Với "miếng bánh" địa ốc, cơ hội giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước là ngang nhau. Đây là nhận định của ông Toby Dodd, Tổng Giám đốc công ty Tư vấn và Tiếp thị bất động sản Cushman & Wakefield Việt Nam khi trả lời giới báo chí
Không lo mất phần
Theo ông T.Doddy, quan niệm cho nhà đầu tư nước ngoài với uy tín và tiềm lực tài chính dồi dào sẽ “bóp” chết các DN địa ốc trong nước là sai lầm. Các DN địa ốc nước ngoài tuy có một số ưu thế nhất định, nhưng họ vẫn không thể nào đứng ra đầu tư một dự án một mình từ A-Z nếu không có sự tư vấn và hướng dẫn của các nhà đầu tư trong nước.
“Thủ tục hành chính của Việt Nam rất nhiêu khê, đã vậy, khâu đền bù giải tỏa đất bao giờ cũng là cơn ác mộng đối với nhiều DN. Vì vậy, tâm lý chung của các nhà đầu tư nước ngòai là muốn mảnh đất đó phải "sạch", không vướng bất cứ thủ tục pháp lý nào. Và ở khâu này, không ai có thể thông thạo và có kinh nghiệm bằng các DN trong nước.”
Đồng tình với ý kiến trên, ông David Blackhall, Phó Giám đốc điều hành BĐS (tập đòan VinaCapital) cho biết, phần lớn các dự án BĐS của tập đoàn triển khai gần đây tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đều có sự tham gia của các công ty BĐS trong nước dưới nhiều hình thức .
“Ở một số quốc gia đang phát triển như Việt Nam, tiền chưa phải là tất cả. Nhà đầu tư cần phải hiểu luật và "lệ làng". Muốn hiểu, họ phải nhờ đến các công ty trong nước mà thôi".
Theo ông D.Blackhall, thị trường BĐS Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, thị trường lại được chia thành nhiều phân khúc khác nhau, nên các DN tùy theo điều kiện và khả năng tài chính của mình mà chọn lựa phân khúc thích hợp.
Ông D.Backhall cũng cho rằng, việc gần đây Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, gây rất nhiều khó khăn cho các DN địa ốc trong việc huy động nguồn vốn. Tuy nhiên, thông qua chính sách này, Chính phủ đã gián tiếp sàng lọc các DN địa ốc không có đủ tiềm lực ra khỏi thị trường, trả lại sân chơi cho các DN có đủ khả năng thực sự.
Còn theo bà Tạ Thị Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty BĐS TNT, các DN địa ốc trong nước không nên lo mình sẽ mất phần trước các DN nước ngoài. Vấn đề chính là họ phải biết được mình là ai, đang đứng ở đâu, tiềm lực thế nào… để tìm một hướng đầu tư cho đúng đắn
Tìm vốn ở đâu?
Trả lời giới báo chí gần đây, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành đã tỏ ra bức xúc trước chính sách thắt chặt tiền tệ, hạn chế cho vay tín dụng BĐS của Chính phủ.
Theo ông Đực, trong chính sách thuê đất, đóng thuế... DN trong nước luôn bị thiệt so với DN nước ngoài, nay lại bị cắt nguồn vốn vay thì DN chỉ có con đường là phá sản hay bán lại dự án cho nhà đầu tư nước ngoài!
Ông Đực cho biết thêm, DN BĐS hiên nay ở Việt Nam chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, nên nếu ngân hàng siết tín dụng quá lâu, sẽ khiến nhiều DN phải "chết đứng".
Còn theo ông Lâm Văn Chúc, Tổng Giám đốc Công ty địa ốc Phúc Đức, ngoài việc không bị tác động bởi chính sách thắt chặt tiền tệ của nhà nước, DN nước ngoài còn có ưu thế là được các ngân hàng quốc tế cho vay dễ dàng với nhiều ưu đãi.
Để giải quyết nhu cầu thiếu vốn trước mắt, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường khuyến khích các DN trong nước nên chủ động tìm nguồn vốn vay khác chứ đừng qua dựa dẫm vào ngân hàng. Theo ông Võ, trong lúc này, Chính phủ nên ban hành chính sách cho DN được thế chấp tài sản ở ngân hàng nước ngoài, gọi vốn từ các quỹ đầu tư. Mặc khác, ngân hàng trong nước cũng nên ưu tiên cho vay các dự án BĐS có tính khả thi cao.
Còn theo bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS TP.HCM, để hạn chế nguồn vốn vay lớn, nhiều rủi ro... các DN địa ốc trong nước nên hợp tác và liên kết lại với nhau. Bà Loan nêu lên dự án Dragon City ở quận 7 của Cty TNHH địa ốc Phú Long. Đây là dự án có vốn đầu tư lên tới hơn 1 tỷ USD, với vốn phần lớn là từ các công ty BĐS trong nước.