10.000 USD; cho đặt quảng cáo Gold Sun thu thêm 8 triệu đồng. Hai khoản này cũng nộp vào chi phí chung của tòa nhà. Riêng về bảng hiệu của công ty, đó là công trình ghi nhận dấu ấn của chúng tôi, chẳng lẽ không được để tên?”, ông Lê Hùng nói.

Chủ đầu tư cũng bày tỏ lo ngại, toàn bộ khoản thu liệu có đủ trang trải khi phải cõng cho 8 “đối tượng” bảo đảm vận hành chung cư thông suốt: bảo vệ, điện, cây xanh, thang máy, đổ rác, nước (tưới cây, hồ bơi), nhân viên bảo trì, hành chính!

Chưa hết, những nơi gọi là chung cư “cao cấp” thì phí dịch vụ cũng cao hơn. Tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, cách tính phí được chủ đầu tư đưa ra trọn gói, tùy thuộc “đẳng cấp” của từng khu phố. Thấp nhất là khu căn hộ Mỹ An, Mỹ Phước với 160.000 đồng/tháng.

Những khu có tiện ích nhiều hơn như Panorama có hồ bơi, sân quần vợt công viên nội khu là 413.000 đồng/tháng; đắt nhất là khu Grandview với mức phí lên đến 620.000 đồng/tháng. Nhưng sự khác biệt nhất là cách tính tiền của các dịch vụ.

Một cư dân ở khu phố Mỹ Khánh cho biết, tiền điện tính bằng đô la, nên giá thành lên xuống theo đô; rồi các loại khác giá cũng khá cao, như nước sinh hoạt thu 6.000 đồng/m³ thay vì 4.000 đồng/m³, truyền hình cáp đóng 360.000 đồng/tháng thay vì 60.000 đồng.

Kỳ quặc nhất là cho thuê… hành lang tại chung cư Tản Đà Court, phường 11, quận 5. Trước đó chủ đầu tư bán cho Ngân hàng Indovina 438m² tầng trệt làm văn phòng. Bên ngoài là hành lang đi lại, đương nhiên việc giao dịch vào khu văn phòng phải qua nơi này. Nhưng mới đây chủ đầu tư thông báo, sẽ mở quán cà phê, kinh doanh tại hành lang, nếu Indovina muốn có lối đi phải thuê lại hành lang mỗi tháng 1.200 USD!

Chưa hết, chủ đầu tư còn “bắt chẹt” bằng cách buộc Indochina phải đóng phí quản lý 5 USD/m² tháng, tương đương 2.300 USD/tháng, tức là phá vỡ cam kết ban đầu là bằng phí quản lý của cư dân trong tòa nhà 8.600 đồng/m²!

Riêng về giá giữ xe, cách tính mỗi nơi một kiểu, nhưng đặc biệt nhất là “bán luôn”. Tại Phú Mỹ Hưng một số khu được “bán” trọn gói, giá bán căn hộ bao gồm chỗ đậu xe ô tô được ghi sẵn trong hợp đồng. Nhưng cách “bán” chỗ đậu xe kiểu lạ đời nhất vẫn thuộc về chung cư Mỹ Vinh: khách hàng phải đóng tiền thế chân 25.000 USD cho một chỗ đậu xe hơi!?

Công ích hay kinh doanh?


Đối với phí quản lý chung cư, theo Luật Nhà ở, việc vận hành và sử dụng nhà chung cư được hưởng các chế độ như dịch vụ công ích. Thông tư 01 tiếp tục nêu rõ, phí quản lý theo bảng giá do UBND tỉnh thành quy định. Như vậy, có thể hiểu phí vận hành chung cư không phải là kinh doanh mà muốn hét giá nào cũng được!

Nhưng vấn đề ở đây, mức phí như thế nào bảo đảm tòa nhà hoạt động an toàn cũng như người sống trong chung cư chịu được? Hiện nay, Sở Xây dựng đề xuất thu phí đối với chung cư mới chia làm 4 loại, cao nhất là 9.000 đồng/m²/tháng, thấp nhất là 4.000 đồng/m²/tháng. Mức thu này thấp hơn so với phí mà các chung cư gọi là “cao cấp” đang tự thu, nhưng lại khá cao đối với chung cư dạng thấp.

Một chung cư hạng trung bình, nếu tính riêng về phí sẽ là 60m² x 4.000 đồng = 240.000 đồng/tháng, cộng thêm tiền xe cộ, điện nước sẽ là khoản không nhỏ đối với những người có thu nhập thấp! Nhưng dựa vào đâu để phân ra các loại chung cư, liệu các cơ quan chức năng tự thảo luận với nhau có đưa ra mức phí khoa học, phù hợp cho các đối tượng?

Một góc nhìn khác, nhiều người cho rằng việc chủ đầu tư can thiệp quá sâu sẽ không ổn. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, “lấn cấn” hiện nay rơi vào các chủ đầu tư sau khi xây dựng chung cư xong, không bán hết mà còn giữ lại một số diện tích văn phòng, khu thương mại. Khi đó họ áp đặt lên những cư dân là khách hàng đã mua chung cư từ các khoản thu phí cho đến lựa chọn đơn vị quản lý, điều này gây nên bức xúc cho người ở chung cư. Lẽ ra khi bàn giao nhà, chủ đầu tư nên hiểu rằng họ cũng chỉ là một trong những đồng sở hữu khác (những cư dân mua căn hộ). Do đó phải cùng ngồi lại bỏ phiếu công khai để áp mức phí nào cho phù hợp, chọn đơn vị nào để quản lý chung cư. “Làm như vậy là công bằng, sẽ giải tỏa được nhiều bức xúc đang xảy ra ở các chung cư”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.

Luật lệ phân giải còn thiếu, “văn hóa” chung cư chưa hình thành, có lẽ những mâu thuẫn liên quan đến chung cư vẫn còn xảy ra dài dài.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng