Công nghệ xây dựng đường sắt cao tốc ở Việt Nam là công nghệ Shinkansen của Nhật Bản và có cập nhật, bổ sung để phù hợp với điều kiện Việt Nam. |
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM.
Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan cần xây dựng và phê duyệt dự án cho toàn tuyến, trên cơ sở đó vận động thu hút vốn để triển khai thực hiện. Trong trường hợp đủ điều kiện về nguồn lực cho toàn bộ dự án thì triển khai đồng loạt trên toàn tuyến, nếu chưa đủ thì thống nhất với các nhà tài trợ để triển khai từng đoạn tuyến, trong đó ưu tiên các đoạn Hà Nội - Thanh Hóa, Tp.HCM - Phan Thiết, Đà Nẵng - Huế.
Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu, báo cáo đầu tư cần bổ sung, làm rõ nội dung định hướng quy hoạch hình thành các khu đô thị, cụm công nghiệp mới dọc tuyến đường sắt cao tốc.
Theo kế hoạch của Chính phủ, kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng từ nguồn thu quỹ đất trên cơ sở hình thành các khu đô thị, cụm công nghiệp dọc tuyến. Kinh phí xây dựng nhà ga, hệ thống thông tin tín hiệu, đầu tư phương tiện vận tải được đầu tư theo hướng xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Doanh nghiệp đầu tư bằng nguồn vốn vay và Chính phủ sẽ có phương án bảo lãnh vốn vay.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải, trong thời gian tới, chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện nội dung của báo cáo đầu tư dự án để trình Hội đồng Thẩm định Nhà nước trong tháng 8/ 2009; đồng thời, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư để kêu gọi các nhà tài trợ, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư dự án.
Trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng Thẩm định Nhà nước, Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị và Trung ương Đảng xem xét để trình Quốc hội vào tháng 5/ 2010.
Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng vốn đầu tư khoảng 55,85 tỷ USD, với chiều dài 1.570 km, vận tốc tàu chạy là 300km/h, sẽ được đưa vào khai thác sau năm 2036.
Dự kiến, khi đi vào sử dụng, tuyến đường sắt này có thể rút ngắn cự ly vận tải từ 300 - 500 km so với vận tải hàng không và đường bộ, đồng thời tiết kiệm chi phí khai thác phương tiện lên tới 57%, chi phí thời gian đi lại giảm 17% và giảm 20% tai nạn giao thông đường bộ, góp phần cải tạo đường sắt thông thường từ 60 km/h lên 100 km/h. Dự án này cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển đô thị dọc đường sắt cao tốc.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy