Cho phép lập lại quy hoạch hai bên Sông Hồng

Cập nhật 14/05/2018 08:51

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Nguyễn Đức Chung cho biết, Chính phủ đã đồng ý lập lại quy hoạch hai bên sông Hồng.

Thông tin trên được Chủ tịch UBND thành phố cho biết tại buổi tiếp xúc cử tri của đoàn ĐBQH Hà Nội, ngày 13/5.

Trong đó có hai cấu phần, một là quy hoạch việc thực hiện phân lũ, dự kiến trình HĐND thông qua vào tháng 7 tới. Hai là quy hoạch sông Hồng.


Hà Nội từng có ý tưởng đẩy đê ra sát bờ sông. Ảnh: Internet

"Khi hai quy hoạch này xong, sẽ tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực hai bên sông Hồng. Trong lúc chờ quy hoạch, vẫn tiếp tục nâng cấp, sửa sang các tuyến đường, trường học các khu vực có tuyến sông nhằm phục vụ nhân dân", tờ Tiền phong dẫn lời ông Chung nói.

Mặc dù vậy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng thừa nhận, việc cải tạo này cũng chưa đáp ứng được mong mỏi thực tế.

Ngoài ra, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết thêm, kế hoạch xây dựng cầu vượt kết nối đường Yên Phụ, cùng 4 cửa khẩu sẽ tạo ra hệ thống giao thông đồng bộ.

Đặc biệt, Hà Nội đang thực hiện thiết kế hai tuyến đường chạy dọc hai bờ sông Hồng, sau khi hoàn thành sẽ có sự kết nối tốt hơn.

Đừng mắc sai lầm

Trước đó, Hà Nội cũng cho biết đang tái khởi động nghiên cứu quy hoạch hai bên sông Hồng, có sử dụng kinh phí tài trợ của 3 tập đoàn bất động sản.

Trong đó, có cấu phần "rà soát, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội" cũng gây nhiều sự chú ý.

Theo kết quả dự án được xây dựng trên cơ sở Quyết định số 257, không gian thoát lũ sẽ nằm giữa hai tuyến đê chính và không cho phép xây dựng đê bối mới. Số hộ dân cần di dời để phục vụ dự án là 2.206 hộ.

Quy hoạch đề xuất cho phép nghiên cứu, xây dựng ở 20 bãi sông với tổng diện tích 3.904ha. Mật độ xây dựng được giới hạn ở mức 15% cho 2 bãi và 5% cho các bãi còn lại.

Trao đổi với Đất Việt, TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) bày tỏ nhiều lo ngại. Ông nói thẳng, vì không chung sống được với lũ nên mới phải làm đê.

"Cha ông đã mất hàng nghìn đời làm những con đê đất trên một nền phù sa rộng và khả năng đảm bảo an toàn, giữ được ổn định tương đối lớn. Nhưng hiện nay, con người ngày càng đông lên, đô thị phát triển, các bãi sông bị lấn hết khiến khi có lũ vô cùng nguy hiểm vì không có không gian thoát lũ.

Bây giờ đề xuất làm đê mới, lại làm trên bãi sông thì tôi không hiểu làm kiểu gì? Tiền đâu để làm? Mà không phải làm một chỗ,  nếu co lại, phía hạ lưu nối với nhau như thế nào?

Mặt khác, khi co hẹp lòng dòng chảy lại, người ta không lường hết được những nguy hiểm có thể xảy ra. Tháng 10 vừa qua Hà Nội đã bị một trận, may mà hồ chứa không xả nữa do mưa dừng lại ở một mức nhất định, nếu không, khi vượt trên mức báo động 3, hồ chứa ở trên xả xuống thì ngập mênh mông khắp nơi. Giờ tính chuyện co đê lại, gặp phải tình huống ấy thì vô cùng nguy hiểm", TS Tứ thẳng thắn.

Không vội vã triển khai quy hoạch hai bên bờ sông Hồng

Vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng, làm đê mới sẽ vô cùng tốn kém.

"Tôi chưa bao giờ thấy xã hội hóa làm đê bao giờ. Người ta muốn co đê lại chẳng qua do nhìn thấy mảnh đất ở giữa sông rất rộng.

Khi tôi đi Hàn Quốc, thấy ở hai bên sông họ làm hệ thống công trình vui chơi giải trí không cản trở, tác động nhiều đến dòng chảy mà vẫn được một không gian rộng. Còn bây giờ Hà Nội đòi co đê lại, vậy co đến bao nhiêu thì vừa, bên ngoài lại tạo áp lực rất lớn cho việc giữ gìn đê.

Hiện nay chúng ta để hành lang thoát lũ để khi lũ về còn có đường chạy, mấy đập ở trên đang còn bình thường, nhưng thiên tai bất thường, nếu xảy ra chuyện, khi ấy sẽ là tai họa. Lúc ấy biết đổ cho ai, còn con cháu sẽ phải hứng chịu", vị chuyên gia nhấn mạnh.


DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt