Chỉ xây khu dân cư khi đã hoàn thiện hạ tầng đô thị

Cập nhật 27/11/2017 08:43

Một trong những nguyên tắc cơ bản để đô thị phát triển bền vững, không ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường… là hệ thống giao thông nói riêng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói chung phải “đi trước một bước” so với việc xây dựng nhà ở và các công trình kiến trúc khác.

Khu dân cư bên đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Do vậy, căn cứ quan trọng để cấp phép xây dựng là đánh giá khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật… Đó là ý kiến của ông Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, thành viên Ban chấp hành Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TPHCM.

Xử lý hậu quả sẽ vô cùng khó và tốn kém

* Thưa ông, về cơ bản, TPHCM đã phủ kín quy hoạch xây dựng đô thị và nhiều địa phương đã căn cứ vào quy hoạch này để cấp giấy phép xây dựng cho người dân cũng như doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều nơi, dù xây dựng đúng quy hoạch nhưng sự xuất hiện của các công trình ấy vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông, thoát nước, môi trường… Ông nghĩ sao về việc này?

° Ông Võ Kim Cương: Quy hoạch xây dựng đô thị có nhiều nội dung, từ xây dựng nhà cửa, công trình kiến trúc cho tới đường sá, cầu cống… Một trong những nguyên tắc cơ bản trong phát triển đô thị là hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải “đi trước một bước” mới đảm bảo cho đô thị phát triển bền vững. Vấn đề hiện nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thường đi sau việc xây dựng nhà cửa… Đáng lẽ, sau khi có quy hoạch xây dựng, các cơ quan chức năng phải lập kế hoạch phát triển đô thị, trên cơ sở nguồn vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật tới đâu thì cho phép xây dựng nhà cửa tới đó… Phải có bước đi đồng bộ như vậy mới giải quyết được tình trạng nhà cửa xây dựng đúng quy hoạch nhưng thành phố vẫn khó phát triển bền vững.

° Có lẽ trong nội đô “đất chật, người đông” mới cần phát triển đô thị theo hướng như ông nói; còn đối với khu vực ngoại thành, có thể “linh hoạt” được chăng? Nhất là nhiều cư dân ở đây có nhu cầu tách thửa, chia một phần đất cho con cháu tạo dựng nhà cửa.

° Ở đâu cũng nên tuân thủ nguyên tắc “hạ tầng đi trước một bước”. Ở khu vực ngoại thành càng phải quản lý chặt việc xây dựng, đặc biệt đối với đất  nông nghiệp (dù khu vực này được quy hoạch đất ở). Bởi thực tế thời gian qua người dân có nhu cầu tách thửa cho con cái tạo lập nhà cửa chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Đa phần còn lại là giới đầu cơ bất động sản lợi dụng chủ trương này thu gom đất rồi tiến hành tách thửa, bán kiếm lời bất chính, kể cả nơi đó chưa có hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Việc này đã để lại hậu quả khôn lường cho chính người mua nhà, đất cũng như Nhà nước. Người mua nhà ở những khu vực chưa có hệ thống hạ tầng sẽ phải đối mặt với nguy cơ đi lại khó khăn, rồi ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường… Còn Nhà nước khi muốn làm hạ tầng sẽ phải tốn chi phí nhiều hơn vì vừa giải phóng mặt bằng, bồi thường đất cho người dân vừa làm đường, cống thoát nước, cấp nước…

Nhà nước phải đánh giá được nhu cầu ở của người dân

° Tuy không nhiều, song nhu cầu tách thửa để tạo lập nhà cửa cho con cái, anh em… của người dân là có thực.

° Nếu đã có khoảnh đất đủ để tách thửa, có nghĩa người dân này cơ bản có điều kiện về tài chính. Nhu cầu nhà ở cho con cái không chỉ riêng người có đất cần tách thửa mới có và cũng không thể vì nhu cầu đó mà xây dựng ở đâu cũng được. Do vậy, nếu khu vực họ ở chưa đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật thì không nên cho họ tách thửa để xây nhà. Họ có thể bán và tìm mua chỗ đất đã có hạ tầng, hoặc cùng doanh nghiệp phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng khu dân cư. Nếu cứ cho phép xây dựng ở khu vực chưa có đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật thì vô tình chúng ta lại để hình thành những khu nhà ổ chuột. Sau này, chi phí xử lý các khu nhà này sẽ vô cùng lớn và khó huy động đủ kinh phí. Còn nếu dùng tiền ngân sách giải quyết, đó cũng là tiền của nhân dân đóng góp. Chính vì vậy, tôi nghĩ mọi người nên có trách nhiệm hơn đối với thành phố của mình. Chuyển mục đích sử dụng đất hay cho phép xây dựng chỉ căn cứ theo quy hoạch trên giấy là rất nguy hiểm cho đô thị.

° Vậy còn trách nhiệm của Nhà nước trước nhu cầu “an cư” chính đáng của người dân?

° Trách nhiệm của Nhà nước là phải đánh giá được nhu cầu ở của người dân, có kế hoạch và tìm mọi cách huy động kinh phí đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật một cách hợp lý để người dân có điều kiện tạo lập nhà ở. Nơi nào người dân ở nhiều, phù hợp với mục tiêu phát triển đô thị, thành phố phải ưu tiên nguồn vốn đầu tư vào đây hoặc có kế hoạch xã hội hóa, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Hài hòa được lợi ích của người dân và lợi ích của cộng đồng, của thành phố là nguyên tắc cơ bản để xây dựng thành phố phát triển bền vững.

° Xin cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP