Chợ Bến Thành: Lo vì thiếu thông tin minh bạch

Cập nhật 05/05/2008 11:00

Bà Châu Phụng Chi, phó phòng kinh tế Q.1 cho biết: “Các tiểu thương ở chợ cứ an tâm kinh doanh, quận chưa hề có thông báo chính thức nào. Việc có doanh nghiệp đề xuất với UBND Q.1 về phương án cải tạo, chỉnh trang và nâng cấp chợ Bến Thành là hành động đơn phương từ phía doanh nghiệp, UBND quận chưa xem xét”.

Sau khi nhiều tờ báo khác cũng đã đăng ý kiến của đại diện ban lãnh đạo UBND Q.1 khẳng định chưa có văn bản nào chính thức về vấn đề làm mới chợ Bến Thành được thông qua, một số tiểu thương đã thở phào - yên tâm vì tin chắc sẽ không có chuyện xây mới chợ, nhưng một số khác vẫn hoang mang.

Họ hoang mang vì công văn 1452 của UBND Q.1, do phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến ký ngày 25.6.2007 gửi công ty TNHH thương mại và dịch vụ Phan Thành, công văn ghi khá rõ: “Về việc xin làm chủ đầu tư dự án cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp chợ Bến Thành, UBND Q.1 có ý kiến như sau: đề nghị của công ty là phù hợp với chủ trương xã hội hoá đầu tư nâng cấp các chợ trên địa bàn Q.1, UBND Q.1 chấp thuận chủ trương cho công ty Phan Thành nghiên cứu đầu tư dự án trên…

Về phương án thiết kế sơ bộ dự kiến quy mô bốn tầng hầm, phần nổi công trình ở phía cửa chính hướng về công viên Quách Thị Trang, kiến trúc giữ như hiện trạng và công trình lùi về hướng Lê Thánh Tôn cao không quá bốn tầng.

Lưu ý công ty cần tham khảo hướng dẫn của phòng quản lý đô thị Q.1 và sở Quy hoạch kiến trúc về các chỉ tiêu quy hoạch như mật độ xây dựng, tầng cao, hệ số sử dụng đất của dự án…”

Bà Nguyên, tiểu thương tổ 17 đã có hơn 30 năm kinh doanh ở chợ Bến Thành nêu ý kiến: “Mỗi sạp ở chợ là cả cuộc đời, cả tài sản gia đình của chúng tôi, nên nếu các cơ quan quản lý có ý định sửa chữa, cải tạo, chỉnh trang hay thậm chí xây mới cũng phải cho chúng tôi biết các dự định này. Chúng tôi không thể chờ đến lúc ban hành văn bản chính thức rồi mới lên tiếng, mà phải có kế hoạch riêng cho mình để tính chuyện mua bán kẻo trễ…”

Trả lời về những bức xúc của tiểu thương hiện nay, ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND Q.1 nói: “Việc chấp thuận về mặt chủ trương chỉ là tạo cơ hội cho nhà đầu tư có điều kiện khảo sát kỹ hơn công trình chợ Bến Thành để đưa ra được các thiết kế đảm bảo thoả mãn hai yêu cầu quan trọng là giữ được nét truyền thống, sự tôn tạo về mặt văn hoá của chợ Bến Thành và đảm bảo duy trì chính sách - quyền lợi cho tiểu thương. Khi có được các thiết kế đảm bảo yêu cầu, UBND Q.1 mới báo cáo lên thành phố - là cấp có thẩm quyền quyết định để xin chủ trương thực hiện”.

Như vậy sự hoang mang, lo lắng của tiểu thương không phải là vô căn cứ. Tiểu thương là người trong cuộc, ngôi chợ là mái nhà, là nồi cơm của họ nên bất cứ hành động nào có liên quan đến họ thì họ đều cần phải được biết rõ ràng. Chưa kể việc chợ Bến Thành đã trở thành một biểu tượng của Sài Gòn, cho dù các cấp quản lý có quyết định gì với chợ, yêu cầu được biết thông tin là một đòi hỏi chính đáng của người dân.

Nên chăng, ngay từ lúc đưa ra chủ trương và tìm hiểu các dự án, UBND Q.1 nên công khai thông tin cho thật cụ thể không chỉ đến tận từng sạp, từng con người sống với chợ, mà với tất cả những ai yêu quý và trân trọng biểu tượng Sài Gòn 300 năm - chợ Bến Thành.

Bà Châu Mỹ Anh, phó chủ tịch hội Kiến trúc sư TP.HCM:

Sẽ phá vỡ cảnh quan nếu “cải tạo” như thế


Nếu xây dựng với quy mô bốn tầng hầm và cao không quá bốn tầng thì không còn là cải tạo sửa chữa mà phải gọi là xây mới.

Nếu xây dựng chợ lên cao bốn tầng lầu thì sẽ phá vỡ cảnh quan. Hiện khu phố hai bên chợ Bến Thành đều thấp, nếu nâng độ cao thì sẽ làm giảm sự thông thoáng cho không gian xung quanh. Theo tôi đây là một khu vực nhạy cảm cần phải được xem xét kỹ trước khi quyết định.

Về kiến trúc của chợ, tuy chưa hẳn là biểu tượng duy nhất của Sài Gòn, nhưng bóng dáng của chợ đã ăn sâu vào tâm trí của người Sài Gòn, thậm chí ngôi chợ còn được xem là cột mốc để đo khoảng cách xa gần với những địa điểm khác… ngôi chợ cần phải có không gian để gợi nhớ lại Sài Gòn xưa, không nên phá vỡ không gian đó.

Nếu chợ xuống cấp thì nên sửa chữa, việc này đã từng được thực hiện trước đây, nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc của chợ. Đâu nhất thiết phải xây dựng trung tâm thương mại. Theo quan điểm của tôi, việc xây dựng lại chợ theo quy mô bốn hầm bốn lầu cần phải được xem xét cân nhắc thật kỹ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu:

Nếu muốn cải tạo chợ Bến Thành, nên cải tạo bên trong



Chợ Bến Thành, biểu tượng SG
300 năm không nên bị dỡ bỏ.

Cái tên Bến Thành gợi nhớ đến hình ảnh của một thành phố “trên bến dưới thuyền” và là biểu tượng của Sài Gòn. Năm 1998, TP.HCM kỷ niệm 300 năm. Tôi có tham gia lấy ý kiến chọn biểu tượng cho Sài Gòn và chợ Bến Thành được chọn làm biểu tượng, cho đến giờ vẫn chưa có gì thay thế được.

Chợ Bến Thành là nơi dành cho tất cả mọi người, từ người giàu cho đến người nghèo, từ tầng lớp bình dân đến quý phái, cả người nước ngoài. Đến chợ Bến Thành, tất cả người thành phố có dịp gặp gỡ nhau.

Khách đến chợ Bến Thành đa số là du khách nước ngoài, muốn tìm những gì tiêu biểu của thành phố. Đối với khách du lịch, chợ Bến Thành là di tích lịch sử và là điểm hấp dẫn đặc biệt để gặp giao thiệp với mọi tầng lớp người dân thành phố. Họ có thể vừa tham quan vừa mua hàng lưu niệm.

Nếu xây trung tâm thương mại tại đây, chợ Bến Thành không còn là chợ Bến Thành như mô tả, di tích lịch sử sẽ không còn, yếu tố hấp dẫn du khách cũng không còn vì Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng có trung tâm thương mại và người ta không tìm đến trung tâm thương mại để tham quan. Nếu đến để mua sắm, TP.HCM còn có nhiều trung tâm thương mại khác. Chưa kể khi xây dựng trung tâm thương mại, tập trung đông người sẽ nảy sinh vấn đề về môi trường, kẹt xe. Nếu muốn cải tạo chợ Bến Thành, theo tôi chỉ nên cải tạo bên trong cho thoáng hơn, sàn nhà bớt trơn trượt, sắp xếp các gian hàng cho thông thoáng.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị