Chợ Hà Nội sẽ xây dựng lại thành tổ hợp chợ - trung tâm thương mại

Cập nhật 07/07/2007 09:00

Thông tin từ Sở Thương mại Hà Nội cho biết: trong thời gian tới, hầu hết các chợ trong nội thành Hà Nội sẽ được xây dựng lại thành các tổ hợp chợ - trung tâm thương mại, đáp ứng nhu cầu phát triển mới, tạo ra bộ mặt kinh doanh văn minh - hiện đại.

Theo ông Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng quản lý thương mại, Sở Thương mại Hà Nội: việc triển khai xây dựng lại các chợ phải đến đầu năm 2008 mới thực hiện đươc vì còn đang trong quá trình thống nhất quy hoạch, xây dựng phương án kiến trúc, chuẩn bị thủ tục, kêu gọi đấu thầu.

Trước mắt, Sở Thương mại đang phối hợp với các Sở, ngành, UBND các Quận lựa chọn chủ đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp đã được chọn triển khai thủ tục đầu tư xây dựng một số Trung tâm thương mại hiện đại gắn với chợ như: Hàng Da, Hôm - Đức Viên, Cửa Nam, 19/12, Mơ, Ngã Tư Sở.

Về chợ Hàng Da, liên danh giữa Công ty CP xây dựng Sông Hồng và Cty CP Fivimart đã trúng thầu. Tại chợ Hàng Da sẽ xây dựng một trung tâm thương mại - chợ hiện đại với 2 tầng hầm, 4 tầng nổi. Chợ Mơ, dự kiến sẽ xây dựng lại khang trang, hiện đại, cao 18 tầng, hiện UBND thành phố đã giao cho Công ty Vinaconex 1 thực hiện. Về chợ Cửa Nam, thành phố cũng đã giao cho Công ty TNHH Mỹ thuật triển khai xây dựng 2 tầng hầm, 7 tầng nổi. Riêng về Chợ 19/12, đang được các cơ quan chức năng xem xét lại về mặt quy hoạch, kiến trúc. Với 4 dự án chợ trên, các nhà đầu tư đang ở mức làm thủ tục, chuẩn bị chuyển các hộ ra chợ tạm, dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Mặt khác, theo Quyết định 51 của thành phố, trên địa bàn Hà Nội còn có 33 dự án về thương mại dịch vụ (chủ yếu là xây dựng trung tâm thương mại); hiện thành phố đã giao cho các Quận, huyện làm Chủ tịch Hội đồng đấu thầu, triển khai các dự án.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã có Quyết định 31 về chuyển đổi mô hình quản lý chợ, tiến hành chuyển đổi một số chợ theo mô hình Công ty cổ phần hoặc Hợp tác xã quản lý như Chợ Bưởi - quận Tây Hồ, chợ Xuân Đỉnh - huyện Từ Liêm, một số chợ được doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, chuyển giao (BOT) như chợ Việt Hưng, Thạch Bàn. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ hiện tiến độ còn chậm so với kế hoạch đề ra, nguyên nhân một phần do nhiều chợ có địa thế không thuận lợi nên khi kêu gọi đầu tư chưa được các nhà đầu tư quan tâm. Mặt khác, do một số quận huyện chưa xây dựng được kế hoạch chuyển đổi chợ. Một số chợ cóc sau khi giải toả có hiện t­ượng tái họp. Nguyên nhân do lực lượng quản lý ít, việc bố trí các hộ kinh doanh sau khi giải toả vào các chợ theo quy hoạch còn khó khăn, do không đủ chỗ.

Lan Hương
Theo Hà Nội Mới