Chính sách phát triển nhà ở ngày càng cởi mở, rõ ràng hơn

Cập nhật 07/09/2010 14:10


Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Theo ông Nam, cách đây 10 năm, quỹ nhà ở của Việt Nam bình quân đầu người mới chỉ đạt khoảng 7-9m2, đến ngày 1/4/2009, diện tích nhà ở tính theo m2 xây dựng bình quân đầu người ở Việt Nam đã đạt mức 16,7m2.

Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất thấp so với thế giới. Với tốc độ đô thị hóa nhanh ở Việt Nam như hiện nay, nhu cầu về nhà ở trong thời gian tới là rất lớn. Đây là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực phát triển nhà ở.

Việt Nam hiện có trên 20 triệu hộ gia đình với khoảng 87 triệu dân. Trong giai đoạn hiện nay, các chuyên gia tính toán mỗi năm Việt Nam có hơn 1 triệu người đến sống trong hệ thống các khu đô thị. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009, dự kiến đến năm 2015 Việt Nam sẽ có khoảng 820 đô thị với số dân sinh sống chiếm 38% dân số cả nước (năm 2009 là 29%); đến năm 2020 số đô thị sẽ tăng lên 910 với số dân chiếm 45% dân số cả nước (khoảng 44 triệu); và đến năm 2025 sẽ có khoảng 1.000 đô thị với số dân sinh sống chiếm 50% dân số cả nước (khoảng 52 triệu).

Với tốc độ đô thị hóa nhanh như vậy, ngoài những yêu cầu về phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật… để đáp ứng nhu cầu phát triển, mỗi năm Việt Nam cần phải xây dựng mới hơn 15 triệu m2 nhà ở.

Để đáp ứng đòi hỏi của quá trình đô thị hóa cũng như nhu cầu lớn về nhà ở và dịch vụ xã hội, Chính phủ đã thành lập Tập đoàn Nhà ở và phát triển đô thị (HUD). Đây được coi là một hướng đi kịp thời, đúng đắn, tạo hướng đột phá trong lĩnh vực xây dựng nhà ở và công trình dân dụng.

Ngoài ra, ông Nam cho biết, các chính sách về đất đai, quy hoạch xây dựng nhà ở ngày càng rõ ràng, minh bạch, thông thoáng và cởi mở hơn. Đặc biệt, trong Nghị định 71/2010/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 8/8/2010 thay thế cho Nghị định 90/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, quy trình xin phép, triển khai các dự án nhà ở đã được đơn giản hóa hơn, phạm vi đề cập cũng được phủ kín hơn bao gồm cả nhà ở công vụ, nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài nhà nước, nhà chung cư tư nhân.

Liên quan đến việc huy động vốn đầu tư đối với các dự án xây dựng nhà ở đang được dư luận khá quan tâm, mặc dù Nghị định 71/2010/NĐ-CP không mở hơn so với Nghị định 90/2006/NĐ-CP, nhưng về cơ bản cũng đã được làm rõ ràng, chi tiết, cụ thể giúp cho doanh nghiệp, người huy động vốn cũng như người góp vốn dễ thực hiện hơn.

Nghị định 71/2010/NĐ-CP đã cơ bản giải quyết mối quan hệ vay vốn, góp vốn, mua bán nhà hình thành trong tương lai; đồng thời quy định rõ quyền và trách nhiệm của mỗi bên khi tham gia vào thị trường bất động sản là nhà ở, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát tuân thủ các quy định về huy động vốn, hướng dẫn các doanh nghiệp huy động vốn thuận lợi, đúng pháp luật… nhằm tránh rủi ro cho khách hàng tại các dự án đầu tư bất động sản nhà ở. Trong bối cảnh nguồn cung vốn cho thị trường bất động sản nói chung và nhà ở nói riêng đang rất hạn chế và khó khăn, để góp phần giải bài toán vốn cho phát triển nhà ở, ông Nam cho biết, ông đang cùng các cộng sự tiến hành đề xuất với các cấp lãnh đạo về việc thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở.

Đây là loại hình quỹ tiết kiệm nhà ở nhiều nước trên thế giới đã triển khai rất thành công có thể áp dụng ở Việt Nam theo dạng quỹ bảo hiểm. Theo đó, tất cả những người đi làm có thu nhập đã có nhà hoặc chưa có nhà, có nhu cầu mua nhà hay không có nhu cầu mua nhà đều trích nộp quỹ với mức chỉ cần 1% thu nhập hàng tháng.

Lượng tiền của mỗi người đóng góp vào quỹ là không nhiều, song toàn xã hội hưởng ứng tham gia thì số tiền là cực lớn. Nếu tính thu nhập trung bình của những người đi làm hiện nay ở mức 3 triệu đồng/tháng, và cả nước hiện có khoảng 9 triệu người đi làm có thu nhập, mỗi người chỉ cần trích đóng một khoản tiền nhỏ từ 30.000-50.000 đồng/tháng, thời gian đóng góp khoảng 25-30 năm, như vậy số tiền của quỹ có thể đạt tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Đây là một nguồn vốn dài hạn không hề nhỏ để dành cho các doanh nghiệp, các chủ đầu tư các dự án nhà ở và những người có nhu cầu mua nhà vay vốn để đầu tư xây dựng hoặc mua nhà với lãi suất hợp lý, góp phần quan trọng giải quyết nhu cầu bức xúc của xã hội hiện tại cũng như trong tương lai. Đối với người đóng quỹ, khi về hưu ai không có nhu cầu vay mua nhà thì lấy lại số tiền đã đóng nhân với lãi suất hàng năm...

DiaOcOnline.vn - Theo VEN