Hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế và giám sát dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai có tổng giá trị khoảng 156 tỷ đồng (khoảng 9,78 triệu USD) đã được ký chiều 5/11, tại Hà Nội, giữa đại diện Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Nhà thầu tư vấn China Engineering Consultants.
Theo hợp đồng, China Engineering Consultants sẽ làm các công việc gồm khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, trợ giúp đấu thầu xây lắp và mua sắm vật tư, phụ kiện đường sắt; đào tạo về quản lý dự án và điều hành chạy tàu; giám sát quá trình thi công xây lắp và bảo hành công trình. Thời gian thực hiện hợp đồng là 52 tháng.
Dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm nhất của Tổng công ty hiện nay, đã được Chính phủ xếp vào danh mục dự án, công trình giao thông trọng điểm.
Dự án gồm khôi phục, nâng cấp 73 cầu yếu và làm mới 6 cầu, cống hộp, nhà ga Mai Tùng; nâng cấp, cải tạo hệ thống kiến trúc tầng trên, đường ngang; nền đường toàn tuyến được gia cố thêm, đặc biệt chú trọng tới những điểm sụt trượt..., với tổng chi phí cho dự án là 160 triệu USD (tương đương 2.552 tỷ đồng), trong đó 21 triệu USD (tương đương 335 tỷ đồng) là vốn đối ứng của Việt Nam, còn lại là vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Cơ quan kinh tế Pháp (DGTPE).
Dự án được triển khai từ năm nay và dự kiến đến năm 2012 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần đảm bảo an toàn chạy tàu; đồng thời rút ngắn thời gian chạy tàu trên tuyến khoảng 70 phút và nâng cao năng lực vận tải trên tuyến Hà Nội - Lào Cai lên 5 triệu hành khách/năm và 7,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai là tuyến đường sắt quan trọng thứ hai của đường sắt Việt Nam sau tuyến đường sắt Thống nhất. Đây là tuyến giao thông chủ lực trong khu vực, kết nối với đường sắt Trung Quốc tại cửa khẩu Lào Cai, kết nối với các tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Hạ Long, Hà Nội-Đồng Đăng và là đoạn tuyến hết sức quan trọng của hành lang giao thông Đông Tây trong mạng lưới giao thông quốc gia và tiểu vùng Mekong mở rộng.
Do được xây dựng từ đầu thế kỷ 20 trên địa hình hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là sông Hồng, tuyến đường sắt dài 296 km này đang bắt đầu rệu rã. Không chỉ nền đường xấu, liên tục bị sạt lở mà ngay cả đầu máy chạy trên tuyến, hệ thống thông tin liên lạc cũng quá cũ.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN