Chỉnh trang, phát triển đô thị: Cách nào?

Cập nhật 17/10/2016 09:26

Tại hội thảo chuyên đề xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM do Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức, các chuyên gia cho rằng, trong những năm qua, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong việc chỉnh trang, phát triển đô thị, tuy nhiên, cần tiếp tục có những giải pháp đột phá để đem lại kết quả tốt hơn.


Các nhà nghiên cứu cùng đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và khối doanh nghiệp cũng đề xuất không ít giải pháp cụ thể về quy hoạch đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng, huy động và sử dụng nguồn vốn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các giải pháp ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng nhằm góp phần nâng cao các chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị tại TP.HCM.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lưu Thị Thanh Mẫu - TGĐ Phúc Khang Corporation cho rằng, thời gian qua, biến đổi khí hậu đã trở thành mối quan tâm hàng đầu, đặc biệt các đợt mưa lớn đã khiến cho tình trạng giao thông, hệ thống thoát nước tại TP.HCM trở nên quá tải. Do vậy, môi trường xanh, giải pháp kiến trúc xanh hay kiến trúc bền vững được xem là lựa chọn tất yếu để ứng phó với tình trạng bê tông hóa đô thị.

Đồng thời, đây cũng là giải pháp để thích ứng với việc biến đổi khí hậu, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, giải quyết đáng kể các vấn đề liên quan đến môi trường sống của cư dân. Tuy nhiên, việc phát triển các công trình xanh đang phải đối mặt với không ít thách thức về chi phí, thủ tục pháp lý, cơ chế, chính sách và thị trường.

Do đó, để thuyết phục được doanh nghiệp đầu tư vào các công trình xanh, bên cạnh chính sách khuyến khích, Thành phố cần tạo ra các ưu đãi về tài chính, thuế, thủ tục hành chính, đơn giá thiết kế..., đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân.

Theo KTS. Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, thách thức đặt ra trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị tại TP.HCM hiện nay là việc sử dụng đất cho phát triển đô thị ở nhiều nơi kém hiệu quả dẫn đến tình trạng ngập lụt, giao thông ách tắc, khiếu kiện kéo dài.

Do vậy, giải pháp khả thi là Thành phố nên phân vùng quản lý, chỉnh trang đô thị dựa trên hệ thống các đồ án quy hoạch và phát triển đã được phê duyệt tại các quận, huyện và dựa trên hiện trạng đất đai, địa hình, địa chất, thủy văn, dân số và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng để điều chỉnh quy mô dân số và các dự án, kế hoạch đầu tư một cách phù hợp.

DiaOcOnline.vn - Theo DNSG