Vào thị trường phải chấp nhận luật chơi, thắng thì tiền bỏ túi, thua chấp nhận mất tiền. Hỗ trợ thị trường khi mà giá bất động sản vẫn đang quá cao chắc chắn tiếp tục củng cố niềm tin cho các cơn sốt bất động sản tiếp theo.
>> Gói 30.000 tỷ đồng có "bơm" cho doanh nghiệp địa ốc?
Đó là một số ý kiến của chuyên gia, DN BĐS tại hội thảo “Khả năng phục hồi thị trường BĐS” sáng 9/5.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Thành viên HĐQT Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản hiện rơi vào khoảng 250 ngàn tỷ đồng. Trong đó 58% là các khoản nợ có tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Thông tin từ một số công ty tư vấn cho biết, hàng tồn kho bất động sản hiện chiếm khoảng 140 ngàn tỷ giá trị hàng tồn kho hiện tại. 140 ngàn tỷ sản so với 250 nghìn tỷ nợ xấu có liên quan đến bất động sản có nghĩa là hàng tồn kho chiếm phần lớn số nợ xấu.
Như vậy, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, phải giải quyết được nợ xấu mới giải quyết được hàng tồn kho, giải phóng được hàng tồn kho thì sẽ giải phóng được thị trường bất động sản.
Trong khi GS. TSKH Đặng Hùng Võ nêu quan điểm, để thực hiện tốt
Nghị quyết 02 về giải quyết khó khăn cho nền kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương cũng như địa phương cần tôn trọng nguyên tắc minh bạch và công bằng.
"Mọi tư duy về tư lợi đều làm hại chung cho thị trường bất động sản đang yếu ớt hiện nay”, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chốt lại.
Luật sư Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC lại lạc quan khi từ ngày 1/7/2013, Quỹ đầu tư bất động sản sẽ chính thức đi vào hoạt động. Đây là tâm điểm chú ý cho các nhà đầu tư cả cá nhân, tổ chức tham gia thị trường bất động sản bởi tính hấp dẫn của mô hình này.
Theo quy định thì quỹ đầu tư bất động sản phải dành tối thiểu 90% lợi nhuận thực hiện trong năm để chi trả lợi tức cho nhà đầu tư. Với khung pháp lý điều chỉnh, giám sát chặt chẽ, thu nhập từ quỹ đầu tư bất động sản mang lại rất cao và tương đối ổn định, mức tăng trưởng giá trị tài sản trong dài hạn hấp hẫn hơn nhiều so với các loại quỹ cổ phiếu, trái phiếu. Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của các quỹ đầu tư trên thế giới trong thời gian tới.
Nhận định về tác dụng của "gói giải cứu" 30.000 tỷ, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, gói tín dụng hiện tại 30.000 tỷ, lãi suất cố định 6% cho 3 năm, thời gian trả nợ là 10 năm, là vẫn chưa hợp lý, nó chưa đủ để tạo lòng tin cho người mua nhà. Ở Mỹ hiện tại, tín dụng cho mua 1 căn nhà cho thời gian 30 năm lãi suất là 3,37% cố định cho 30 năm. Chúng ta nên kéo lãi các khoản vay này xuống dưới 6% với thời gian cố định lãi suất lên 15 năm, 20 năm, thậm chí là 30 năm.
"Nếu những biện pháp của Chính phủ, Quốc hội được các cơ quan chức năng vào cuộc một cách mạnh mẽ; các ngân hàng thương mại xây dựng được những sản phẩm tín dụng hợp lý để người dân ngoài kia có thể mua nhà được".
"Nếu tất cả các chuyện đó đồng thời xảy ra vào ngày mai thì thị trường bất động sản có khả năng phục hồi lại đôi chút vào năm 2014. Nếu không, cuộc khủng hoảng có thể kéo dài 3 năm, 5 năm", ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Đứng ở góc độ DN, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết thẳng thắn cho rằng, việc hỗ trợ thị trường khi mà giá bất động sản vẫn đang quá cao chắc chắn tiếp tục củng cố niềm tin cho các cơn sốt bất động sản tiếp theo.
“Hỗ trợ thị trường bất động sản cần đặt song song với nhiệm vụ tái cấu trúc thị trường. Cần phải có sự thanh lọc tự nhiên các doanh nghiệp có năng lực quản lý và tài chính yếu kém để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh hơn, quan tâm hướng đến lợi ích khách hàng”, ông Quyết tỏ rõ lập trường được nhiều người ủng hộ.
DiaOcOnline.vn -Theo Infonet