Việc hàng loạt DN BĐS chuyển hướng sang lĩnh vực nông nghiệp đã gây ra không ít lo ngại rằng đây là một trong những “chiêu” của các DN BĐS để có thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ mà NHNN đang khuyến khích cho vay.
Trong thời gian tới, khả năng dòng vốn chảy từ lĩnh vực nông nghiệp sang BĐS là rất lớn
Phát động cho việc chuyển hướng từ kinh doanh BĐS sang nông nghiệp phải kể đến tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Năm 2007, mặc dù kinh doanh BĐS đang lên như diều gặp gió nhưng DN này vẫn chuyển hướng sang nông nghiệp – cụ thể là trồng cao su. Theo đó, đơn vị này đã sang Lào phát triển 51.000 ha cao su và cho đến hiện nay, Hoàng Anh Gia Lai đã thu được một số kết quả khả quan cho việc chuyển hướng của mình. Sau Hoàng Anh Gia Lai, hiện tượng này có vẻ như lắng lại nhưng đến năm 2012, một lần nữa xu hướng các DN BĐS chuyển hướng sang lĩnh vực nông nghiệp lại một lần nữa “nở rộ”.
Trào lưu chuyển hướng kinh doanh
Có thể kể đến những đơn vị có máu mặt trên thị trường đã có định hướng sang kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp như Cty CP Phát triển BĐS Phát Đạt với trồng rừng, cao su, lúa gạo, chăn nuôi…
Nối chân DN trên, Cty CP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP - Invest) cũng công bố thay đổi hướng đầu tư. Tại đại hội cổ động của DN này được tổ chức vào tháng 2/2012, GP - Invest quyết định đầu tư khoảng 500.000 USD để thành lập liên doanh sản xuất viên hạt gỗ ép với một nhà đầu tư Đan Mạch và một đối tác trong nước.
Mới đây nhất là trường hợp của Cty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác Công trình giao thông 584 (Cty 584) tham gia lĩnh vực thủy sản thông qua việc bơm 500 tỉ đồng để giải cứu đại gia thủy sản một thời – Bianfishco.
Không loại trừ khả năng sẽ có một dòng vốn từ nông nghiệp chảy vào thị trường BĐS nếu liên minh BĐS - nông nghiệp - ngân hàng được thành lập. |
Điều đáng lưu ý là không giống như Hoàng Anh Gia Lai - mở rộng phạm vi kinh doanh diễn ra vào thời điểm thị trường BĐS đang lên cơn sốt và có thể nói là ... hái ra tiền. Còn giai đoạn hiện nay, các DN BĐS đang ngắc ngoải, thiếu vốn, nợ ngân hàng đầm đìa thì việc mở rộng phạm vi kinh doanh là điều rất đáng ngờ.
Cty 584 là một ví dụ. Theo báo cáo tài chính quý I/2012 của đơn vị này, số dư tiền mặt tính đến 31/2 có hơn 600 triệu đồng, trong khi đang nợ ngân hàng 767 tỉ đồng, nợ các đối tượng khác 700 tỉ đồng. Báo cáo tài chính năm 2011 cũng không khá hơn khi kết quả kinh doanh lỗ hơn 1 tỉ đồng và chỉ có hơn 616 triệu đồng tiền mặt và cho đến nay các cổ đông vẫn chưa được nhận cổ tức năm 2011…
Nhiều quan ngại
Trước trào lưu này, Giám đốc một DN BĐS (đề nghị không nêu tên) cho biết trong thời gian tới không loại trừ khả năng có một dòng vốn từ nông nghiệp chảy vào thị trường BĐS nếu liên minh BĐS – nông nghiệp – ngân hàng được thành lập. Tuy nhiên, vị này cũng cảnh báo, “chiêu” này của các DN BĐS chẳng khác nào “con dao hai lưỡi”. Nếu thị trường BĐS tiếp tục đóng băng thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy : nợ xấu ngân hàng gia tăng, tình hình sản xuất sẽ tiếp tục đình đốn, do vốn vay ngân hàng chưa được sử dụng đúng mục đích, nền kinh tế sẽ lâm vào khó khăn và khả năng đổ vỡ theo dây chuyền là rất cao” - vị giám đốc này nhấn mạnh.
Ở góc nhìn vĩ mô hơn, một chuyên gia cho rằng, kể cả các DN BĐS sử dụng đúng đồng vốn vay của ngân hàng vào ngành nghề mới của họ là nông nghiệp, thì trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay của nền kinh tế, để chuẩn bị đội ngũ nhân sự có năng lực phù hợp, cùng với phương án huy động nguồn vốn đầu tư cũng như chiến lược kinh doanh mới là quá khó. Mặt khác, khi theo đuổi đầu tư trái ngành, DN có thể tự đánh mất lợi thế cạnh tranh trong chính lĩnh vực kinh doanh truyền thống của mình do phải phân tán nguồn lực. Do đó, không loại trừ khả năng đây chỉ là một trong những “chiêu” để DN BĐS dễ dàng tiếp cận vốn từ ngân hàng. Và điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn - chuyên gia này nhấn mạnh.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN