Trong khi thị trường vàng đang xuống dốc không phanh, thị trường chứng khoán, USD đua nhau “down” giá, thì thị trường BĐS Đà Nẵng lại nổi lên với nhiều “chiêu” lướt sóng mới đang được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn.
Lướt sóng "ngầm" bất động sản
Khác với tình hình thị trường BĐS mọi năm, mới bước vào năm 2011, thị trường BĐS Đà Nẵng chứng kiến sự tăng trưởng liên tục của các phân khúc sản phẩm. Đặc biệt là BĐS có mức giá từ 5 triệu đến 10 triệu/m2 của các dự án (đang nằm trên giấy) và được thanh toán theo tiến độ trong vòng 2 năm kể từ khi ký hợp đồng. Theo đó, sự dịch chuyển cách thức đầu tư, kiếm lời từ sự tăng trưởng của BĐS được các nhà đầu tư thứ cấp gọi là lướt “sóng ngầm” đang thu hút nhiều người tham gia.
Với đặc điểm và sức hút riêng của mình, BĐS Đà Nẵng đang hình thành chiêu lướt sóng mới, mang lại mức lợi nhuận khá hấp dẫn...
|
Theo các nhà đầu tư thứ cấp và nhân viên kinh doanh tại các Cty khai thác hạ tầng-kinh doanh BĐS và các BQL dự án, hàng ngàn lô đất tại các dự án nằm ở vị trí từ đường Ngô Quyền (Q.Sơn Trà) đổ về phía biển và bên bờ Đông sông Hàn đã được bán hết từ cuối năm 2010, thậm chí ngay từ khi tung ra thị trường. Trong gần 3 tháng đầu năm 2011, các lô đất này lần lượt được các nhà đầu tư chuyển đổi lại cho các đối tượng khác. Cá biệt, có những lô đất đã được chuyển qua 2 đến 3 chủ chỉ trong vòng 1 tháng. Theo đó mức giá qua mỗi hợp đồng cũng nhích lên vài triệu đồng/m2.
Chị Phan Bích Thủy, nhà đầu tư trực tiếp BĐS tại Đà Nẵng cho biết, chỉ tính riêng từ đầu năm 2011 đến nay, chị đã giao dịch hơn 10 hợp đồng và mỗi lần lướt thành công đã giúp chị kiếm lời khoản chênh lệch từ 50-200 triệu đồng/lần. Và theo chị Thủy, để lướt sóng ngầm theo kiểu này cũng không khó lắm, chỉ cần có sẵn vài trăm triệu đến vài tỷ tiền mặt là có thể tham gia “lướt”. Và quan trọng nhất là phải có quan hệ tốt, ăn chia sòng phẳng với nhân viên của các Cty, các ban QL dự án.
"Khác với đầu tư BĐS theo dự án, đất lô đã có sổ đỏ buộc nhà đầu tư phải mua đứt và chờ cơ hội. Kiểu kinh doanh này đòi hỏi phải trường vốn và rủi ro khá cao vì cầm đất khá lâu mới mong nhận được lợi nhuận như mong muốn. Trong khi đó, BĐS của các dự án đang được các Cty tung ra thị trường dưới dạng hợp đồng theo tiến độ, nên số tiền nộp lần đầu tối đa là 50%, có nơi chỉ nộp 10-20% trị giá lô đất, nên các nhà đầu tư tìm cách “mua tận gốc” và “bán tận ngọn” thông qua mối quan hệ với các nhân viên, cán bộ của Công ty quản lý dự án", chị Thủy cho biết thêm.
Chị Mỹ Thu, một nhà đầu tư thứ cấp khác chia sẻ : "Không đủ tiền thì rủ nhau “lướt”, lợi nhuận cao nên thu hút rất nhiều người tham gia, có lô đất có đến 5-6 người cùng chung hùn hạp và một người có thể tham gia hùn hạp với nhiều lô đất khác nhau. Sau vài tuần nếu thành công cũng kiếm được mỗi người mươi triệu, nhiều người thấy vậy cũng vay mượn để tham gia"
Cũng theo giới đầu cơ, kiểu làm ăn này đang rất phổ biến hiện nay và được hiểu theo mối quan hệ mật thiết giữa liên minh của người có tiền và người nắm thông tin bên trong các dự án, các đầu mối BĐS không phải thông qua các sàn giao dịch BĐS.
Và những nguy cơ được mất
Kiếm lời nhanh và dễ nhưng không phải phi vụ nào cũng suôn sẻ, bên cạnh các nhà đầu tư lớn, mua một lúc 10- 20 lô thì nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã phải dở khóc dở cười khi đã đến hạn trả tiền vay nhưng những người cùng mua với mình lô đất đó chưa muốn bán. Chị Dung chia sẻ : “Khá đơn giản, nhưng phải đủ độ tin tưởng nhau và có “mối” mới có thể “chơi” BĐS theo kiểu này vì tất cả các thông tin mua bán đều nằm ở 1 đầu mối và mức lợi nhuận phải chia sòng phẳng giữa nhân viên ban quản lý và nhà đầu tư bỏ tiền".
Theo các chuyên gia, việc hùn hạp theo hợp đồng miệng để "lướt đất" rất dễ xảy ra tranh chấp và nguy cơ thiệt hại là hiện hữu...
|
Tuy nhiên, cũng theo các nhà đầu tư này cho biết, kiểu làm này chứa đựng khá nhiều rủi ro do nhiều yếu tố. Do tất cả các đầu mối thông tin nằm ở nhân viên giao dịch nên nhà đầu tư sẽ rất dễ bị “xù” mà người "chơi" khó có thể chứng minh được điều gì, Thứ hai, việc hùn hạp giữa các nhà đầu tư không có văn bản mà chỉ hùn miệng, trong khi quyền quyết định bán phụ thuộc vào người có số tiền chung nhiều nhất và nhân viên giao dịch nên khi một người trong nhóm muốn bán để thu hồi vốn hay “ăn non” cũng rất khó. Và nguy hiểm hơn tình trạng “ôm tiền” hùn hạp bỏ trốn hay mất khả năng thánh toán đã xảy ra không ít.
Ông Nguyễn Hữu Thông, Giám đốc dự án đầu tư BĐS trên địa bàn TP Đà Nẵng cho biết : “Hiện tượng lướt sóng dạng này đã xuất hiện trên khắp các thị trường BĐS Việt Nam. Đặc biệt là các dự án đang được triển khai và bán không thông qua các sàn giao dịch BĐS độc lập. Hoạt động này có tác động 2 mặt đến thị trường BĐS, tích cực là có thể tạo sự sôi động nhất định cho thị trường BĐS, nhưng chủ yếu là tạo nên sự các giao dịch ảo. Và các giao dịch này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính minh bạch của thị trường BĐS. Hơn nữa, các hoạt động này sẽ gây hỗn loạn về giá bán, sự thổi phồng của giá BĐS, mất kiểm soát về số lượng BĐS thực có trên thị trường và nhất là sự thất thu thuế của nhà nước đối với các hoạt động giao dịch này. Đó là chưa nói đến các rủi ro về pháp lý, bất đồng về lợi ích, ăn chia dẫn đến tranh chấp".
“Để có thể kiểm soát và minh bạch thị trường, các cơ quan liên quan cần có chế tài quản lý và giám sát mới có thể hạn chế được tình trạng này và tạo điều kiện để người mua tiếp cận đúng với giá trị thật của BĐS. Cụ thể là quy định các dự án BĐS thực hiện giao dịch, mua bán phải thông qua các sản giao dịch BĐS độc lập. Các hợp đồng cần được công khai, tránh trường hợp "làm giá" và thất thu thuế", ông Thông cho biết thêm.
Trong khi các nhà đầu tư Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang đổ về Đà Nẵng, thì không thể phủ nhận sức hấp dẫn từ lợi nhuận của việc “lướt sóng ngầm” đối với thị trường BĐS, nhưng tiềm ẩn trong đó là những nguy cơ thiệt hại dây chuyền khi các nhà đầu tư bị “xù” thì không hề nhỏ. Đây cũng là những rủi ro buộc các nhà đầu tư nhỏ, lẻ phải hết sức thận trọng trước khi quyết định tham gia “lướt sóng ngầm”.
DiaOcOnline.vn - Theo VTC News