Tham dự Hội nghị bất động sản quốc tế tại TP.HCM tuần qua, các chuyên gia vẫn tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam trong năm 2010. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất, theo các chuyên gia, để hút một lượng vốn từ các quỹ đầu tư BĐS lớn của thế giới, Việt Nam cần quyết liệt cải thiện chỉ số minh bạch BĐS.
Minh họa sự minh bạch và ảnh hưởng dòng vốn vào BĐS được TS Boaz Boon nêu ra |
Theo TS Boaz Boon - phó chủ tịch cấp cao phụ trách nghiên cứu CapitaLand, chỉ số minh bạch bất động sản là một công cụ giúp nhà đầu tư phát triển cơ cấu chiến lược đầu tư toàn cầu, hoặc khu vực phù hợp, hoặc để đặt ra các tỉ suất lợi nhuận đầu tư tối thiểu cho từng vùng và thành phố cụ thể.
Sự minh bạch là yếu tố hàng đầu đưa một thành phố đi đến thành công. Chỉ số này có thể thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư bất động sản và người mua BĐS. Trong khi đó, Việt Nam có chỉ số minh bạch thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong quá trình giao dịch Singapore luôn có sẵn thông tin cho công chúng về bất động sản cho thuê hoặc bán; thường xuyên kiểm tra tính chuyên nghiệp của người môi giới và nhà cung cấp dịch vụ; phí dịch vụ, phí quản lý và chi phí nợ rõ ràng. Đặc biệt, hệ thống quản lý - pháp lý của Singapore rất công bằng và hiệu quả - do đó đạt được điểm tối ưu ở chỉ số minh bạch. |
TS Boaz Boon cho rằng thời gian qua Việt Nam đã nỗ lực cải thiện các quy định về quyền sở hữu tài sản, ví dụ: cá nhân và tổ chức nước ngoài được phép mua căn hộ tại Việt Nam từ tháng 1-2009; Việt kiều được phép mua và sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại Việt Nam từ 1-9-2009...
Quá trình phê duyệt theo đó cũng đã được chấn chỉnh với việc nhà đầu tư có thể xin phê duyệt quy hoạch tổng thể đồng thời với việc xin cấp giấy phép đầu tư và quyền sử dụng đất; rút ngắn khoảng thời gian giữa quá trình xét duyệt cấp giấy phép đầu tư (lần rót vốn đầu tiên) và trước khi bắt đầu kinh doanh từ 18-24 tháng xuống còn 9-12 tháng...
TS Boaz Boon cũng dẫn cách làm của Singapore - nước trong khu vực có độ minh bạch cao. Theo đó, Sở Giao dịch chứng khoán Singapore thiết lập rất tốt chỉ số ghi lại hiệu quả hoạt động của chứng khoán bất động sản; Cơ quan Tái phát triển đô thị của Singapore (URA) cập nhật thông tin hàng quý về cung - cầu - vốn và giá trị thuê của tất cả các loại bất động sản bao gồm khách sạn, công nghiệp, bán lẻ, văn phòng và nhà ở; Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) ứng dụng phương thức quản trị doanh nghiệp và công khai tài chính hiệu quả và đã được chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Về góc độ quản lý nhà nước, TS Trần Kim Chung, trưởng ban nghiên cứu chính sách đầu tư - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương thuộc Bộ Kế hoạch - đầu tư, đã đưa ra các kiến nghị giải pháp chính sách minh bạch hóa thị trường bất động sản. Theo đó, Việt Nam cần nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý cao về thông tin bất động sản.
Cùng với việc phát triển của hệ thống tin học Chính phủ và việc phát triển của mạng Internet, hệ thống Intersat Việt Nam, việc tin học hóa toàn bộ hệ thống thông tin bất động sản là cần thiết và có khả năng hiện thực.
Bên cạnh đó là việc nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý cao về cung cấp thông tin bất động sản, trước mắt nhằm xây dựng các chỉ số giá nhà (Housing Price Index - HPI), chỉ số giá bất động sản (Real Estate Price Index - RPI) và chỉ số thị trường bất động sản (Real Estate Market Index - REMI).
TS Nguyễn Sơn, vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường - UBCKNN, cho rằng để phát triển thị trường BĐS cần có sự liên thông với thị trường chứng khoán. Theo đó, cần hoàn thiện khung pháp lý về thị trường BĐS để hỗ trợ tạo hàng hóa và vốn hóa thị trường BĐS; hoàn thiện hệ thống thông tin về BĐS và thị trường BĐS nhằm phát triển công khai, minh bạch; xác lập cơ chế huy động vốn từ các thành phần kinh tế trong nước và các tổ chức nước ngoài để tạo vốn cho thị trường BĐS; hình thành thị trường tái thế chấp và phát triển nghiệp vụ chứng khoán hóa; hình thành các mô hình công ty tín thác đầu tư BĐS (REIT)...
Ông Sơn cũng đề nghị xem xét thành lập cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở và BĐS làm công cụ để Chính phủ điều tiết và thúc đẩy hệ thống tài chính BĐS; phát triển thị trường trái phiếu, thị trường các chứng khoán phái sinh để hỗ trợ vốn cho thị trường BĐS; đồng thời sẽ xây dựng chỉ số chứng khoán doanh nghiệp BĐS trên TTCK để tham chiếu với thị trường này.
Dư nợ cho vay đầu tư BĐS tăng
Tính đến 30-6-2009, dư nợ cho vay với mục đích đầu tư kinh doanh bất động sản tăng khoảng 10,48% so với cuối năm 2008. Dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản tại 5 thành phố trực thuộc trung ương chiếm trên 70% dư nợ toàn quốc. Đặc biệt, TP.HCM chiếm 45% tổng doanh số cho vay BĐS toàn quốc, là địa phương dư nợ BĐS lớn nhất.
Tỉ lệ nợ xấu của hệ thống hiện ở mức 2,52% so với tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, tăng 0,35% so với mức 2,17% vào cuối năm 2008. Điều nổi bật là tỉ lệ nợ xấu đối với mục đích đầu tư kinh doanh bất động sản luôn thấp hơn với mức nợ xấu bình quân chung. (Nguồn: Ngân hàng TMCP Sài Gòn)
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO