Cho bán suất tái định cư với cánh cửa quá hẹp

Cập nhật 19/10/2009 08:55

Chung cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 là một trong những chung cư mới xây dựng thường được người dân bán suất tái định cư. Ảnh: HTD

Nếu để bà con mua bán suất tái định cư trong khi chưa có chỗ ở ổn định thì cuộc sống sau này của họ dễ bấp bênh, nhà nước lại phải lo nữa. Thế nhưng đặt điều kiện mua bán thì dễ dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực từ các cơ quan xác nhận, xét duyệt.

Trước đây, việc mua bán suất tái định cư dù bị cấm nhưng vẫn âm thầm diễn ra, các giao dịch có rất nhiều rủi ro và cơ quan chức năng không thể quản lý được. Do đó, chủ trương cho phép mua bán suất tái định cư được nhiều địa phương đồng tình. Tuy nhiên...

Nhà giàu mới được bán?

Theo dự thảo gần nhất của Sở Xây dựng TP.HCM, để mua bán suất tái định cư, cả hai bên mua và bán phải thỏa một số điều kiện bắt buộc. Ngoài ra, việc mua bán còn phải thực hiện theo một trình tự, thủ tục riêng. Cụ thể, suất tái định cư phải ưu tiên bán trước cho nhà nước, nhà nước không mua mới bán ra ngoài. Muốn bán suất tái định cư, hộ tái định cư cam kết không được hưởng chính sách tạm cư, phải chứng minh có chỗ ở khác, thể hiện bằng giấy chứng nhận hoặc cam kết có xác nhận của địa phương. Còn bên mua suất tái định cư phải có hộ khẩu TP, không có căn nhà nào khác...

Ông Lê Ngọc Huỳnh, người đã mua suất tái định cư bằng giấy tay tại chung cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, lắc đầu: “Yêu cầu phải có hộ khẩu TP thì tôi có thể đáp ứng được nhưng còn bắt bên bán phải xác nhận có nhà hợp lệ thì quá nan giải. Nếu họ ở nhà thuê nhưng cuộc sống vẫn ổn định thì cũng không được bán, vậy chúng tôi phải làm sao?”.

Theo Sở Xây dựng, việc đặt ra các điều kiện đối với hộ tái định cư nhằm tránh tình trạng người dân sau khi bán suất tái định cư lại quay về địa phương đề nghị bố trí chỗ ở. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các điều kiện này chưa hợp tình, hợp lý.

“Các dự án trên địa bàn TP thường quy định các hộ dân phải bàn giao mặt bằng trong thời hạn một tháng kể từ ngày nhận bàn giao căn hộ hoặc sáu tháng kể từ ngày nhận bàn giao nền đất. Do đó, buộc các hộ dân cam kết không được hưởng chính sách tạm cư là trái với phương án được duyệt” - Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2 (quận nổi cộm về số lượng nhà đất tái định cư) Hứa Ngọc Thảo nêu ý kiến.

Trưởng phòng Tư pháp quận 2 Hoàng Minh Khôi cũng cho rằng quy định phải có nhà ở ổn định mới được bán suất tái định cư không phù hợp thực tế. Theo ông Khôi, nếu đã công nhận suất tái định cư là giá trị hình thành trong tương lai và thuộc quyền sở hữu của hộ tái định cư thì phải tuyệt đối tôn trọng quyền định đoạt của chủ sở hữu. Một cán bộ Sở Tư pháp nhận xét, theo điều kiện này, chỉ nhà giàu mới được bán suất tái định cư bởi chỉ họ mới có được một, hai căn nhà khác.

Đồng cảm với Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Nguyễn Văn Trường lý giải: “Nếu để bà con mua bán suất tái định cư trong khi chưa có chỗ ở ổn định thì cuộc sống sau này của họ dễ bấp bênh, nhà nước lại phải lo nữa”.

Ông Trường cũng cho rằng việc cấm mua bán suất tái định cư sẽ gây khó cho người dân, bởi có thể họ không đủ tiền mua hoặc không thích chỗ ở được phân bổ. Theo ông Trường, TP nên để người dân được quyền lựa chọn việc mua bán suất tái định cư tùy vào hoàn cảnh của mỗi người.

Đã cho mua bán thì đừng đặt điều kiện

Gửi văn bản góp ý cho dự thảo, Ủy ban MTTQ TP.HCM cũng không đồng ý với các điều kiện mua bán suất tái định cư. Ngoài đề nghị bỏ điều kiện phải có nhà mới được bán suất tái định cư, MTTQ TP còn đề nghị nên bỏ quy định bên mua phải có hộ khẩu, vì đây là vấn đề dân sự giữa các bên.

Phó phòng Công chứng số 1 Từ Dương Tuấn cho rằng nếu đã xem suất tái định cư là một loại tài sản thì không thể hạn chế đối tượng được nhận chuyển nhượng. “Buộc bên nhận chuyển nhượng phải có hộ khẩu TP, được địa phương xác nhận không có căn nhà nào là chưa phù hợp quy định pháp luật” - ông Tuấn nhận xét. Cụ thể, theo phòng Bổ trợ tư pháp - Sở Tư pháp, điều này đã vi phạm quy định của Luật Cư trú.

Trưởng phòng Công chứng số 4 Nguyễn Trí Hòa cho biết dự thảo của Sở Xây dựng quy định rất chặt chẽ và cũng chính vì quá chặt chẽ nên có một số nguyên tắc cơ bản trong giao dịch dân sự “hình như có phần bị hạn chế”.

Lãnh đạo của một quận phân tích: “Đã cho mua bán suất tái định cư thì đừng đặt điều kiện, vì có thể dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực từ các cơ quan có thẩm quyền xác nhận, xét duyệt. Người tái định cư có hoàn cảnh riêng và đủ trưởng thành để suy xét có nên bán hay không. Nếu họ vẫn quyết định bán lúc đã có đủ giấy tờ thì chúng ta có cản được không?”.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP