Chây ì nợ thuế

Cập nhật 13/07/2015 10:44

Liên tục trong 2 ngày đầu tháng 7, Cục Thuế Hà Nội đã công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng hàng loạt doanh nghiệp chây ì nộp thuế với số tiền nợ lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực BĐS chiếm con số không nhỏ với 28 dự án và 19 chủ đầu tư. Điều đáng bàn, đây không phải lần đầu tiên TP Hà Nội phải thực hiện biện pháp này, cũng không phải đến thời điểm hiện tại việc chây ì nợ đọng thuế mới được nhắc đến.

Lớn, nhỏ đều nợ

Theo công bố của Cục Thuế Hà Nội, hàng loạt dự án trên địa bàn TP đến nay vẫn còn nợ hàng trăm tỷ đồng tiền thuế đất. Thí dụ, dự án đầu tư xây dựng văn phòng giao dịch, nhà ở, chung cư cao tầng, biệt thự, nhà vườn để bán và cho thuê ở phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) của chủ đầu tư là CTCP Sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu nợ tới hơn 322 tỷ đồng; dự án khu đô thị mới Phú Lương ở phường Phú La, Phú Lương (Kiến Hưng, quận Hà Đông) nợ hơn 193 tỷ đồng; khu hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở để bán 108 Nguyễn Trãi của chủ đầu tư Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội nợ gần 152 tỷ đồng…

Cùng với đó là hàng loạt “đại gia” BĐS như CTCP Sông Đà - Thăng Long, CTCP Viglacera Hà Nội, CTCP Sông Đà 9.06, CTCP Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico6)… cũng bị ngành thuế bêu gương. Thống kê của Cục Thuế Hà Nội cũng cho thấy, từ năm 2008 đến nay, số nợ thuế lĩnh vực BĐS tăng rất lớn. Năm 2009, nợ thuế hơn 4.000 tỷ đồng, năm 2013 là 13.000 tỷ đồng và đến 31-12-2014, số nợ thuế gần 22.000 tỷ đồng.

Điều đáng nói, hầu hết các chủ đầu tư đều than vãn nợ thuế vì công ty không đủ điều kiện trả hoặc vì lý do khách quan chứ không phải do cố tình chây ì, khất nợ. Thí dụ dự án khu đô thị Phú Lương, đại diện chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Việt phân trần dự án đang trong quá trình làm hạ tầng, chưa có lợi nhuận nên chưa có tiền để trả nợ thuế đất cho Nhà nước.

Tương tự, một chủ đầu tư khác đang có dự án mở bán trên đường Lê Văn Lương cũng cho rằng: “Công ty vừa qua giai đoạn khó khăn, phải bán xong dự án mới có tiền trả thuế cho Nhà nước, giờ có thu hóa đơn thì cũng đành… chịu”. Một số doanh nghiệp cũng có phản ứng khá tiêu cực khi bị nêu tên bởi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu.

Trong khi đó, đại diện Cục Thuế Hà Nội cho rằng không ít doanh nghiệp BĐS đang cố tình chây ì. Theo bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế Hà Nội, năm nay số lượng đơn vị nợ thuế bị cơ quan thuế áp dụng cả 2 biện pháp cưỡng chế là trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế tại kho bạc, tổ chức tín dụng lẫn công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhiều hơn.

Tuy nhiên, doanh nghiệp, chủ dự án BĐS vẫn chây ì, chưa thực sự hợp tác trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước. Đơn cử như dự án khu đô thị Phú Lương nêu trên, nhiều người đã “choáng” khi số tiền thuế đất doanh nghiệp này còn nợ lên tới 1.544 tỷ đồng sau rất nhiều lần hoãn, giãn, nhân nhượng của cơ quan thuế.

Chưa đủ “rắn”?

Trên thực tế, từ cách đây nhiều năm, việc doanh nghiệp nợ đọng thuế, trong đó có tiền thuế đất đã được bàn đến rất nhiều lần, không chỉ ở cấp TP mà còn ở cấp bộ. Tuy nhiên, làm sao để Nhà nước không bị thất thu tiền thuế đất và doanh nghiệp không chây ì nợ thuế là một bài toán chưa có hồi kết, mà nguyên nhân nằm ở cả doanh nghiệp lẫn cơ quan thuế.

Trên lý thuyết, ngành thuế không thiếu biện pháp, chế tài để truy thu nguồn tiền quan trọng này, như tiến hành thu hồi mã số thuế, đình chỉ việc sử dụng hóa đơn, thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động…

Tuy nhiên, trên thực tế, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế vẫn là một mối quan hệ khá “mềm dẻo”, ít khi sử dụng các biện pháp mạnh. Điều này ngoài lý do doanh nghiệp khó khăn, xin hoãn, giãn thì bản thân cơ quan thuế cũng có rất nhiều lý do để nhân nhượng cho doanh nghiệp.

Thí dụ với lãi suất chậm thuế là 0,05%/ngày, số tiền thu về khi doanh nghiệp chậm thuế sẽ ngày một tăng cao. Thậm chí cho đến nay, ngay cả việc công bố thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng vẫn được xác định là việc làm “cực chẳng đã” khi các doanh nghiệp đã chây ì, nợ triền miên đến mức cơ quan thuế “hết chịu nổi”.

Khu đô thị Phú Lương.

Theo phân tích của một chuyên gia BĐS, nếu so sánh nguồn vốn từ nợ thuế với nguồn vốn từ ngân hàng, rõ ràng nếu ngành thuế còn nhân nhượng vì nhiều lý do, tâm lý nợ thuế được cứ nợ sẽ vẫn còn tồn tại rất lâu. Thí dụ, một doanh nghiệp BĐS cần khoảng 10 tỷ đồng để quay vòng dự án, cùng thời điểm đó, doanh nghiệp cũng phải trả khoản thuế đất tương đương số tiền này thì rõ ràng không doanh nghiệp nào lựa chọn trả thuế cho Nhà nước sau đó làm thủ tục vay vốn ngân hàng.

Bởi, xét về số tiền phải trả, các điều kiện để thế chấp, các hình thức siết nợ hay độ khó khăn ngân hàng đều hơn, đặc biệt trong thời điểm lãi suất ngân hàng cao. Hơn nữa, doanh nghiệp cố tình nợ thuế lâu đến mức có thể sẽ đến giai đoạn được cơ quan thuế cho khoanh nợ, xóa nợ như đã làm trước đây.

Bộ Tài chính cũng đã đề nghị 3 đơn vị là Cục Thuế Hà Nội, Tổng cục Thuế và Cục Thuế TPHCM phải công khai danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn nhất. Chắc chắn trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp bị “bêu gương”. Tuy nhiên, Nhà nước thu được bao nhiêu tiền thuế vẫn còn là một câu hỏi khó trả lời, vì cơ quan thuế không mạnh tay, trong khi doanh nghiệp vẫn có tâm lý “nợ được bao lâu cứ nợ”.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư