Cho phép người nước ngoài mua bất động sản du lịch: Chưa chắc “cửa mở mà đô la đã vào"

Cập nhật 13/08/2020 10:22

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) vừa có văn bản kiến nghị chưa cho phép người nước ngoài mua và sở hữu bất động sản du lịch bao gồm căn hộ, biệt thự và nhà phố.

Các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng thường có vị trí đắc địa (Ảnh: Dự án Cocobay Đà Nẵng)

Tại văn bản số 82/2020/CV-HoREA gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM mới đây, HOREA đã có nội dung kiến nghị chưa cho phép người nước ngoài mua và sở hữu căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà phố du lịch (condotel). "Trường hợp người nước ngoài có nhu cầu đầu tư vào các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ condotel, thì thực hiện theo phương thức đầu tư tài chính theo quy định của Luật Đầu tư" - Văn bản của HOREA nêu rõ.

Trước đó, ngày 25/7, HOREA cũng có văn bản số 74/2020/CV-HoREA kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chỉ đạo xây dựng hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh loại hình dự án căn hộ du lịch (Condotel).

Đối với việc người nước ngoài được phép mua loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, vừa qua đã có nhiều ý kiến ủng hộ việc cho phép bởi đây có thể coi là một hình thức xuất khẩu tại chỗ, thu hút dòng vốn ngoại giúp “hâm nóng” thị trường trong nước vốn đang gặp nhiều khó khăn do đà đi xuống của chu kỳ phát triển bùng nổ và đặc biệt là do đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó cũng có một số nhận định bày tỏ lo ngại về việc chưa chắc “cửa mở mà đô la đã vào" khi mà những tồn tại, vướng mắc về pháp lý vẫn chưa trao cho loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng một định danh chính xác. Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về nguy cơ mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.

Dù chưa đánh giá được tiềm năng của việc người nước ngoài sẽ mua bất động sản căn hộ du lịch nghỉ dưỡng khi được cho phép nhưng HOREA cũng cho rằng từ khi quy định cho phép người nước ngoài được mua nhà chung cư tại Việt Nam cũng chưa chứng kiến một sự bùng nổ như kỳ vọng.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HOREA phân tích, phần lớn người Châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, Nhật Bản… thường lựa chọn thuê nhà. Người nước ngoài có xu hướng mua nhà thường đến từ một số nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong, Singapore.
Thực tế cho thấy người nước ngoài thường có xu hướng chọn thuê nhà hơn mua sở hữu. Ảnh: KĐT Ciputra Hà Nội

Còn trao đổi với DĐDN, đại diện sàn BĐS Tân Long chia sẻ tại khu vực lân cận khu đô thị Ciputra, các khách hàng là chuyên gia Hàn Quốc, Nhật Bản đến Hà Nội và các tỉnh lân cận chủ yếu lựa chọn hình thức thuê nhà, hiếm hoi lắm mới có một trường hợp Việt kiều hỏi mua nhà nhưng thường giao dịch cũng không thành công. Theo số liệu mà HOREA dẫn chứng mới đây thì trong 10 năm (2009-2019) có khoảng 5.000 dự án nhà ở với 3.774.000 căn nhà, bình quân mỗi 05 năm phát triển được khoảng 787.000 căn nhà. Như vậy, nếu so sánh với số lượng mà HOREA ước tính ở mức khoảng 16.000 căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong 05 năm (2015-2020) tính từ thời điểm Luật nhà ở 2014 có hiệu lực, thì chỉ chiếm tỷ lệ 2% tổng số nhà ở. Như vậy, sau khoảng 5 năm được cho phép sở hữu nhà chung cư tại Việt Nam thì việc kỳ vọng sẽ có sự bùng nổ làn sóng người nước ngoài, Việt kiều mua nhà tại Việt Nam có thể nói đã không thành hiện thực.

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN