Chọn lọc dự án để chia nhỏ căn hộ

Cập nhật 19/02/2013 08:25

Theo ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, tới đây Bộ sẽ xem xét lựa chọn dự án có quy mô, vị trí thích hợp để cho phép các chủ đầu tư được chia nhỏ diện tích. Phương án này sẽ không áp dụng tràn lan đối với tất cả các dự án.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép phân nhỏ các căn hộ phù hợp với quy hoạch để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ trong một thời gian ngắn, các chủ đầu tư sẽ được phép chia nhỏ các căn hộ diện tích rộng, giá trị căn hộ lớn thành những căn hộ vừa túi tiền của người dân hơn, từ đó kích cầu bất động sản.

Trên thực tế, kiến nghị của Bộ Xây dựng được đa số doanh nghiệp đồng tình. Bởi lẽ, chủ trương này không những góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện giúp người dân đô thị có thể có thêm nhiều lựa chọn hợp với túi tiền hơn. Tuy nhiên, để cụ thể hóa được chủ trương này rất cần có sự vào cuộc của các Bộ ban ngành liên quan.

Để nắm bắt rõ hơn về chủ trương này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trần Nam – Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

* Thưa ông, thời gian trước do chưa có chính sách chưa cụ thể nên các doanh nghiệp rất loay hoay trong việc chia nhỏ diện tích căn hộ. Việc xin chuyển đổi rất khó khăn. Vậy trong thời gian tới muốn để cho chương trình này đạt hiệu quả, ông nghĩ cần có những cú hích mạnh hơn?

Ông Nguyễn Trần Nam: Về chính sách, chủ trương của Chính phủ và các phương án tháo gỡ sẽ được đưa vào nghị quyết cụ thể như nghị định 607/NĐ-TTCP, nghị định nhà ở xã hội sắp được ban hành.

Hiện nay, vấn đề rất cần thiết phải triển khai trong đó có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, Sở ban ngành liên quan để giảm thủ tục hành chính, phiền hà cho doanh nghiệp. Đây cũng cần được coi là giải pháp cho các tỉnh thành phố tăng hoạt động của thị trường bất động sản lên, góp phần phát triển nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm.

Thứ hai, dù xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội cũng cần dòng vốn do vậy về phía ngân hàng, Thủ tướng đã có chỉ đạo cung ứng khoảng 20-40 ngàn tỷ đồng mỗi năm với lãi suất hợp lý để cho người mua vay tiền mua nhà. Riêng ngân hàng BIDV đã đi tiên phong trong việc này và cách đây 2 tháng, ngân hàng BIDV đã ký kết với Bộ Xây dựng, BIDV sẽ dành 30 ngàn tỷ đồng cho 3 năm 2013, 2014, 2015 cho vay dài hạn khoảng 65% cho người mua nhà thu nhập thấp, còn lại 35% tương ứng với 30.500 tỷ đồng mỗi năm được vay các doanh nghiệp phát triển nhà thu nhập thấp.

Nếu mà trình tự thủ tục thực hiện một cách nhanh, dòng tiền từ phía các ngân hàng sẽ sớm được giải ngân.Tôi hi vọng giải pháp chuyển hướng sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang trình một số đề nghị của các doanh nghiệp đang xin điều chỉnh quy mô, diện tích căn hộ. Bộ đã có văn bản gửi cho các địa phương, sở ban ngành Hà Nội, TPHCM và sẽ phối hợp với chính quyền thành phố này tháo gỡ nhanh chóng về vấn đề thủ tục chuyển đổi.

* Thưa ông, trước đây các dự án nhà ở thương mại có diện tích lớn vậy thì làm thế nào để có thể điều chỉnh diện tích nhỏ hơn, phù hợp với mục đích làm nhà ở xã hội?

Chủ trương này không phải cho tất cả các dự án nhà ở xã hội, ở đây Bộ Xây dựng chỉ lựa chọn dự án có quy mô, vị trí thích hợp chứ không phải tất cả và đối với dự án này. Chúng ta cũng phải chấp nhận tạm thời việc dân số có thể tăng lên nhưng ở mức độ có thể chấp nhận được. Trong quy mô toàn khu vực thành phố thì việc chia căn hộ diện tích to hay nhỏ không làm tăng dân số vì dân số thành phố vẫn ổn định như thế.

Hiện nay một số chính sách được thực hiện sẽ chủ yếu tập trung giữa năm 2013 trở đi, vậy nhiều người đang kỳ vọng giá nhà ở trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm. Vậy, theo ông, thị trường bất động sản có thể hấp thụ hết được không?

Vừa qua, các tỉnh, TP đặc biệt HN, TPHCM cấp phép các dự án rất ồ ạt và không cân đối nguồn lực, không cân đối thời gian, tiến độ, nguồn lực để thực hiện các dự án rất lớn mà các doanh nghiệp không thể có được nên mới gây ra tình trạng thừa dự án. Vì vậy, Bộ Xây dựng đang xem xét dừng, tạm hoãn một số dự án mới ở mức độ chưa giải phóng xong mặt bằng, hoặc đã đền bù giải phóng toàn bộ nhưng không có đủ vốn để triển khai xây dựng hạ tầng. Cho phép chủ đầu tư các dự án này chuyển đổi tạm thời mục đích sử dụng sang mục khác để có thể khai thác kinh doanh trong thời gian tạm dừng. Như chuyển sang sư dụng làm sân thể dục thể thao hay các khu kinh doanh thương mại khác....tránh lãng phí đất đai. Đây là biện pháp để hạn chế nguồn cung ra thị trường.

Thứ hai, chuyển một số dự án thương mại sang nhà ở xã hội, các dự án nhà thu nhập thấp, sang quy mô nhỏ và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2

Thứ ba, cho phép chính quyền địa phương cho phép các dự án có vị trí thích hợp, có thể dùng tiền ngân sách để mua lại các dự án nhà ở thương mại với hạ tầng xã hội, kỹ thuật đã có sẵn. Thay vì trước đây các địa phương dùng tiền ngân sách để xây dựng nhà tái định cư.

Xin cám ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia