“Phân loại đô thị có ý nghĩa gì? Ở các nước không có chuyện phân loại đô thị, mà nếu có thì cũng không có chuyện “chạy” loại đô thị như kiểu “chạy” chức, “chạy” bằng như ở Việt Nam…”
Để hoàn chỉnh dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ ban hành, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến của các cơ quan, doanh nghiệp góp ý cho dự thảo Nghị định phân loại đô thị.
Tại dự thảo, Bộ Xây dựng đề xuất 5 tiêu chí cơ bản đánh giá phân loại đô thị gồm: Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; Quy mô dân số đô thị; Mật độ dân số đô thị; Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng.
Cũng tại dự thảo, đô thị đặc biệt chỉ cần có quy mô dân số đô thị đạt từ 3 triệu người trở lên (thay vì từ 5 triệu người như quy định hiện hành); mật độ dân số đô thị đạt từ 10 nghìn người/km2 trở lên (hiện hành là 15 nghìn người/km2 trở lên).
Tương tự, dự thảo cũng đề xuất quy mô dân số đô thị loại 1 đạt từ 300 nghìn người trở lên thay vì 500 nghìn người (đô thị trực thuộc tỉnh), 1 triệu người (trực thuộc Trung ương) như hiện nay. Đồng thời, mật độ dân số đô thị thay vì 10 nghìn người/km2 trở lên (đô thị trực thuộc tỉnh), 12 nghìn người/km2 trở lên (trực thuộc Trung ương) như hiện nay thì chỉ cần đạt từ 6 nghìn người/km2 trở lên.
Dự thảo về Nghị định phân loại đô thị đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ.
|
Cùng với đó, các đô thị loại 2, 3, 4 và 5 cũng có các con số đề xuất về quy mô dân số và mật độ dân số đô thị thấp hơn so với quy định hiện hành.
Trước những vấn đề của dự thảo nói trên, trao đổi với PV Infonet, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam tỏ ra khá bức xúc với kiểu phân loại đô thị ở Việt Nam. Ông cho rằng, dự thảo phải dựa trên cơ sở khoa học và chưa có Hội thảo tổng kết, công bố rộng rãi về những đô thị hiện nay được đánh giá như thế nào mà thay đổi các con số quy định về phân loại đô thị là sao?
“Cái quan trọng sau khi phân loại đô thị ý nghĩa là cái gì? Hay chỉ là Thị ủy biến thành Thành ủy… chứ quản lý đô thị thì chẳng có gì thay đổi”, ông Liêm nói.
Theo chia sẻ của vị Chủ tịch Hội Xây dựng này, ông có biết đến một tổng kết của Ngân hàng thế giới có phê phán Việt Nam do có việc phân loại đô thị nên mới có chuyện “chạy” loại đô thị cũng giống như “chạy” chức, “chạy” bằng.
“Mỗi lần “chạy” như thế thì rất tốn kém tiền, chứ không phải cứ nâng loại mà đủ điều kiện được nâng đâu… Tôi đã thấy đô thị loại 1 “oai” như Huế thì quyền của chính quyền đô thị cũng không khác gì đô thị loại 3 cả.
Trường cấp 3 vẫn thuộc Sở, chợ Đông Ba thì thuộc Sở Thương mại, đô thị không có quyền gì, chỉ được mấy phòng khám, chỉ có quyền hót rác…. Thậm chí nhà máy nước cũng thuộc tỉnh. Thế thì nâng loại có ý nghĩa gì? Nâng loại phải đi tương đương với phân quyền, phân cấp. Loại càng cao thì cấp càng nhiều hơn”.
TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam: Phân loại đô thị có ý nghĩa gì? Ở các nước không có chuyện phân loại đô thị, mà nếu có thì cũng không có chuyện “chạy” loại đô thị như kiểu “chạy” chức, “chạy” bằng như ở Việt Nam...
|
“Không phải đô thị loại 1 đã là “oai” mà phải là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, ngang cấp tỉnh mới có đủ quyền, chứ đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh thì chẳng có quyền gì cả, quyền tỉnh nắm hết, họ chỉ mong nâng loại để cho nó “oai” là trong nhiệm kỳ tôi đã làm được việc nâng đô thị từ loại này lên loại này”, ông Liêm phân tích.
Phân loại đô thị nhân dân được cái gì? Ông Liêm cho hay, nhân dân từng ca thán với ông, giá đất đô thị loại càng cao thì giá càng cao, tự nhiên nhân dân phải đóng tiền các loại đắt hơn.
Vì thế, theo ông Liêm nên bỏ phân loại đô thị bởi ở các nước không có chuyện phân loại đô thị, mà nếu có thì cũng không có chuyện “chạy” loại đô thị như kiểu “chạy” chức, “chạy” bằng như ở Việt Nam.
Ông Liêm dẫn chứng, như ở Pháp, một đô thị khoảng 5.000 người với thành phố lớn hàng mấy chục vạn người đều như nhau, quyền hạn như nhau vì tất cả đều là cơ sở, tức là dưới một thành phố lớn thì ở nước đó không còn cấp chính quyền nào cả.
Còn ở Việt Nam, cấp chính quyền còn có cấp quận, phường. Vì thế, vừa rồi TP Hồ Chí Minh họ đề xuất chính quyền đô thị nhưng không được Quốc hội chấp nhận. Thế nên ở Việt Nam mới có chuyện sống bên cạnh trường nhưng sang học lại bảo là trái tuyến vì là quận khác, phường khác.
Tuy nhiên, TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, nói xóa bỏ phân loại đô thị là chuyện lớn, nhưng phải nói phân loại đô thị thì ý nghĩa là gì? Phân loại đô thị đi kèm với gì, đem lại lợi ích gì? Chứ không phải chỉ nói chữ phân loại cho nó “oai”!
Ông dẫn chứng thêm, nhiều huyện hiện nay muốn trở thành thị xã, ví như huyện Văn Giang (Hưng Yên) hay thị xã Chí Linh ở Hải Dương cũng đang muốn cả huyện thành thị xã, trong khi đến đó toàn rừng, thậm chí có cả dân tộc thiểu số.
“Đô thị không ra đô thị, nông thôn không ra nông thôn, chỉ có lấy tiếng lấy tên rồi phân loại làm ầm lên… những chuyện đó là dối mình, dối người, chẳng ra làm sao cả. Nhiều nơi đáng lẽ còn lâu nhưng lại muốn nâng loại đô thị thì phải “chạy”, chứ không phải cứ đủ tiêu chuẩn mà lên được đâu”, ông Liêm nói thẳng.
Việc dự thảo phân loại đô thị đang đưa ra những con số về quy mô dân số, mật độ dân số… thấp hơn so với quy định hiện hành, phải chăng Bộ Xây dựng đang muốn chúng ta ngày càng có thêm nhiều đô thị?
Ông Liêm đặt câu hỏi: Thêm lên những đô thị ở nước ta thì được ích lợi gì? Cuối cùng ở đâu cũng thành đô thị loại 1 thì ít nữa sẽ thế nào?... Trong khi trách nhiệm, quyền lợi của chính quyền đô thị không thay đổi, nếu có sự thay đổi nào thì chỉ có thêm bất lợi cho người dân mà thôi.
DiaOcOnline.vn - Theo Infonet