Chiến lược nào cho thị trường bất động sản?

Cập nhật 24/06/2014 16:45

Bộ Xây dựng vừa hoàn thiện bản dự thảo Chiến lược phát triển thị trường bất động sản, trình lên Chính phủ xem xét phê duyệt.

Chiến lược phát triển thị trường bất động sản đặt mục tiêu phấn đấu diện tích nhà ở bình quân tăng 5m2/người vào 2020. Ảnh minh họa: Vân Oanh

Theo dự thảo Chiến lược này, từ năm 2015 đến 2020, Việt Nam sẽ xây mới 3 triệu căn hộ/căn nhà mới và 12,5 triệu mét vuông nhà ở xã hội, nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người lên 25 mét vuông.

Bản dự thảo chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2020 diện tích nhà ở bình quân tính trên đầu người của Việt Nam sẽ đạt 25m2, trong đó tại đô thị đạt 29m2, tại nông thôn đạt 22m2/người; bình quân tăng thêm 5 mét vuông so với hiện nay.

Trong khi đó, tại một cuộc hội thảo về thị trường bất động sản tổ chức gần đây, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, hiện diện tích nhà ở bình quân đầu người của Việt Nam vào diện thấp trên thế giới; chỉ khoảng 20m2/người.

Ông Nam so sánh, quốc gia láng giềng Trung Quốc có tới 1,3 tỉ dân nhưng hiện bình quân nhà ở của họ đạt tới 30m2/người.

Ngoài việc đặt ra mục tiêu phát triển thị trường bất động sản, bản Chiến lược này còn tập trung phân tích những mặt yếu kém và bất cập của thị trường hiện nay để tìm biện pháp tháo gỡ.

Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản hiện phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định, giá bất động sản, giá nhà ở vẫn ở mức cao nhất là tại các đô thị lớn; cơ cấu bất động sản, nhà ở mất cân đối, thiếu sản phẩm có quy mô vừa và nhỏ, giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê.

Việc huy động nguồn lực để triển khai các chương trình phát triển nhà ở xã hội rất khó khăn nên không phát triển được loại hình nhà ở xã hội, không giải quyết được nhà ở cho phần lớn dân cư đô thị có thu nhập không cao.

Một đặc điểm của thị trường bất động sản là cơ chế “xin-cho” còn rất mạnh, chi phối từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản, dẫn đến tham nhũng, đầu cơ, lũng đoạn thị trường còn diễn ra tại nhiều dự án.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, ông đồng ý với những nhận định của Bộ Xây dựng về thực trạng và khó khăn của thị trường bất động sản, song ông cho rằng còn rất nhiều những vấn đề mà doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt nhưng chưa được nhắc đến.

Ngoài ra, ông Đực cho rằng, tại tờ trình này, có vẻ như Bộ Xây dựng đang “đổ” lỗi cho các doanh nghiệp bất động sản và người dân gây ra những khó khăn mà không hề nhắc đến lỗi của chính mình với tư cách cơ quan quản lý nhà nước cấp cao nhất về bất động sản. Theo quan điểm của vị phó chủ tịch HoREA, việc để thị trường bất động sản phát triển tự phát, phong trào trong thời gian vừa qua, phần lỗi rất lớn là từ Bộ Xây dựng.

Cũng theo tờ trình này, Bộ Xây dựng đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp thu hút nguồn vốn cho thị trường bất động sản, điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt để tạo điều kiện về vốn cho các chủ thể tham gia thị trường bất động sản. Tuy nhiên, trao đổi với TBKTSG Online, một vị lãnh đạo của một ngân hàng TMCP lớn tại TPHCM cho rằng, muốn thu hút nguồn vốn cho bất động sản, cần có giải pháp cụ thể, chi tiết và trách nhiệm này thuộc về Ngân hàng Nhà nước nhiều hơn là Bộ Xây dựng, do đó, hai cơ quan này phải cùng phối hợp mới tìm ra được giải pháp tốt nhất.

Vị này cho biết thêm, các ngân hàng vẫn sẵn sàng cho bất động sản vay vốn nhưng họ sẽ có sự thẩm định, đánh giá về uy tín của chủ đầu tư nhiều hơn trước khi có vay.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG