Chờ "đại gia" lên tiếng

Cập nhật 02/08/2007 13:00

Sự có mặt của các ngân hàng nước ngoài, sự nhập cuộc của các Cty kinh doanh BĐS ngoại quốc bên cạnh các dịch vụ tư vấn, tiếp thị... đang hứa hẹn đem lại sự sôi động cho thị trường. Và một xu hướng mới đang mở ra: Sự liên kết của các DN trong nước để trở thành các "đại gia" trong làng kinh doanh BĐS.

Sau một thời gian dài trầm lắng, có rất nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc thị trường BĐS hồi phục. Nhận định trên được đưa ra dựa trên cơ sở hàng loạt các DN quốc tế về XD, địa ốc từ Singapore, Australia, Hong Kong, Mỹ... đang thăm dò và tỏ ý quan tâm tới việc đầu tư vào thị trường BĐS VN.

Những xu hướng mới

Trong một thời gian ngắn, những thông tin về việc các DN, tập đoàn quốc tế muốn đầu tư vào thị trường BĐS VN đã thu hút được sự chú ý và có phần mong ngóng. Đầu tháng 5/07, tập đoàn Savills, nhà cung ứng các dịch vụ BĐS hàng đầu thế giới thông báo sẽ đầu tư vào Cty Chesterton Petty VN. Quỹ ASEAN Fund mới đây cũng cho biết đang lên kế hoạch đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào thị trường bất động sản VN, Malaysia và Philippines... Có thể nói, sự có mặt ngày càng nhiều của các DN xây dựng, BĐS lớn trên thế giới vào VN đang chứng tỏ một điều rằng: Thị trường BĐS VN đang chứng tỏ sự hấp dẫn đặc biệt, sự hấp dẫn đã sớm được nhìn nhận bởi những tên tuổi như CBRE, Vina Capital, Phú Mỹ Hưng... Theo ông Marc Townsend - Tổng GĐ CBRE VN thì thị trường BĐS là thị trường đòi hỏi nguồn cung tài chính rất lớn và đây chưa phải là thế mạnh của các DN VN.

Sự phát triển của thị trường này phụ thuộc phần lớn vào khả năng tìm được các nguồn cung tài chính lớn và ổn định. Chính vì thế, ngoài việc trực tiếp đầu tư vào thị trường, các đại gia BĐS quốc tế cũng đang thực hiện một chiến lược đầu tư mới: Dùng thế mạnh tài chính để hợp tác chiến lược với các DN trong nước đã có quỹ đất nhưng thiếu vốn. Xu hướng này được thể hiện rõ nhất với việc Indochina Capital quyết định mua 20% trị giá của Hoàng Quân và 20% trị giá Cty cổ phần địa ốc Hoàng Quân - Mê Kông (Cty thành viên thuộc Hoàng Quân) hay việc quỹ Dragon Capital mua 98% cổ phần y Coteccons đưa ra đấu giá với giá mua cao gấp 22 lần mệnh giá.

"Đại gia" nội, tại sao không?

Cùng với những hoạt động mạnh mẽ của các DN nước ngoài, các DN trong nước cũng bước đầu có những động thái chứng tỏ sự quyết tâm cạnh tranh "miếng bánh" BĐS. Và để khắc phục điểm yếu về tài chính, không có cách nào khác là các DN phải tập hợp nhau lại. Để trở thành một đại gia, một đại gia thực sự với nguồn tài chính mạnh, đủ để cạnh tranh với các DN nước ngoài. Đó cũng chính là tiền đề cho sự ra đời của TCty BĐS Lilama Land với sự góp mặt của các cổ đông sáng lập có máu mặt như: TCty Lắp máy VN (Lilama), TCty Thuốc lá VN (Vinataba), TCty Bia Rượu NGK Hà Nội (Habeco), Ngân hàng Thương mại cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank)...

Ông Phạm Hùng - TGĐ Lilama nhấn mạnh: Với sự kết hợp của các DN lớn, chắc chắn chúng tôi sẽ tạo ra một TCty lớn, đủ mạnh để có thể có được một chỗ đứng trên thị trường cũng như để cạnh tranh với các DN nước ngoài. Với sự kết hợp bới nguồn tài chính của Habubank, Vinataba, nguồn lực của Lilama, kinh nghiệm hoạt động trên thị trường BĐS của Cty BĐS Tân Long và TCty tư vấn XDVN lời khẳng định này không phải là không có cơ sở. Ông Nguyễn Hoài Phương - Chủ tịch HĐQT Cty BĐS Tân Long cho biết: Trước mắt Lilama Land sẽ tập trung vào phân nhánh thị trường là khách sạn từ 4-5 sao, căn hộ cao cấp có giá từ 1-1,5 triệu USD/căn; các khu đô thị lớn và khu công nghiệp tập trung. Về dài hơi, Lilama cũng đang có trên dưới 10 dự án BĐS dự kiến sẽ được triển khai trong năm 2008.

Theo các chuyên gia, giá trị xây lắp và xây dựng của năm 2007 dự kiến đạt trên 42 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, diện tích nhà ở, xây dựng đạt khoảng 30 triệu m2 và giá trị xây dựng nhà ở đạt mức 70 ngàn tỷ đồng.

Sự ra đời của các đại gia trong nước hoạt động trong lĩnh vực BĐS được hi vọng sẽ giúp cho thị trường này phát triển trở lại sau một thời gian dài trầm lắng.


Theo Hoàng Giang - Diễn Đàn Doanh Nghiệp