Chỉ 10 triệu đồng/m2, nhà ở xã hội vẫn ế ẩm

Cập nhật 25/11/2021 13:20

Giá bán chưa tới 10 triệu đồng/m2 nhưng ở xa trung tâm, gói vay ưu đãi 30.000 tỷ kết thúc khiến cho các dự án nhà ở xã hội ế ẩm.

chỗ ở nhưng vẫn ế nhà xã hội (Ảnh minh hoạ: D.A)

Dự án lận đận

Dự án nhà ở xã hội và thương mại dịch vụ AZ Thăng Long (Bright City) tại huyện Hoài Đức, do Công ty TNHH bánh kẹo Thăng Long (thành viên của Công ty bất động sản AZ), làm chủ đầu tư. Đây vốn là dự án nhà ở thương mại, nhưng trong suốt quá trình triển khai, dự án đã nhiều lần “đắp chiếu”. Đến năm 2014, chủ đầu tư xin chuyển dự án này sang dự án nhà ở xã hội. AZ Thăng Long là dự án nhà ở xã hội nằm trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Dự án Bright City được khởi công từ 11/2014 và theo hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho cư dân vào tháng 11/2017. Tuy nhiên, khi gói 30.000 tỷ kết thúc, dự án đã gặp khó khăn về nguồn vốn khiến tới triển khai và bàn giao nhà cho người dân chậm.

Cư dân của Bright City đã phải nhiều lần đi kêu cứu cơ quan chức năng. Cuối năm 2018, nhiều khách hàng mua nhà dự án nhà ở xã hội Bright City đã kéo đến trước cổng Sở Xây dựng Hà Nội căng băng rôn đòi quyền lợi do dự án "vỡ tiến độ" đẩy hàng trăm người thu nhập thấp vào hoàn cảnh khó khăn khi vừa phải trả lãi ngân hàng vừa phải trả tiền thuê nhà.

Hay như một dự án nhà ở xã hội khác là Bamboo Garden (Quốc Oai, Hà Nội). Đây là dự án được chủ đầu tư nhanh chân chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội từ năm 2014 để kịp hưởng những ưu đãi gói 30.000 tỷ đồng.

Dự án có tổng số 432 căn hộ, trong đó có 346 căn hộ nhà ở xã hội để bán, 86 căn hộ nhà ở xã hội để cho thuê. Giá bán tạm tính căn hộ nhà ở xã hội chưa tới 10 triệu đồng đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì). Với mức giá rẻ như vậy nhưng dự án này trầy trật mở bán nhiều lần vẫn chưa hết.

Việc mở bán đến hàng chục lần, nhiều người cho rằng, dự án Bamboo Garden của CEO Group đã xác lập mức kỷ lục “vua” bán nhà với số lần nhận hồ sơ mua nhà lớn nhất từ trước đến nay.

Đánh giá về các dự án nhà ở xã hội, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trong 10 năm qua, chúng ta đặt tham vọng xây dựng 22,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội nhưng thực tế chỉ xây được 17,6 triệu m2, tức là 78%. Tuy nhiên, số lượng căn nhà xã hội đưa vào sử dụng còn lãng phí, nhiều dự án bỏ hoang, xuống cấp nhanh.

“Một số công trình dự án chất lượng thấp được triển khai nhiều năm qua dẫn đến cái nhìn về hình ảnh nhà ở xã hội bị ảnh hưởng, rằng đó là nhà ở thấp cấp, xập xệ. Chủ đầu tư thấy bỏ ra nhiều tiền nhưng không thu được gì nên cũng “né”. Vì vậy, thời gian tới, rất cần các cơ chế chính sách để tạo ra sự phát triển đột phá", ông Lực nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tính đến cuối 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2 (đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020); đang triển khai 278 dự án với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13,8 triệu m2.

Doanh nghiệp không mặn mà

Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS- cho rằng, từ sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc, việc phân bổ nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; đến này, Ngân hàng Chính sách xã hội mới được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 27% nhu cầu giai đoạn 2016-2020.

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định (4 ngân hàng thương mại) chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội, dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công do chủ đầu tư và người mua không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác đến từ quy định hiện hành. Đến nay cũng chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân khu công nhân.
Nhiều khó khăn triển khai nhà ở thu nhập thấp (Ảnh minh hoạ:D.A)

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Shinec, kiến nghị cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, nhất là về tín dụng, để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư ở phân khúc này.

"Hầu hết doanh nghiệp chưa quan tâm, tích cực tham gia đầu tư nhà ở xã hội do các chính sách ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn", đại diện Shinec cho hay.

Đáng lưu ý, quy trình đầu tư dự án nhà ở xã hội không khác nhà ở thương mại là bao, trong khi giá bán và lợi nhuận mang về lại thấp hơn nhiều. Điều này, theo ông Điệp, khiến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không mặn mà tham gia đầu tư.

Ông Phạm Hồng Điệp góp ý, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi nhất là về tín dụng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở công nhân. Để xây dựng Luật Nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội cần tích hợp giữa các Luật như: Xây dựng, Nhà ở, Đất đai, Luật Thuế và quy định, Nghị định về phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp. Đối với Luật Đất đai, Luật Quy hoạch cần quy định rõ ràng và cơ chế thông thoáng về nội dung này.

Xuất phát từ thực tế, bà Vũ Thị Hợp, Chủ tịch HĐQT CTCP thương mại Dạ Hợp, đề xuất, các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng KCN, cụm công nghiệp cần chú ý đến thói quen sinh hoạt, văn hóa,... của người lao động; quan tâm hơn đến vai trò, vị trí của công nhân. Chính phủ nên ưu tiên bố trí nguồn vốn xây dựng nhà ở công nhân thông qua các ngân hàng thương mại, thay vì chỉ ngân hàng chính sách thực hiện nhiệm vụ này, thì việc sử dụng vốn sẽ hiệu quả hơn.

DiaOcOnline.vn – Theo Vietnamnet