Trước nay, theo Nghị định 180 năm 2007, công trình gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ công trình lân cận thì phải ngừng thi công xây dựng cho tới khi hoàn tất việc bồi thường thiệt hại.
Quy định này đã khiến không ít công trình gần như “chết cứng” do không thỏa thuận được.
Mới đây, Cục Giám định nhà nước (Cục Giám định) về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) có Công văn số 561 hướng dẫn cách giải quyết chuyện trên. Theo văn bản, việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì có quyền khởi kiện ra tòa. Công trình đang thi công gây sự cố vẫn có thể được tiếp tục thi công dù chưa hoàn tất việc bồi thường nếu thỏa mãn hai điều kiện sau: Thứ nhất, chủ đầu tư phải có phương án thi công an toàn, không để sự cố tiếp diễn, được tổ chức tư vấn có năng lực thẩm tra, xác nhận việc thi công liên tục không mất an toàn cho cả công trình lân cận. Thứ hai, việc đền bù do tổ chức bảo hiểm chịu trách nhiệm.
Văn bản hướng dẫn của Cục Giám định còn mở rộng thêm đường cho chủ đầu tư trong trường hợp không được cơ quan chức năng cho phép thi công trở lại. “Nếu quá thời hạn giải quyết, chủ đầu tư khởi kiện cơ quan chức năng về quyết định hành chính buộc công trình ngừng thi công. Sau khi bản án của tòa có hiệu lực và cho chủ đầu tư nộp tiền bảo chấp (được “người trong nghề” hiểu nôm na là khoản tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ với bên bị thiệt hại, trong các quy định pháp luật không có thuật ngữ này -PV) theo dự toán khắc phục đã được thẩm tra thì cơ quan có thẩm quyền sẽ cho phép tiếp tục thi công công trình”.
Hướng dẫn trên thoạt nghe thấy cực thoáng nhưng đi vào từng khía cạnh mới thấy “khó xơi”!
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, hiện pháp luật không bắt buộc công trình xây dựng phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho bên thứ ba. Luật Xây dựng cũng chỉ nói nghĩa vụ của chủ đầu tư là “mua bảo hiểm công trình”. Thông tư 76 năm 2003 của Bộ Tài chính về bảo hiểm đầu tư và xây dựng thì có quy định bảo hiểm trách nhiệm dân sự với người thứ ba là bắt buộc, không phân biệt nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, Thông tư 76 trên hướng dẫn Nghị định 52 năm 1999, Nghị định 12 (sửa đổi, bổ sung) năm 2000 về quản lý đầu tư xây dựng. Nhưng hai nghị định này đã bị thay thế bởi Nghị định 16 năm 2005. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì thông tư trên xem như hết hiệu lực. Tuy nhiên, nếu theo cách gỡ vướng của Cục Giám định thì chủ đầu tư có khả năng bồi thường và tự thực hiện nhưng không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho bên thứ ba, dù pháp luật không bắt buộc thì cũng không được thi công tiếp?
Riêng việc được tiếp tục thi công sau khi có phán quyết của tòa. “Thời gian chờ tòa xử xong thì không phải là chuyện ngày một, ngày hai nên thời gian ngưng thi công vẫn kéo dài như cũ” - ông Hiệp nhận xét. Lại nữa, theo một chuyên viên Phòng Quản lý chất lượng Sở Xây dựng TP.HCM, chưa có quy định về “thời hạn giải quyết” cho công trình thi công tiếp tục nên khó có căn cứ để chủ đầu tư khởi kiện cơ quan chức năng. “Chưa kể, vụ kiện này là giữa chủ đầu tư và cơ quan chức năng về quyết định hành chính, không liên quan đến bên bị thiệt hại thì việc nộp tiền “bảo chấp” cho tòa án liệu có tréo cẳng ngỗng?” - vị này thắc mắc.
Ông Nguyễn Văn Hiệp cho biết sẽ tiếp tục trao đổi thêm với Bộ Xây dựng để làm rõ những vấn đề trên.
>Gây nứt nhà lân cận vẫn được thi công tiếp
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP