Thời điểm này năm trước là lúc người dân đổ xô, thậm chí chen nhau mua căn hộ. Nhưng hiện tại thị trường bất động sản (BĐS) lại trầm lắng với số lượng giao dịch thành công vô cùng ít ỏi. Thật trớ trêu đây cũng là thời điểm phải trả khoản vốn mà các ngân hàng đã cho vay để đầu tư BĐS thời điểm này năm trước. Ngân hàng và nhà đầu tư BĐS đang ở tình thế "nước đến chân...".
Khó đủ bề
Số liệu đã được công bố cho hay, tính đến nay tổng dư nợ vốn cho vay đầu tư BĐS của các ngân hàng thương mại (NHTM) và tổ chức tín dụng trong cả nước là khoảng trên 115.000 tỷ đồng, chiếm 9,5% tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế.
Số vốn đầu tư vào BĐS lớn tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM, chiếm khoảng 75% tổng dư nợ cho vay BĐS trong cả nước. Cụ thể Hà Nội chiếm 15%, tương ứng với khoảng 18.500 tỷ đồng và TP.HCM chiếm khoảng gần 60%, tương ứng với trên 68.000 tỷ đồng. Các địa phương khác cũng có số vốn cho vay bất động sản khá là Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu…
Nếu phân tích riêng TP HCM, nơi thị trường BĐS phát triển nóng nhất cả nước cách đây khoảng 1 năm và cũng là thị trường BĐS lớn nhất sẽ cho thấy rõ tình trạng nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng lên khá mạnh.
Trong năm 2008 có 151 dự án ở TP HCM có nhu cầu vay vốn và được các NHTM cam kết cho vay 14.300 tỷ đồng. Đến hết tháng 10/2008 các dự án đã giải ngân được 9.300 tỷ đồng; trong đó có 56 dự án đã giải ngân hết vốn vay, 95 dự án đang giải ngân song trong số đó có 57 dự án có mức cho vay thêm dưới 10 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay BĐS tại TP.HCM tập trung chủ yếu vào các nhóm đối tượng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh 5.647 tỷ đồng; khu công nghiệp – khu chế xuất 1.380 tỷ đồng; đô thị mới 6.093 tỷ đồng; cao ốc cho thuê 5.773 tỷ đồng; trung tâm thương mại 2.439 tỷ đồng; xây dựng và sửa chữa nhà ở của người dân 18.000 tỷ đồng; xây dựng và sửa chữa nhà để bán 9.587 tỷ đồng; thế chấp quyền sử dụng đất 5.571 tỷ đồng; kinh doanh BĐS khác là 6.237 tỷ đồng,…
Trong số các dự án đầu tư BĐS nói trên thì có ba lĩnh vực rất đáng quan tâm, đó là đầu tư xây nhà và sửa chữa nhà để bán, thế chấp quyền sử dụng đất và kinh doanh BĐS khác. Riêng 3 lĩnh vực này có số dư nợ lên đến 21.400 tỷ đồng.
Nếu như chỉ cần 1/3 số vốn của ba lĩnh vực này khách hàng không trả nợ đúng hạn thì sẽ có khoảng 7.500 tỷ đồng sẽ chuyển thành nợ quá hạn. Như vậy tổng số nợ xấu trên địa bàn TP HCM sẽ lên tới gần 5% tổng dư nợ, chạm ngưỡng tỷ lệ nợ xấu đáng lo ngại trong hoạt động ngân hàng theo thông lệ quốc tế.
Điều này rất dễ xảy ra. Bởi vì thời điểm cuối năm 2007 và đầu năm 2008 là lúc thị trường BĐS trong cả nước nói chung và ở TP HCM nói riêng phát triển nóng, giá cả tăng cao, nhu cầu mua đi bán lại nhà đất rất sôi động. Cũng chính tại thời điểm này dư nợ cho vay BĐS tăng cao tại các NHTM, nhất là một số NHTM cổ phần. Các khoản cho vay phần lớn là có kỳ hạn 1 năm.
Song hiện nay đã là cuối năm 2008 và chuẩn bị đầu năm 2009, tức là đến thời điểm nhiều hợp đồng vay vốn đầu tư BĐS đến kỳ hạn phải trả nợ gốc và lãi. Trong khi đó nguồn trả nợ vốn vay phần lớn là tiền bán nhà, bán đất phân lô, bán căn hộ, cho thuê nhà,… Nhưng hiện nay giá BĐS ở TP.HCM, Hà Nội, nhiều nơi khác, giảm mạnh. Có nhiều dự án giá giảm tới 30% - 40%, thậm chí cá biệt có nơi giảm tới 50%.
Tính đến nay, tổng nguồn vốn huy động của các NHTM và TCTD trên địa bàn TP.HCM đạt 588.000 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm 2008; Dư nợ cho vay đạt 446.000 tỷ đồng, tăng 19,6% so với đầu năm 2008. Riêng dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 207.500 tỷ đồng, chiếm 42% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay chứng khoán giảm từ 3% tổng dư nợ thời điểm đầu năm xuống còn 1%. Cho vay bất động sản từ 26,59% giảm xuống còn 15,48%. Nợ xấu chiếm 2,14% tổng dư nợ.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet