Cho xây dựng tạm trong dự án “treo”

Cập nhật 11/04/2014 08:45

Công trình xây dựng tạm vẫn được bồi thường khi dự án triển khai chậm.

Thảo luận về dự án Luật Xây dựng sửa đổi tại hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách ngày 10-4, nhiều ý kiến ủng hộ quy định cấp phép xây dựng tạm trong vùng dự án treo để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất không bị “treo” theo dự án. Đồng thời, các ý kiến cũng đề nghị bổ sung quy định bồi thường cho công trình xây dựng tạm như công trình được cấp phép xây dựng chính thức khi dự án triển khai chậm.

Theo dự thảo luật, những khu vực thuộc khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ được cấp giấy phép xây dựng tạm. Hết thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng thì chủ đầu tư phải tự phá dỡ công trình và không được bồi thường.

Nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ việc cấp phép xây dựng tạm trong vùng dự án “treo” để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất. Ảnh: HTD

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay việc bổ sung quy định trên là hết sức cần thiết. Vì lâu nay có một hạn chế là chúng ta cứ quy hoạch và người dân sống trong khu vực đó không thể làm gì được, rất lãng phí. “Lần này Ban soạn thảo quyết tâm đưa vào quy định giấy phép xây dựng tạm hoặc giấy phép xây dựng có thời hạn để giải quyết vấn đề đó. Ví dụ với dự án được quy hoạch cho 20 năm tới thì vẫn có thể cấp phép cho xây dựng có thời hạn 5-10 năm. Điều này sẽ tạo điều kiện cho người dân sản xuất kinh doanh trong khi chờ dự án” - ông Dũng nói.

Đồng tình với quy định trên, ĐB Huỳnh Thành Lập (TP.HCM) cho rằng người dân nhiều nơi rất khổ sở vì dự án treo, có nơi treo năm năm, 10 năm thậm chí 20 năm. Điều này khiến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất bị xâm phạm, có đất mà cũng không được làm gì. Vì thế quy định cấp giấy phép xây dựng tạm là phù hợp, bảo đảm được quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên, theo ông Lập nên quy định thời hạn cấp giấy phép xây dựng tạm phù hợp với thời gian dự kiến dự án được triển khai. “Nếu dự án được thực hiện sớm hoặc đúng quy hoạch thì người dân sẽ phải tự tháo dỡ và không được bồi thường. Còn nếu dự án triển khai chậm, khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thì phải bồi thường cả công trình trên đất như với công trình được cấp phép chính thức” - ông Lập đề xuất.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng tán thành với những ý kiến trên nhưng đề nghị cần xem xét cấp giấy phép xây dựng tạm cho dân trong vùng dự án treo nhưng phải gắn liền điều kiện công trình như quy mô, diện tích chiều cao.

Trước đó nhiều ý kiến cũng đề nghị nghiên cứu lại thời gian quy hoạch sao cho phù hợp chứ kéo dài quá sẽ gây ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đối với quy hoạch xây dựng vùng và khu chức năng đặc thù thì thời hạn quy hoạch 20-25 năm, quy hoạch xây dựng vùng tầm nhìn đến 50 năm như dự thảo luật là phù hợp. Đồng thời, để bảo đảm kiểm soát việc thực hiện theo quy hoạch được duyệt và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, dự thảo luật đã bổ sung quy định về việc rà soát quy hoạch theo định kỳ.

Không lợi nhuận thì ai làm công chứng?

Cùng ngày, các ĐB chuyên trách cũng đã thảo luận về dự án Luật Công chứng sửa đổi. các ĐB tiếp tục thể hiện sự băn khoăn về nguyên tắc hành nghề công chứng “không vì mục đích lợi nhuận” hay vẫn vì lợi nhuận. Luồng ý kiến thứ nhất thì cho rằng vì hoạt động công chứng trước hết là nhằm giúp Nhà nước bảo đảm cung cấp dịch vụ công cho xã hội, phải đặt tính chất phục vụ lên hàng đầu chứ không thể sử dụng các lợi thế này phục vụ mục đích kiếm lợi nhuận như các hình thức kinh doanh, dịch vụ thông thường. Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng văn phòng công chứng hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, không có sự bao cấp của Nhà nước nên dù cung cấp dịch vụ công ích thì hoạt động của tổ chức này cũng không thể không tính đến yếu tố lợi nhuận. “Làm công chứng cũng phải vì sinh nhai mới làm chứ đâu phải thừa vật chất rồi làm cho vui” - ĐB Trần Ngọc Vinh nói.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thì nhấn mạnh nếu yêu cầu các văn phòng công chứng đều phải phi lợi nhuận thì sẽ không ai làm. Do đó ông Thuyền kiến nghị nên ghi vào dự thảo luật nguyên tắc lợi nhuận là để đầu tư phát triển chứ không được chia nhau.

Về quy định công chứng viên phải chịu trách nhiệm liên đới nội dung bản dịch, ông Thuyền cho rằng quy định trên là chưa phù hợp. “Nhiều công chứng viên nói với tôi rằng họ sợ quy định này lắm. Bởi họ chỉ biết công chứng, chứng thực về hình thức chứ đâu biết nội dung bản dịch như thế nào. Việc dịch đúng hay sai thì người dịch phải chịu trách nhiệm chứ, công chứng có dịch đâu mà biết” - ông Thuyền nói. ĐB Nguyễn Sỹ Cương - Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng không nên đưa quy định công chứng viên chịu trách nhiệm liên đới nội dung bản dịch mà chỉ chịu trách nhiệm về phần tiếng Việt trong văn bản.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật TP