Chết gí 10 năm tiền tỷ tiêu tán: Sốt đất dội về, chạy nhanh thoát thân

Cập nhật 27/04/2019 15:00

Nghe thông tin sốt đất Đông Anh, chị Quỳnh nóng hết cả ruột. Mảnh đất chị đầu tư 10 năm nay vẫn chưa nhích giá, chị muốn bán nhưng vẫn chưa gặp khách

10 năm vẫn khó bán


Cách đây gần 10 năm, chị Nguyễn Thu Quỳnh (Hải Hậu, Nam Định) có một khoản tích cóp gần 1 tỷ đồng. Năm 2011, được bạn bè giới thiệu, chị ôm số tiền này đi mua đất Đông Anh để chờ thời. Lô đất gần 60m2 chị mua thời điểm đó giá 17 triệu đồng/m2.

Khi đó, vào đầu 2011, đất Đông Anh sốt giá tăng chóng mặt lên đến 50-60% so với năm 2009. Các xã thuộc huyện Đông Anh được xem là điểm nóng của việc tăng “nóng” giá đất ở. Một số thông tin liên quan đến quy hoạch, cũng như kế hoạch xây dựng giao thông hạ tầng của khu vực này, cùng với đó là sự làm giá của giới đầu cơ đã đẩy giá đất của khu vực này lên đến vài chục triệu đồng/m2. Thậm chí, có nơi lên đến 40-50 triệu đồng/m2 vào đầu năm 2011.

Nhiều lô đất ở Đông Anh đang được rao bán

Thời điểm sốt giá người ta cứ mua đi, bán lại một mảnh đất. Người đến sau chấp nhận trả giá cao hơn và hy vọng lại bán cho người khác. “Lúc đó, mua mảnh đất chỉ vài tháng sau lãi cả trăm triệu, nhưng mình vẫn chờ lên cao nên không bán thành ra giờ chết dí”, chị Quỳnh chia sẻ. Theo chị Quỳnh, mỗi lần nghe giá đất Đông Anh tăng chị lại sốt ruột, nhờ người rao bán.

Dù vậy, 2 năm tiếp theo, dưới quy luật chung của thị trường, giá đất thổ cư Đông Anh tụt dốc tùy từng khu vực. Hiện vẫn còn tồn dư nhiều cảnh "khóc dở mếu dở" của không ít nhà đầu tư ôm đất tại đây, trong khi lãi ngân hàng vẫn phải trả mà tài sản lại chưa thể sinh lời.

“Gần đây, nghe đâu giá đất lại tăng nhưng tôi thấy toàn là thổi giá ảo, đăng bán giá gốc hơn năm nay còn chẳng thấy có người mua. Toàn là tin do môi giới với báo cáo đưa ra, không phải thực tế”, chị cho hay.

Tương tự, ông Hoàng Anh Tú, một nhà đầu tư mua đất Đông Anh, cho biết: "Gia đình tôi đang muốn bán gấp một mảnh đất gần cầu Nhật Tân - Ngọc Chi, diện tích 105m2, mặt tiền 5m, dài 21m, hướng Đông, đường rộng 4,5m, giá 25 triệu đồng/m2 nhưng chủ yếu vẫn chỉ là khách dò hỏi”.

Theo ông Tú, nhiều người đã trót mua để “lướt sóng,” trước sức ép thu hồi tiền, đang phải bán tháo chấp nhận lỗ".

Đất Đông Anh vẫn "nóng"

Báo cáo của Batdongsan.com.vn cho thấy trong quý I, đất nền huyện Đông Anh được quan tâm nhiều nhất tại thị trường Hà Nội. Trong đó, đất ở các xã Kim Chung, Hải Bối, Đông Hội nhận được nhiều sự chú ý nhất. Có lượng truy cập lớn nhất là các mảnh đất giá dưới 20 triệu đồng/m2 với diện tích 30-60 m2 hay 60-90 m2. Trong khi đó, các loại diện tích lớn có lượt tìm kiếm, truy cập ít hơn.

Cũng theo đơn vị nghiên cứu này, trong 5 năm qua, đất Đông Anh tăng giá 61%, đạt mức trung bình 16 triệu/m2 vào quý I năm nay.

Thực tế, giá đất thổ cư tại Đông Anh tháng 2 năm nay tăng mạnh kể từ khi Hà Nội chính thức công bố Đồ án Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài. Thông tin huyện này sẽ lên quận vào năm 2020, đặc biệt, khi nhiều siêu dự án dự kiến được xây dựng tại khu vực này, cũng khiến giá đất trong huyện "nhảy múa".
Đổ xô buôn đất Đông Anh

Đỉnh điểm, một số lô đất mặt đường dọc trục đường Võ Nguyên Giáp, dưới chân cầu Nhật Tân, được “hét” giá 100-180 triệu đồng/m2. Thị trấn Đông Anh có giá đất khoảng 100-120 triệu đồng/m2, hay khu vực Tiên Dương, giá đất thổ cư tại mặt đường lớn giao động ở khoảng 30-35 triệu đồng/m2.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Danko Group, nhận định: Vốn dĩ ngay từ khi cầu Nhật Tân chính thức thông xe, giá đất tại nhiều khu vực thuộc địa phận huyện Đông Anh đã có dấu hiệu tăng mạnh trở lại, việc sốt đất nền tại khu vực cũng là điều dễ hiểu và có thể chấp nhận.

Tuy nhiên, trên thực tế, các siêu dự án vẫn chưa đi vào triển khai xây dựng nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tình trạng giao dịch. Với các thông tin quy hoạch và phát triển hạ tầng như hiện nay, việc sốt ảo đất nền là rất khó có thể xảy ra.

Theo ông Tuấn, Đông Anh là địa phương có hạ tầng mới phát triển, nhất là sau khi Hà Nội công bố Đồ án Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài. Bên cạnh đó là việc siêu dự án KĐT tại khu vực địa phận Hải Bối, Vĩnh Ngọc hay Dự án công viên Kim Quy tại Ngọc Chi và sắp tới là thông tin huyện Đông Anh phát triển lên quận vào năm 2020 đã tác động không nhỏ tới thị trường bất động sản huyện ngoại thành này.

Ngoài ra, sự xuất hiện của một số ông lớn trong làng bất động sản đầu tư vào khu vực cũng gây sự chú ý cho một lượng không nhỏ khách đầu tư để mắt đến thị trường này.

Đưa ra lời khuyên, ông Tuấn cho rằng, để đón đầu cơ hội đầu tư mà vẫn hạn chế tối đa rủi ro, người mua và những nhà đầu tư cần xem xét thật kỹ quy hoạch hạ tầng và dựa trên khảo sát thực tế. Các nhà đầu tư không nên chạy theo tin đồn, theo những bánh vẽ mà cò mồi đưa ra những giá trị ảo. Đầu tư là phải dựa trên tiềm năng phát triển thực tế và thông tin có cơ sở.

“Khi giao dịch mua bán, các giấy tờ đất đai đều phải rõ ràng minh bạch, chú trọng tính pháp lý tránh việc vướng phải đất đai tranh chấp, kiện tụng. Đặc biệt, nhà đầu tư nên tìm cho mình một đơn vị tư vấn có kinh nghiệm và chuyên nghiệp, để có được sự lựa chọn hợp lý nhất cả lúc mua cũng như khi bán”, ông Tuấn nói.

DiaOcOnline.vn – Theo Vietnamnet