Chờ tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực xây dựng

Cập nhật 14/12/2017 10:34

Các văn bản pháp luật về xây dựng tại nước ta đã khá đầy đủ, góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho DN. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động cũng đã có thấy nhiều bất cập, khiến các DN đòi hỏi phải có những sửa đổi để hợp lý hơn.


Doanh nghiệp xây dựng cần môi trường kinh doanh và thủ tục, chi phí đơn giản hơn, thông thoáng hơn. Ảnh: H.Dịu.

Sửa những bất cập

Trong lĩnh vực xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản, đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở… được quy định tại 4 bộ luật là Luật Xây dựng năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Các bộ luật này đã giúp giảm tối đa thủ tục hành chính, hồ sơ và chi phí cho DN; các điều kiện đầu tư kinh doanh cũng được rà soát, đơn giản hóa.

Tuy nhiên, theo bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng, quá trình thực hiện 4 bộ luật trên đã bộc lộ một số bất cập, không phù hợp với thực tiễn; một số quy định về đất ở, chủ trương đầu tư chưa đảm bảo thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan... Do đó, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 bộ luật trên, cùng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Theo đó, các văn bản pháp luật trên sẽ đơn giản hóa nhiều thủ tục liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Tiêu biểu như: Mở rộng đối tượng công trình miễn giấy phép xây dựng; đơn giản hóa điều kiện cấp giấy phép xây dựng, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng; bãi bỏ 4 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện… Bà Hạnh cho biết, dự kiến việc rà soát điều kiện kinh doanh theo các dự thảo luật trên sẽ giúp bãi bỏ 41,3% điều kiện, đơn giản hóa 43,7% điều kiện đầu tư kinh doanh.

Trước những thay đổi này của Bộ Xây dựng, các DN và chuyên gia đều bày tỏ sự đồng tình và phấn khởi, bởi nhiều điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng đang bó buộc hoạt động của DN.

DN còn phải "bôi trơn" nhiều

Mặc dù bày tỏ sự đồng tình trước tinh thần cầu thị và sửa đổi của Bộ Xây dựng, nhưng các chuyên gia và DN vẫn đưa ra nhiều ý kiến với mong muốn các văn bản pháp luật phù hợp nhất với yêu cầu hoạt động của DN. Trong đó vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất là về nội dung giấy phép xây dựng.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, hiện nay không có quy định về việc kiểm tra cá nhân, tổ chức sử dụng giấy phép xây dựng. Vì thế, các vi phạm về giấy phép xây dựng là phổ biến nhưng chỉ khi nào truyền thông, báo chí phát hiện thì cơ quan chức năng mới vào cuộc. “Bản thân cơ quan chức năng không phát hiện ra những điều đó, nhất là khi cấp dưới đã bôi trơn thì muốn lên mấy tầng thì lên, tôi nghe ở một thành phố nọ, giá “lót tay” để muốn lên thêm một tầng là 25.000 USD. Những việc như vậy người quản lý phải biết và ngăn chặn”, ông Liêm cho hay.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, đại diện Hiệp hội Nhà thầu cho rằng cần điều chỉnh giấy phép xây dựng cho phù hợp với thực tiễn. Vì hiện nay, nội dung giấy phép theo quy định thì chỉ cần sửa nhà vệ sinh từ chỗ này sang chỗ kia là phải xin phép, điều chỉnh giấy phép, mà rõ ràng đây là công trình nằm trong quyền sử dụng đất của người dân.

Liên quan đến lĩnh vực quảng cáo, ông Trần Hùng, đại diện Hiệp hội Quảng cáo cho rằng, sau Luật Quảng cáo có rất nhiều vướng mắc trong xây dựng nhưng Hiệp hội chưa nhận được phản hồi từ Bộ Xây dựng. Đặc biệt là quảng cáo ngoài trời đi vào bế tắc hơn bởi 2 vấn đề. Một là cấp phép công trình xây dựng quảng cáo, hai là Luật Đất đai kèm theo là vấn đề quy hoạch. Do đó, hầu hết công trình quảng cáo làm theo Luật Quảng cáo, Luật Xây dựng... nhưng vẫn vi phạm khiến nhiều DN phải làm chui hoặc phải thêm khoản phí “bôi trơn” và phí sẵn sàng chịu phạt. “Hà Nội và TP.HCM đã 4 năm rồi nhưng chưa có quy hoạch quảng cáo trong khi đó lại có yêu cầu dừng quảng cáo đợi quy hoạch mới được làm”, ông Hùng bức xúc cho biết.

Rõ ràng, các quy định pháp luật hiện nay trong lĩnh vực xây dựng vẫn còn chồng chéo, chưa theo kịp hoạt động kinh doanh của DN, do đó, DN và các chuyên gia mong muốn các cơ quan quản lý, cơ quan xây dựng pháp luật phải tiếp thu ý kiến của DN, để có những thay đổi hợp lý, đáp ứng đúng yêu cầu của DN.

DiaOcOnline.vn - Theo Hải quan