Chênh lệch cao giữa thu nhập và giá bất động sản

Cập nhật 28/09/2007 10:00

Nghịch lý này đã được đặt câu hỏi từ hơn chục năm qua khi mà "cơn sốt" giá nhà đất kéo đến. Vấn đề làm gì để "kéo giá xuống" thì vẫn chưa làm được. Hàng vạn người vẫn mong ngóng có cơ hội được cải thiện chỗ ở...

Chạy theo lợi nhuận

Một giảng viên trường Đại học Thương mại không ngần ngại cho biết, thu nhập của 2 vợ chồng ông khoảng 8 triệu đồng/tháng. "Rõ ràng không nằm trong diện thu nhập thấp. Nhưng nếu dùng thu nhập đó để mua nhà ở (căn hộ 70m2, giá ưu đãi từ 5- 6 triệu đồng/m2) thì phải cần 3- 4 trăm triệu đồng. Nếu một tháng gia đình tôi tiết kiệm được 5 triệu đồng, thì phải mất khoảng 70 tháng"- ông này nói.

Khi so sánh tương quan giữa thu nhập quốc dân và thu nhập cá nhân với giá cả bất động sản (BĐS) từ 1990 đến nay, Bộ Xây dựng nhận định rằng, giá cả BĐS ở nước ta vào loại đắt so với các nước trên thế giới. Giá đất bình quân năm 2003 ở các quận trung tâm Hà Nội khoảng 10 cây vàng/m2, ngoại thành tăng 5- 10 lần so với trước. Nhu cầu về nhà ở đô thị rất lớn, song không thể đáp ứng được do chênh lệch quá lớn giữa thu nhập với mức giá BĐS hiện tại.

Cũng qua kết quả khảo sát của cơ quan chức năng, khả năng chi cho nhà ở từ lương tối đa của cán bộ công chức nhà nước đạt trên 11%. Tỷ lệ này rất thấp so với chi phí thực tế cho nhà ở. Đối với công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ hội để mua nhà càng trở nên... xa vời. Còn giá nhà chung cư thương mại tại các khu đô thị mới rẻ nhất cũng tới 5,3 triệu đồng/m2, phần lớn ở mức 8 - 10 triệu đồng/m2.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạ tầng đô thị, lợi nhuận cao là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp thi nhau nhảy vào thị trường địa ốc. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có những nghiên cứu thị trường một cách cụ thể để đưa ra chiến lược kinh doanh thích hợp.

Nhiều doanh nghiệp do không am hiểu về thị trường đã dẫn đến đầu tư tràn lan, lãng phí, thậm chí đầu cơ, tác động xấu đến thị trường. Trong khi đó, việc phát triển ngành nghề kinh doanh ban đầu, tạo dựng và phát triển thương hiệu của mình thì bị sao nhãng, thậm chí bỏ quên. Chạy theo xu hướng kinh doanh đa ngành nghề, quá say sưa với những lợi nhuận mà BĐS mang lại...

Thiếu nguồn cung


Nhiều chuyên gia nhận định, nguyên nhân sâu xa của tình trạng đẩy giá nhà, đất lên cao là tỷ lệ nguồn cung các dự án nhà đất phục vụ cho nhu cầu sử dụng đang quá lệch lạc.

Bàn về vấn đề này, TS Vũ Đình Ánh, Viện Khoa học Tài chính cho biết: Chúng tôi tán thành ý kiến cho rằng, thị trường nhà ở của người dân rất lớn, nhưng chưa được chú ý. Nếu giá cả thị trường 4- 5 triệu đồng/m2 thì thị trường sẽ rất phát triển, bởi có hàng nghìn, hàng vạn người vẫn đang phải ở trong những ngôi nhà rách nát.

Nếu giá 15- 17 triệu đồng/m2 thì thị trường sẽ rất nhỏ, vì nó sẽ rơi vào túi những người có tiền. Nhà cho người thu nhập thấp, nhà tái định cư được Nhà nước và các doanh nghiệp đề cập nhiều trong thời gian qua. Đây mới thực sự là đối tượng có nhu cầu về nhà ở, nhưng thực tế họ không mua nổi nhà".

TS Ánh cho rằng, chương trình nhà ở cho người có thu nhập thấp chưa thành công. Có nhiều doanh nghiệp nhờ mối quan hệ xin dự án, sau đó bán lại, cộng cả nhiều chi phí "bôi trơn" nên giá cả tăng vọt, vượt khỏi tầm với của những người có thu nhập thấp và trung bình.

Những năm qua, Nhà nước đã có cơ chế ưu đãi trung gian thông qua các doanh nghiệp phát triển nhà ở, nhằm tăng cung thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp, nhưng do chưa được kiểm soát quản lý chặt chẽ nên không hiệu quả, những khoản ưu đãi này đã chui vào túi của nhà kinh doanh.
 

Qua khảo sát của các cơ quan chức năng, trên 30/% các hộ gia đình thuộc khu vực đô thị có diện tích nhà ở dưới 36m2, 19% sống trong những căn hộ tạm bợ, chỉ có 25% hộ gia đình có nhà ở kiên cố. 


Theo N.C - Kinh Tế & Đô Thị