Sau chủ trương ủy quyền cho các bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyết định chỉ định thầu đối với dự án có mức vốn tối đa không quá 5 tỷ đồng, một số địa phương đã “nhanh chân” gửi danh mục dự án.
Khoảng từ 2.000 - 3.000 tỷ đồng trung bình mỗi địa phương, theo ước tính của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng số vốn trong danh mục dự án chỉ định thầu của các tỉnh, thành phố gửi về có thể lên đến 150.000 -160.000 tỷ đồng, bằng khoảng một nửa tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của năm 2009.
Nếu tính cả các bộ, con số có thể lên đến 60-70%.
“Một số địa phương gần như đưa tất cả các dự án trên địa bàn vào diện chỉ định thầu, với phương châm chờ cắt bớt đi là vừa”, ông Đặng Huy Đông, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu bức xúc.
Chỉ định thầu là một trong những giải pháp để góp phần thực hiện chủ trương kích cầu của Chính phủ. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải được triển khai sớm, thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Tuy nhiên, thực hiện chỉ định thầu trong điều kiện vẫn đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tránh thất thoát là vấn đề không dễ giải quyết.
Chỉ có khoảng 10 ngày để trình văn bản hướng dẫn lên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong trọn sáng ngày 26/2, Cục Quản lý đấu thầu đã thảo luận với các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty để lấy ý kiến cho dự thảo. Theo dự kiến, văn bản sẽ được ký vào ngày mai để kịp ban hành trong tháng 2/2009, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Đưa tiêu chí thế, chỉ định thầu được hết!”
Một trong những điều kiện để gói thầu nằm trong diện chỉ định thầu là phải thuộc dự án cấp bách, vì lợi ích quốc gia, an ninh an toàn năng lượng. Quan điểm phản biện cho rằng, đã là dự án thuộc nguồn vốn ngân sách thì đều là vì lợi ích quốc gia cả.
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho rằng cần cụ thể hóa hơn công trình nào, dự án, hay gói thầu nào “chứ nếu cứ đưa tiêu chí thế này mà ra văn bản thì chúng tôi chỉ định thầu được hết”.
Một ví dụ liên quan cũng được ông Đặng Huy Đông đưa ra, với mức quy mô dưới 5 tỷ thì các dự án ở xã, phường thuộc diện này hết. Cụ thể, với khoảng 11.000 xã phường thì tổng số vốn dự án chỉ định thầu đã có thể lên đến 55.000 tỷ đồng.
“Điểm mới” của dự thảo so với văn bản chỉ đạo của Thủ tướng là cho phép các tập đoàn, tổng công ty cũng được chỉ định thầu. Xét đối với điều kiện dự án an ninh an toàn năng lượng, có ý kiến cho rằng như vậy các dự án của Tập đoàn Điện lực sẽ “nằm trọn” trong diện này.
Để “khống chế” các dự án chỉ định thầu, một điểm được ban soạn thảo đưa ra, đó là tổng giá trị các gói thầu đề nghị chỉ định thầu trong danh mục dự án không vượt quá 20% tổng vốn Nhà nước cho xây dựng cơ bản trong năm kế hoạch. Tuy nhiên, theo một số ý kiến, “rào cản” này có thể khó phát huy hiệu lực.
Đại diện của Hà Nội cho biết, dự án cầu Vĩnh Tuy trị giá 7.000-8.000 tỷ đồng là chỉ định thầu, có dự án ODA kéo dài 10 năm cũng xin được chỉ định thầu. “Bàn về 20%, thực tế là địa phương chúng tôi đã vượt quá rất nhiều”, vị này nói.
“Có thể bị lợi dụng để trục lợi!”
Sự cẩn trọng của cơ quan soạn thảo là không thừa, bởi những “kẽ hở” và “lỗ thủng” của chính sách rất có thể bị lợi dụng để trục lợi. “Chỉ định thầu thì rủi ro về trục lợi cá nhân rất lớn”, ông Đặng Huy Đông nói.
Với điều kiện là gói thầu “cấp bách”, thực tế cho thấy nhiều dự án, dù có kế hoạch từ rất sớm, nhưng lại bị cố ý kéo dài, dẫn đến thời gian triển khai còn ít và trở nên cấp bách một cách “cưỡng bức”. Như vậy, mọi dự án cũng đều có cơ hội “lọt vào” diện được chỉ định thầu.
Kinh nghiệm từ thực tế, ông Đặng Huy Đông chia sẻ thêm thông tin. Ví dụ, dự án liên quan đến sự kiện Việt Nam đăng cai giải thể thao trong nhà vào năm 2010, nhưng cho dù đã được chuẩn bị từ năm 2007, đến nay có dự án vẫn chưa đâu vào đâu.
Và cứ như vậy, các dự án vào diện “cấp bách” cả!
Nhiều quan điểm cho rằng khu vực vùng sâu, vùng xa, dự án đặc thù, dự án đầu tư thiết bị công nghệ cao… thuộc diện ít có nhà thầu đủ khả năng đảm đương thì nên cho phép chỉ định thầu.
Viện dẫn Luật Đấu thầu, ông Đặng Huy Đông lập luận rằng nếu chỉ có một nhà thầu thì theo Luật vẫn chấp nhận để trúng thầu, và nếu vậy, quá trình thanh toán sẽ thuận lợi hơn nhiều, kho bạc Nhà nước cứ căn cứ hợp đồng mà thanh toán, không “cự nự” gì.
Ngược lại, trường hợp chỉ định thầu thì phải đối chiếu với đơn giá của Nhà nước, và thường rất mất thời gian cho phía nhà thầu để nhận được tiền theo tiến độ khối lượng thi công.
“Tôi không hiểu lý do gì mà đấu thầu thì không ai tham gia, nhưng chỉ định thầu thì giải quyết được!”, ông Đông đặt vấn đề.
Vị Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cũng dẫn chứng một số trường hợp, do phía chủ đầu tư có doanh nghiệp “ăn cánh”, đã lập hồ sơ mời thầu để không đơn vị nào có thể trúng thầu được. Cuối cùng mục đích là để được chỉ định thầu cho đơn vị thân quen.
“Nguyên nhân chậm chế ảnh hưởng đến dự án thì đấu thầu chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại 85% là các nguyên nhân khác như giải phóng mặt bằng, quy hoạch…”, ông Đông nói.
Thẳng thắn nhìn nhận, vị Cục trưởng này còn chỉ rõ trách nhiệm của phía chủ đầu tư. “Có những dự án cho chỉ định thầu thì vẫn chậm, chỉ bởi vì trong nội bộ phía chủ đầu tư có xung đột lợi ích, khiến việc chỉ định nhà thầu chưa thể được ký duyệt. Chậm là do con người, nhùng nhằng quyền lợi…”, ông Đông trầm giọng.
“Nếu thấy trách nhiệm thì hãy đấu thầu!”
Việc trao quyền chỉ định thầu vào tay bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh là đặt cả trách nhiệm rất lớn vào người đưa ra quyết định chỉ định thầu.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, mặc dù một số gói thầu mua sắm thuốc dập dịch thuộc diện được chỉ định thầu, nhưng Bộ này cũng không “dám” chỉ định mà chuyển qua đấu thầu hết vì “ngại” trách nhiệm.
Cũng đồng tình với quan điểm này, một đại diện của Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM cho biết, địa phương này có tới 400 dự án trình lên Chính phủ trong danh mục các dự án chỉ định thầu, nhưng bản thân phía Thành phố không ủng hộ việc chỉ định thầu "tràn lan" với các dự án này.
Cùng quan điểm, ông Đặng Huy Đông nhận định: “Vừa rồi, các địa phương đưa danh sách dự án thế thôi. Nếu cho quyết thì chắc gì dám quyết tràn lan đâu. Vì còn ngại thanh tra, ngại công an vào cuộc...”.
Khẳng định thêm quan điểm nên hạn chế chỉ định thầu, ông Đông cho rằng trường hợp có thể đầu thầu thì nên để đấu thầu sẽ tốt hơn cho nhà thầu trong khâu thanh toán, giảm áp lực trách nhiệm với phía chủ đầu tư.
“Nếu đều có trách nhiệm, có ý thức thì đâu cần bàn tới văn bản hướng dẫn chỉ định thầu. Nếu thấy trách nhiệm thì hãy đấu thầu!”, ông Đông kết.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy